Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.145.435
Truy cập hiện tại 2.639 khách
Ngành công nghệ ô tô hướng đến nguồn nhân lực chất lượng
Ngày cập nhật 17/06/2024

TTH - Đại học Huế vừa mở ngành đào tạo mới về Công nghệ kỹ thuật ô tô. Việc mở ngành nhằm hướng đến cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong tương lai.

Sẵn sàng đào tạo

PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế cho biết, sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về cả về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình đào tạo, Khoa chính thức mở ngành đào tạo Công nghệ kỹ thuật ô tô từ năm 2024, với 3 chuyên ngành: Công nghệ ô tô điện; Dịch vụ và Kiểm định ô tô; Thiết kế ô tô.

Thời gian đào tạo 8 học kỳ cho hệ cử nhân, với khối lượng 120 tín chỉ và 10 học kỳ cho hệ kỹ sư với khối lượng tương ứng 150 tín chỉ. Đây là chương trình đào tạo được xây dựng công phu, hiện đại, có tính hội nhập quốc tế cao, chú trọng kỹ năng nghề nghiệp thực hành, thực tập, gắn kết với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo, nhằm cung ứng nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao cho ngành công nghiệp ô tô trên tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như trong cả nước. Tiến tới cung ứng cho các thị trường lao động Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc trong tương lai. 

Theo PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch, mô hình đào tạo của ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô của khoa sắp đến sẽ là “4 – 4 - 2”; trong đó, 40% thời gian sinh viên sẽ học tại khoa; 40% thời gian sinh viên được học tập tại các doanh nghiệp theo mô hình Learning Base Project (học qua dự án cụ thể); thời gian 20% còn lại, sinh viên được học tập các kỹ năng mềm, phần lớn sẽ do các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp đào tạo.

Ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực bao gồm cơ khí, tự động hóa, điện – điện tử, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI… Việc mở ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô tại Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế là thành quả tất yếu của chiến lược xây dựng và phát triển với mục tiêu trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật phù hợp với xu thế phát triển của xã hội.

Cung ứng nguồn nhân lực chất lượng

PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch nhấn mạnh, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trước đó, Đại học Huế đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhằm cung cấp những kiến thức mới nhất về ô tô, nhất là ô tô điện. Đặc biệt là kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, để vừa phối hợp trong đào tạo, vừa cung ứng nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp sau khi các kỹ sư ra trường.

“Thời gian qua, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế đã tăng cường hợp tác với doanh nghiệp nhằm khai thác nguồn lực, chia sẻ tiềm năng, tận dụng thế mạnh của các bên. Đến nay, có hơn 80 doanh nghiệp đã và đang tham gia hợp tác với khoa; trong đó, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu ở các lĩnh vực công nghệ 4.0 trong nước và ở các nước phát triển. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô sắp đến, chúng tôi liên kết hợp tác có chiều sâu với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô hàng đầu, như Tập đoàn Thaco, Honda, Toyota, VinFast, Kim Long Motors hay các tập đoàn Nisso, Bosch, BMW. Các doanh nghiệp này sẽ trực tiếp tham gia đào tạo với chúng tôi trong thời gian đến”, PGS.TS. Nguyễn Quang Lịch thông tin.

Tại buổi ra mắt ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô vừa được tổ chức, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế cũng đã ký kết với những hãng ô tô, những đại lý cung cấp ô tô lớn trong và ngoại tỉnh, nhằm phối hợp trong đào tạo công nghệ kỹ thuật ô tô nói chung và công nghệ ô tô điện nói riêng. Hay như mới hơn, Tập đoàn Nisso và Công ty Delightword Việt Nam đã cam kết đồng hành cùng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại  học Huế trong đào tạo, bằng việc hàng năm cấp học bổng với giá trị 5.000 USD/năm cho sinh viên tuyển sinh trong năm 2024.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đang từng bước khẳng định vị thế là đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó các lĩnh vực công nghệ 4.0, như: điện – điện tử, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đối với ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô điện được Đại học Huế quan tâm, đầu tư cả về cơ sở vật chất, cũng như nhân lực đội ngũ. Bên cạnh đó, Đại học Huế sẽ từng bước hiện thực hóa mô hình hợp tác cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo để khai thác tiềm năng và lợi thế của nhau; đồng thời, phát huy tốt hơn nữa hợp tác quốc tế để sớm quốc tế hóa giáo dục, nhất là các ngành công nghệ có tính chất hội nhập rất cao như ô tô điện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cũng đặt kỳ vọng, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô là chương trình tiềm năng và nhiều thú vị cho các bạn học sinh đam mê công nghệ, nhất là công nghệ xanh và phát triển bền vững. Ngành học này cũng phù hợp với định hướng phát triển của Thừa Thiên Huế. Song song với việc phát triển các ngành đào tạo văn hóa truyền thống, các ngành học gắn liền với lĩnh vực công nghệ 4.0 sẽ là cầu nối vững chắc để phát triển Đại học Huế trở thành đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; góp phần phát triển Thừa Thiên Huế trên nền tảng tri thức, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày