Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.182.557
Truy cập hiện tại 588 khách
Cải cách tiền lương và bộ máy
Ngày cập nhật 15/11/2010

Từ nhiều năm qua, vấn đề cải cách lương công chức thỉnh thoảng lại được xướng lên để rồi cuối cùng lại rơi vào im lặng trước câu hỏi muôn thuở không có câu trả lời: tiền (ngân sách) đâu để trả lương cao hơn, xứng đáng hơn cho công chức để họ có thể toàn tâm toàn ý làm công việc phục vụ nhân dân?

Sở dĩ vấn đề thỉnh thoảng lại được xới lên chính vì có một nghịch lý tồn tại dai dẳng chưa được giải quyết ổn thỏa: đồng lương công chức trên danh nghĩa quá thấp nhưng họ vẫn sống được, thậm chí nhiều người giàu lên thấy rõ. Họ sống bằng gì? Giàu lên bằng gì? Không khó để tìm câu trả lời.

Vậy mà hệ thống lương đó vẫn tồn tại năm này qua năm khác (thỉnh thoảng có tăng nhưng không đáng kể, không thể gọi là cải cách), gây ra nhiều hậu quả về đạo đức con người, công bằng xã hội, là mảnh đất tốt cho nạn tham nhũng, vòi vĩnh, vô trách nhiệm, vô cảm trước nỗi khổ của người dân. Chưa nói đến việc không thể trông chờ một hệ thống lương như vậy có thể thu hút và giữ chân được lâu dài những người tài giỏi trong khu vực công để phục vụ nhân dân tốt hơn (hàng chục ngàn công chức ở hai thành phố lớn nhất nước, tất nhiên không phải tất cả đều tài giỏi, bỏ ra khỏi khu vực công trong mấy năm qua là một thí dụ).

Câu hỏi “tiền đâu” đúng là câu hỏi mãi mãi không có câu trả lời nếu vẫn đặt vấn đề tăng lương công chức một cách biệt lập, tách rời với việc trước hết là cải tổ bộ máy hành chính, bộ máy quản lý nhà nước sao cho tinh gọn và hiệu quả hơn, và kế đến là xem xét lại hệ thống những người ăn lương ngân sách.

Để làm được điều này, đòi hỏi một sự quyết tâm rất cao, vượt ra khỏi sự bình thường, chính do sức ỳ của một hệ thống đã được duy trì quá lâu lẫn những lo sợ mất đặc quyền đặc lợi của một bộ phận nào đó và cả những lo ngại xa xôi hơn về khả năng kiểm soát hệ thống.

Chẳng hạn, ngân sách có nên tiếp tục bao cấp cho các hội đoàn mà theo nguyên lý là do hội viên tự nguyện tập hợp, tổ chức vì một tôn chỉ mục đích chung, nhằm phục vụ xã hội theo cách riêng của họ? Liệu có nên xã hội hóa nhiều loại hình dịch vụ công, chuyển bớt nhiều công việc của bộ, ngành cho xã hội để có thể tinh giản đội ngũ cán bộ hưởng lương từ ngân sách mạnh hơn nữa?

Bao lâu chưa dứt khoát trả lời những câu hỏi đó thì công chức sẽ vẫn phải sống với đồng lương danh nghĩa và những hệ lụy nhiều mặt từ hệ thống lương ấy sẽ vẫn tồn tại dai dẳng. Hệ thống hành chính, quản lý nhà nước sẽ vẫn chạy theo quán tính nhưng không thể có sự đột phá về hiệu quả, công cuộc cải cách hành chính sẽ vẫn xoay vòng như nhiều năm qua mà chưa thấy đích đến.

Nhưng với hệ thống lương công chức (bao gồm cả lương cho các nhà khoa học trong các cơ quan khoa học nhà nước) và bộ máy quản lý nhà nước vận hành như hiện nay, chẳng lẽ rồi chúng ta chỉ có thể hồ hởi vui mừng ăn theo mỗi lần một bộ óc xuất chúng của dân tộc Việt Nam được thế giới công nhận và sử dụng mà không thể tạo ra điều kiện, trong đó có hệ thống trả lương, để những bộ óc ấy được đóng góp vào sự phát triển và phồn vinh của dân tộc?

HXTH. Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Các tin khác
Xem tin theo ngày