Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì phiên họp.
GRDP quý III ước tăng 9,82%
Thông tin tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui cho biết, GRDP quý III ước tăng 9,82% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 4,28%, quý II tăng 7,42%).
Theo đó, lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng khá với mức tăng 7,4%, chiếm 50,24% trong cơ cấu kinh tế. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 114,7 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 9 ước đạt 85,8 triệu USD, tăng 60,2% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 15%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 ước tăng 0,2% so với tháng trước...
Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 29,92% trong cơ cấu GRDP; sản xuất nông nghiệp được mùa, chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan, chiếm tỷ trọng 11,83% trong cơ cấu GRDP; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, ước đạt 22.981 tỷ đồng, bằng 68,3% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Riêng hoạt động du lịch tháng 9 nhìn chung ít sôi động hơn so với tháng trước, lượng khách du lịch ước giảm 16,5%;
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ tiếp tục được quan tâm…
Ông Vui nhấn mạnh: Đến nay, Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế đã được các cơ quan Trung ương thẩm định báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024.
Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 30/9/2024 đã giải ngân 3.616,479 tỷ đồng/6.957,879 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch; cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc (40,5%), xếp thứ 19/63 tỉnh thành cả nước.
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cho biết, thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.720 tỷ đồng, bằng 74% dự toán, bằng 64% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 9.667,3 tỷ đồng, bằng 60% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 3.205,8 tỷ đồng, bằng 54% dự toán…
Mặc dù kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, song, ông Vui thông tin, những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng của các doanh nghiệp tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm.
“Chỉ tiêu phấn đấu về thu ngân sách đạt 13.600 tỷ đồng là thách thức rất lớn trong 3 tháng cuối năm. Công tác giải phóng mặt bằng tiếp tục là “điểm nghẽn” làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách đã được chấp thuận nhà đầu tư, khởi công dự án nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Tình hình tai nạn giao thông có chiều hướng diễn biến phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ”, ông Vui nói.
Tháo gỡ những vướng mắc
Thảo luận tại phiên họp, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thông tin cụ thể hơn về tình hình kinh tế - xã hội ở từng địa phương, lĩnh vực; đồng thời nêu những khó khăn, kiến nghị xung quanh các vấn đề như, chỉ tiêu xuất nhập khẩu, cấp phép đăng ký tàu cá, giống cho trồng rừng gỗ lớn, công tác cán bộ, nhân lực số, thúc đẩy thương mại điện tử, quy định bồi thường tái định cư theo luật mới…
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh đến Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó cần tập trung phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan Trung ương khẩn trương hoàn thiện dự thảo tờ trình của Chính phủ về Đề án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, ông Phương đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động rà soát, bổ sung phương án ứng phó với từng loại thiên tai có thể xảy ra, nhất là phương án ứng phó bão, lũ, sạt lở đất; chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tập trung đôn đốc, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công các hoạt động Lễ hội “Mùa đông xứ Huế”. Triển khai kế hoạch tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2025 gắn với kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế…
Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần nâng cao hiệu quả 4 tổ công tác giám sát, quản lý dự án đầu tư của UBND tỉnh để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính đồng bộ, sẵn sàng trong kêu gọi và thu hút đầu tư.
Ngoài ra, cần tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước năm 2024. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu ngân sách, chống thất thu ngân sách; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó, tập trung triển khai nghiêm túc, hiệu quả Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 2/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành dự toán ngân sách nhà nước và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Phấn đấu hoàn thành và vượt kế hoạch thu ngân sách Nhà nước năm 2024 trên 13.600 tỷ đồng.
Theo baothuathienhue.vn