Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.012.404
Truy cập hiện tại 6.670 khách
Du lịch miền Bắc tìm cách phục hồi sau bão lũ
Ngày cập nhật 30/09/2024

Cơn bão số 3 gây thiệt hại lớn tới nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội của các tỉnh, thành phố phía Bắc, trong đó có ngành du lịch. Đến nay, cơ bản các điểm du lịch ở phía Bắc đã đón khách trở lại, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn cân nhắc tổ chức các đoàn du lịch đến các tỉnh miền núi phía Bắc do yếu tố an toàn.

Khắc phục thiệt hại, đón khách trở lại

Theo tổng hợp của Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), các điểm đến du lịch ở miền Bắc hiện đã cơ bản hoạt động trở lại từ trung tuần tháng 9, sau 1 tuần bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch của địa phương tại khu vực TP Hạ Long đều bị thiệt hại do bão số 3. Trên vịnh Hạ Long có khoảng 500 tàu du lịch tham gia chở khách tham quan các tuyến điểm, nghỉ đêm, trong đó có 28 tàu du lịch bị chìm, hàng chục tàu bị hư hỏng nặng nề sau bão.

Không chỉ thiệt hại về tài sản, sau bão trên vịnh Hạ Long xuất hiện nhiều rác bè mảng nuôi trồng thuỷ sản trôi dạt khắp nơi. Ban Quản lý vịnh Hạ Long phải đã triển khai Chiến dịch “3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long”, huy động các lực lượng, cộng đồng doanh dịch vụ du lịch trên vịnh tham gia dọn rác. Nhờ đó, tình trạng rác thải gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường đến nay đã cơ bản được khắc phục, mang lại cảnh quan sạch đẹp cho vịnh di sản.

Đối với đội tàu du lịch, các chủ tàu đã nhanh chóng sửa chữa những hỏng hóc, đảm bảo an toàn cho phương tiện đón du khách tham quan vịnh Hạ Long. Hạ tầng cảng bến cũng khẩn trương sửa chữa, có phương án đón tiếp khách du lịch phù hợp. Gần 90% số tàu du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã ổn định hoạt động, đón khách trở lại.

Hiện nay, cơ bản tất cả các điểm đã đủ điều kiện an toàn và được đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Sau 2 tuần đón khách trở lại, vịnh Hạ Long đã đón gần 40.000 lượt du khách, trong đó gần 90% là khách nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ... Quảng Ninh vẫn quyết tâm, kiên định hoàn thành mục tiêu đón 19 triệu lượt khách du lịch trong năm 2024, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế.

Còn ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cho biết, sự tàn phá của hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng mọi mặt, giao thông bị chia cắt, các cơ sở lưu trú và các hoạt động du lịch phải tạm ngưng. Trong tháng 9, các cơ sở du lịch gần như không phát sinh doanh thu, các tour du lịch trong tháng 9 đều bị hủy, chỉ còn khách lẻ. Tổng thiệt hại trực tiếp đối với ngành du lịch sơ bộ khoảng 15 tỷ đồng, trong đó lượng khách giảm 72% so với tuần trước bão.

Sở Du lịch Lào Cai đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành giao thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng khắc phục, sửa chữa các tuyến đường sạt lở, để tạo thuận lợi, an toàn cho du khách, nhất là các tuyến giao thông đến các điểm du lịch Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý (Bát Xát). Sở cũng đề nghị ngành giao thông vận tải và UBND các huyện, thành phố, thị xã cập nhật và thông tin kịp thời tình hình giao thông đến các khu, điểm du lịch để khuyến cáo đối với doanh nghiệp và du khách khi chuẩn bị chương trình tham quan du lịch tại Lào Cai…

Bên cạnh tuyến đường bộ, từ 24/9, tuyến đường sắt từ Hà Nội đến ga Lào Cai cũng được khôi phục. Bà Dương Quỳnh, đại diện đơn vị lữ hành Lào Cai cho biết, chuyến tàu đến chậm hơn ngày thường 2,5 tiếng, nhưng phần lớn là du khách nước ngoài cũng thông cảm bởi lịch trình đã được thông báo trước.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, đơn vị chuyên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cho biết: Sau bão số 3 đến nay, các điểm đến du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến nay vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, đang mùa mưa bão, vấn đề đảm bảo an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu. Các đơn vị lữ hành có thể triển khai thêm loại hình du lịch thiện nguyện để hỗ trợ các bản làng khó khăn...

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Theo thống kê tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 làm 28 tàu du lịch hoạt động đưa khách tham quan vịnh Hạ Long bị chìm. Đến nay, đã trục vớt được 9/28 tàu du lịch, trong đó có 2 tàu ngủ đêm. Đại diện Hiệp hội tàu du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch đề nghị UBND tỉnh có các giải pháp hỗ trợ, kết nối với các đơn vị trục vớt, sửa chữa, đóng mới để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn như giãn, hoãn các khoản nợ, cho vay mới, giảm thuế theo quy định hiện hành của Nhà nước; hỗ trợ thủ tục pháp lý trong cấp giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện…

Để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch, tỉnh đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo khắc phục ngay sau bão. Tuy nhiên, một số nội dung như hỗ trợ chi phí trục vớt tàu trong các quy định, chính sách Nhà nước chưa có điều mục này. Với tính chất đặc thù, Quảng Ninh đã báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn, bổ sung, mở rộng đối tượng hỗ trợ, để các doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch có thểm cho phí trục vớt, khắc phục thiệt hại.

Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp du lịch dịch vụ tại Lào Cai đề xuất xem xét một số chính sách đặc thù để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung bị thiệt hại sau bão, lũ, như: Xem xét cơ cấu lại thời gian vay, nợ; miễn, giảm lãi suất vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại; giảm tiền thuê đất, thuế đất, tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc xem xét gia hạn thời gian quyết toán các loại thuế …

Trước thực tế doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại sau bão lũ, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, trong đó có những chính sách hỗ trợ ngành du lịch.

Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu việc áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương khẩn trương trục vớt các tàu bị đắm do cơn bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa, sớm đưa vào phục vụ khách du lịch; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3.

Ông Nguyễn Đạo Dũng, Trưởng Phòng Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, một số doanh nghiệp lữ hành các địa phương đang chào đón du khách trở lại, nhưng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi tâm lý lo ngại tác động của bão lũ và cơ sở vật chất, hạ tầng của nhiều điểm đến cần thời gian phục hồi. Bên cạnh đó, việc đầu tư, tái đầu tư cho các điểm du lịch không dễ trong giai đoạn ngành du lịch đang phải nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ... Do vậy, các địa phương cần phải xem xét lại cách tiếp cận, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình thời tiết và khí hậu tại từng vùng, miền.

Theo ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Công ty du lịch Mai Việt, đơn vị chuyên đón khách quốc tế, đơn vị vẫn tổ chức các tuyến du lịch đã công bố, nhưng thông báo cụ thể trước cho khách về hậu quả của bão số 3 vừa qua để khách biết trước một số dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng; đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về mưa bão, chủ động trao đổi lại với khách để thay đổi lịch trình phù hợp. Đa số khách quốc tế đều thông cảm đây là yếu tố khách quan...

Theo baotintuc.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày