3 giờ chiều, chúng tôi theo chân anh Phan Bá Ly, một trong những hộ có diện tích trồng sen lớn nhất xã ra cánh đồng sen gần khu vực chợ chiều Vinh Thanh. Đa phần cánh đồng sen đã ngả màu nâu, chỉ một vài ruộng sen giống là đang ra những cụm lá mới xanh tươi. Trên các ruộng sen, dưới cái nắng đầu thu, những người nông dân tất bật thu hoạch củ sen.
Lội xuống ruộng sen vẫn còn sình lầy, chỉ cho chúng tôi phần ruộng nhà đang đào dở, anh Ly cho biết: “Sau khi lá sen ngả sang nâu, thường từ tháng 8 đến tháng 9 là củ sen có thể thu hoạch được. Năm nay, mặc dù sâu bệnh, nhất là bệnh thán thư gây ảnh hưởng đến năng suất, nhưng nhờ phòng chống sâu bệnh kịp thời và chăm sóc đúng kỹ thuật, củ sen vẫn đạt chất lượng tốt”.
Nhờ nhân lực trong nhà dồi dào, anh Ly không thuê thêm người đào. Với những gia đình ít người, để thu hoạch củ sen hiệu quả, nhiều chủ ruộng sen đã chủ động thuê thêm nhân công, đảm bảo thu hoạch củ sen trước mùa mưa lũ. Người đào sẽ dùng những chiếc cuốc 5 răng hoặc 3 răng để nạy từng tảng bùn lẫn củ sen. Sau khi dỡ lên, củ sen sẽ được phân loại, làm sạch đơn giản để loại bỏ bùn đất bám trên củ.
Như nhiều nhà trồng sen khác, năm nay ruộng sen nhà anh Ly cho củ to, đồng đều, chất lượng tốt. Anh Ly hồ hởi nói: “So với năm ngoái, năm nay năng suất củ sen tăng 10%. Trung bình mỗi sào trồng sen mang lại cho các hộ nông dân từ 150 đến 200kg củ”. Tùy kích cỡ mà củ sen sẽ được các thương lái về tận nhà thu mua với giá từ 10 – 30 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khấm khá cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Bích, một thương lái mua củ sen cho biết: “Những năm gần đây tôi thường thu mua củ sen Vinh Thanh để bán cho các chợ, gửi mối hàng sỉ, bán lẻ. Chất lượng củ sen tốt, đạt cả hình thức lẫn hương vị, giá thành lại hợp lý nên được nhiều người mua để chế biến món ăn, làm trà, làm mứt, bột củ sen. Ngoài bán tại địa phương, tôi còn đóng củ gửi theo xe cho bạn buôn ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Những mối hàng trên cũng rất ưa chuộng củ sen Vinh Thanh”.
Ngoài bán qua thương lái, một số người trồng sen còn đã tận dụng mạng xã hội để quảng bá, đăng bán củ sen. Nhờ đó củ sen Vinh Thanh “hút” hàng, đào đến đâu được thu mua đến đó. Người trồng lẫn người đào thuê và người bán đều vui mừng.
5 năm trở lại đây, mô hình trồng sen thay thế trồng lúa ở những chân ruộng thấp trũng, năng suất thấp tại xã Vinh Thanh đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, phù hợp với địa hình thấp trũng, sình lầy, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Có hộ còn áp dụng biện pháp canh tác mới, bơm nước trồng sen trên ruộng cạn để có nguồn thu ổn định từ hoa, hạt và củ sen. Nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa, điều trị sâu bệnh đúng kỹ thuật, cây sen Vinh Thanh đã mang đến thu nhập ổn định cho người trồng, đào củ sen lẫn thương lái.
Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho biết: “Năm 2024, trên địa bàn xã có 25ha đất trồng lúa thấp trũng, kém năng suất đang được bà con chuyển sang canh tác cây sen. Hiện nay, các hộ dân đang tích cực thu hoạch củ sen cũng như chăm sóc cây giống để chuẩn bị cho vụ mới. Với năng suất củ cao, chất lượng tốt, cây sen là minh chứng cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương”.
Theo baothuathienhue.vn