Từ cây lúa, luống rau...
Về các vùng nông thôn mùa gặt lúa hè thu này, chúng tôi được chứng kiến niềm vui nhà nông được mùa. Nhìn những cánh đồng lúa vàng ươm, không chỉ minh chứng cho năng suất cao, mà chất lượng sản phẩm còn khác xưa rất nhiều nhờ những giống lúa mới, chất lượng cao được đưa vào gieo cấy. Trong tiết trời đầu thu, những chiếc máy gặt đập liên hợp hiện đại chạy đều trên từng xứ đồng, mẫu ruộng. Máy vừa gặt vừa đóng lúa vào bao, giúp nông dân bớt mồ hôi, công sức rất nhiều.
Nông dân Lê Văn Hòa ở xã Quảng An (Quảng Điền) khẳng định, qua mỗi vụ lúa, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng cho thấy tư duy, nhận thức của nhà nông trong sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung có nhiều thay đổi đáng kể, không chỉ ở đồng bằng mà cả miền núi. Nhiều nông dân gần như nắm bắt, chủ động trong chọn lựa các giống lúa, cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất, ứng dụng các yếu tố khoa học, kỹ thuật tiên tiến từ khâu làm đất, gieo cấy, thủy lợi đến khâu thu hoạch.
Và có lẽ một trong những chuyển biến mới mang tính đột phá nhất trong nông nghiệp hiện nay là nông dân từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và bền vững, thân thiện với môi trường. Gắn bó với mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn theo “chuỗi giá trị”, người nông dân còn được doanh nghiệp hỗ trợ đầu ra, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định, cao hơn so với thị trường.
Từ khi chuyển sang mô hình trồng lúa hữu cơ, ông Nguyễn Bình cũng như nhiều người dân ở An Lỗ (Phong Điền) cảm thấy hứng thú, tâm huyết với nghề nông hơn. Với ông Bình, cái mới nhất là thay đổi tư duy, nhận thức về sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Từ khâu làm đất, gieo mạ đến thu hoạch đều bằng máy móc cơ giới nên không còn mất sức lao động, mất thời gian như trước.
Từ tập quán sản xuất truyền thống, lạm dụng thuốc diệt cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh, phân hóa học, ông Bình và nhiều nông dân An Lỗ đã nắm vững yêu cầu kỹ thuật trồng lúa hiện đại, không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân hóa học. Nguồn nước tưới lúa trước khi đưa vào đồng ruộng phục vụ sản xuất cũng được kiểm định chất lượng đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Lỗ chia sẻ, trước khi bắt tay tổ chức trồng lúa hữu cơ, đơn vị đã làm việc, hợp đồng với nhiều đơn vị cung ứng đầu vào và đầu ra sản phẩm. Nông dân tham gia mô hình được tư vấn, truyền đạt các biện pháp kỹ thuật, lợi ích của nông nghiệp hữu cơ. Điều đáng mừng và thành công của nông dân An Lỗ là sản phẩm gạo hữu cơ được nhiều cửa hàng, đại lý và các trường mầm non bán trú thu mua ổn định.
Nhiều vùng miền, kể cả nông dân miền núi Nam Đông, A Lưới hiện nay cũng biết trồng rau, củ, quả an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hơn 40 nhà lưới với tổng diện tích khoảng hơn 60.000m2, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 5.100ha lúa và rau các loại, sản xuất hữu cơ hơn 500ha.
Đến chăn nuôi hữu cơ, an toàn
Từ một hộ nông dân chỉ biết canh tác theo tập quán truyền thống, lạc hậu, anh Nguyễn Hải Teo ở xã Quảng Nhâm (A Lưới) đã chuyển sang mô hình trồng trọt, chăn nuôi an toàn, hữu cơ. Anh Teo có ngôi nhà kiên cố nằm giữa vườn chuối được trồng theo hướng hữu cơ rộng 1,5ha, được xây dựng bằng nguồn thu nhập từ loại cây này. Anh Teo bảo, với xu thế người tiêu dùng hiện nay, không còn con đường nào khác là phải thay đổi tư duy nhận thức, chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, an toàn.
Tư duy sản xuất của anh Teo bắt đầu thay đổi từ sự hướng dẫn của cán bộ Tập đoàn Quế Lâm. Bản tính cần cù, chịu khó học hỏi đã giúp người nông dân miền núi này khá nhanh nhạy trong việc nắm bắt các quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mới, đáng chú ý là mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học. Ban đầu chỉ nuôi thử nghiệm vài con lợn nái, lợn thịt hữu cơ dưới sự hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ của Tập đoàn Quế Lâm, đến nay anh Nguyễn Hải Teo hoàn toàn chủ động chăn nuôi đến cả trăm con lợn thịt, lợn nái hữu cơ mỗi lứa.
Tận dụng nguồn phân chuồng hữu cơ từ chăn nuôi lợn, anh Teo phát triển thêm mô hình trồng chuối già lùn hữu cơ trên diện tích 1,5ha và trồng 1ha sâm Bố Chính. Mô hình chăn nuôi lợn của anh Teo cũng là mô hình sản xuất theo “chuỗi giá trị”, theo hướng tuần hoàn. Tận dụng nguồn phụ phẩm từ trồng chuối, anh Teo chế biến thức ăn chăn nuôi lợn và ủ làm phân bón cho các loại cây trồng, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học. Sản phẩm từ chăn nuôi được Tập đoàn Quế Lâm bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn 20% so với thị trường.
Từ mô hình của anh Teo, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc… hiện nay đã có hàng trăm hộ học tập chăn nuôi lợn, bò hữu cơ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An khẳng định, ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng với mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, an toàn, trong đó nuôi lợn hữu cơ hiện nay khoảng 7.500 con mỗi năm.
Ông Nguyễn Long An đánh giá, sản xuất nông nghiệp tỉnh đang có bước phát triển khá toàn diện, trong đó đã hình thành và từng bước nhân rộng các mô hình hữu cơ, an toàn. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt bình quân 3,5%/năm, nông nghiệp và cả kinh tế nông thôn đang chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Trên địa bàn tỉnh đã tập trung cơ cấu lại theo hướng ưu tiên phát triển ba nhóm sản phẩm (chủ lực quốc gia, chủ lực cấp tỉnh, OCOP).
Theo baothuathienhue.vn