Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.016.857
Truy cập hiện tại 75 khách
Dấu ấn “xanh” trong doanh nghiệp
Ngày cập nhật 03/09/2024

TTH - Chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, kinh doanh xanh, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên “đường đua” thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Đầu tư cho sản phẩm xanh

Sản xuất xanh là điểm nhấn giúp Công ty CP Dệt may Huế (Huegatex) khẳng định uy tín đối với khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Ông Nguyễn Văn Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt  may Huế cho biết, thị trường của Huegatex chủ yếu là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hiện công ty đang sản xuất cho các nhãn hàng Target, Kohl’s, Walmart, PVH (Tommy), Inditex (Zara)… Tất cả các nhãn hàng đều đặt ra các mục tiêu giảm phát thải và kinh tế tuần hoàn trong toàn chuỗi cung ứng.

Để chinh phục điều này, từ năm 2020, công ty đặt mục tiêu giảm 1% lượng khí thải, nước thải và rác thải trên mỗi đơn vị sản phẩm và đã triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả.

“Hiện chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu giảm 3% lượng điện tiêu thụ”, ông Phong cho biết. Để thực hiện mục tiêu này, Huegatex phối hợp với đơn vị cung ứng năng lượng xanh triển khai lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy may 4; đầu tư xây dựng nhà máy may ba tầng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn LEED (Tiêu chuẩn quốc tế tiên phong tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống). Toàn bộ nhà máy sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. Công ty đầu tư hệ thống quan trắc tự động, đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, tuần hoàn nước vào các hoạt động phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường trong công ty.

Ngoài ra, công ty cũng “xanh hóa” nhà máy và sản phẩm bằng cách tổ chức sản xuất sản phẩm sợi tái chế, vải sử dụng sợi tái chế và hàng may mặc sử dụng nguyên liệu có thành phần sợi tái chế. Đối với hệ thống lò hơi, lò nhiệt cung cấp hơi cho hoạt động dệt nhuộm, Huegatex sử dụng nguyên liệu sinh khối như bột gỗ, củi trấu để đốt lò nhằm giảm khí thải, giảm tác động đến môi trường.

 “Sản xuất xanh là xu hướng tất yếu và là yếu tố để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Huegatex tiếp tục tập trung đầu tư cho sản xuất xanh, tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa từ khâu thiết kế đối với các công trình mới. Tiếp tục tham gia các dự án của khách hàng để tận dụng nguồn lực cải thiện dần hiệu quả sử dụng năng lượng, tuần hoàn năng lượng và hình thành mô hình sản xuất xanh”, Tổng Giám đốc Huegatex Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Tiên phong phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân được xướng tên tại nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như: Top 1 “Khu nghỉ dưỡng tốt nhất thế giới về hoạt động chăm sóc sức khỏe”; Top 3 “Khu nghỉ dưỡng bền vững với môi trường”, giải do khách hàng của Tạp chí Luxury bình chọn. Ngoài ra, Alba Thanh Tân được vinh danh trong Top 20 “Khu nghỉ dưỡng xanh thân thiện với môi trường quốc gia 2023”.

Bà Võ Thị Diệu Huyền, Giám đốc nhân sự kiêm phụ trách dự án phát triển bền vững Alba Thanh Tân thông tin, Alba Thanh Tân kinh doanh xanh tập trung ở các nội dung gồm trải nghiệm hoạt động ngoài trời liên quan sức khỏe như thiền, đạp xe, leo núi; đầu tư trang trại hữu cơ và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngoài ra, sử dụng năng lượng mặt trời thay thế điện quốc gia, hạn chế sử dụng điện công nghiệp vào giờ cao điểm, đầu tư hệ thống xử lý nước tự nhiên đạt chuẩn để sử dụng cho sinh hoạt. Từ cách làm đó, năm 2023 qua đánh giá khảo sát, Alba Thanh Tân giảm được 70% bao bì ni lông sử dụng trong các bộ phận; mỗi tháng tiết kiệm được 12 triệu đồng về điện năng tiêu thụ trong khu nghỉ dưỡng; tỷ lệ khách hàng trở lại khu nghỉ dưỡng và lượng khách mới năm sau cao hơn năm trước.

Theo ông Eugene Hendriks, Giám Đốc Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, ngay từ những ngày đầu thành lập, mục tiêu phát triển du lịch xanh đã được công ty đề ra. Công ty nhất quán thực hiện đồng loạt, bắt đầu từ hành động nhỏ trong từng nhân viên, từng bộ phận để tạo thói quen bảo vệ môi trường. Công ty tổ chức họp hàng tháng với lãnh đạo các bộ phận, thường xuyên tự kiểm tra nội bộ các phòng ban để đảm bảo thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, mời các chuyên gia, dự án kiểm tra giám sát cách làm rồi cải thiện từng bước.

Tạo nền tảng

Tại Thừa Thiên Huế, hiện có nhiều DN đã thực hiện tiêu chuẩn EGS (tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tiêu biểu như Công ty Scavi Huế, Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Cảng Chân Mây, Công ty TNHH Thiên Hương, Công ty Baosteel Packing, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, Công ty cổ phần Dược phẩm Medipharco, Công ty TNHH MSV…

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MSV KCN Phú Bài cho hay, công ty chuyên sản xuất hàng xuất khẩu qua thị trường Nhật. Thế nên, công ty có nhiều giải pháp hướng đến sản xuất xanh theo chủ trương của tỉnh và xu hướng của thế giới. Các thiết bị, công nghệ dây chuyền ít tiêu hao năng lượng. Bên cạnh đó, đơn vị khuyến khích người lao động đóng góp sáng kiến, cải tiến trong sản xuất. Ước tính mỗi năm, công ty giảm được 500 tấn CO2. Hiện nay, công ty đã xây dựng lộ trình SXKD đến năm 2050 giảm phát thải về 0.

Việc phát triển sản phẩm xanh không chỉ đơn thuần là nghĩa vụ môi trường của doanh nghiệp, mà còn là cơ hội “vàng” để doanh nghiệp tăng cường tính nhận dạng thương hiệu. Nhất là khi khách hàng đang ngày càng đánh giá cao và ưa chuộng các doanh nghiệp có cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề bảo vệ môi trường và xã hội.

Phát biểu tại diễn đàn “Chỉ số xanh cấp tỉnh và việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện với môi trường” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tại Huế mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định, không phải bây giờ mà những thập niên về trước, tỉnh đã thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án đáp ứng tiêu chí sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, khuyến khích tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn...

Thừa Thiên Huế là địa phương được các tổ chức uy tín quốc tế cũng như trong nước công nhận là “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”... Đây sẽ là nền tảng, là động lực để tỉnh sẽ có những bước tiến nhanh hơn, hiệu quả hơn trên con đường phát triển xanh, bền vững. “Chúng tôi ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương  khẳng định.

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày