Trường tiểu học Lê Lợi là một trong những cơ sở trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại chỗ và đưa học sinh tham gia các hoạt động giáo dục di sản, văn hóa nghệ thuật Huế, tham quan các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Năm học 2023 - 2024, trường tổ chức cho hơn 1.400 học sinh tham gia các hoạt động trên trong nỗ lực thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, giúp học sinh được giao lưu, học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống; đồng thời, khơi dậy niềm yêu mến và tự hào dân tộc trong các bạn nhỏ.
Em Tiến Minh, học sinh lớp 5, hào hứng: “Năm nào em và các bạn cũng được tham gia trải nghiệm ở các làng nghề, tham quan di sản Huế nên rất thích. Nhờ những lần được đi như vậy, em được biết đến ca Huế, được tận mắt nhìn thấy trang phục của các vua chúa thời Nguyễn, hiểu về nghề gốm Phước Tích, về tranh làng Sình… ”.
Cô giáo Lê Thị Ly Na, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi cho biết, nhà trường tạo điều kiện cho tất cả học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm, tham quan di sản văn hóa Huế và thực hiện tổ chức phân luồng theo khối. Khối 1, 2 đi các địa điểm gần, như: Đại Nội, cung An Định, khu làng nghề…, các khối lớn đi xa hơn, như làng gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên… với mong muốn sau 5 năm ra trường các em được trải nghiệm hết các địa điểm, di sản Huế. Thông qua các chuyến đi, các em học hỏi được nhiều điều, như học cách tham gia các phương tiện công cộng, tự lập trong các bữa ăn hay có dịp trò chuyện cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ để các em hiểu và trân quý, biết ơn công lao của các nghệ sĩ, nghệ nhân, qua đó vun đắp tình yêu đối với di sản và các làng nghề Huế.
Thời gian qua, các cơ sở trường học trên địa bàn TP. Huế đều lên kế hoạch và tổ chức đưa học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản, văn hóa nghệ thuật Huế. Theo đó, các em được tham quan, tìm hiểu về lịch sử các vị vua chúa nhà Nguyễn, các khu lăng tẩm và điểm di tích, như: Đại Nội, lăng Gia Long, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế… Không chỉ trải nghiệm tham quan di sản văn hóa vật thể, học sinh các cấp học cũng được tiếp cận với di sản phi vật thể cung đình xưa, như xem tái hiện lễ đổi gác tại Ngọ Môn, xem Nhã nhạc, múa cung đình tại nhà hát Duyệt Thị Đường, xem biểu diễn ca Huế.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT TP. Huế, đến cuối năm học 2023 - 2024, toàn thành phố có có 14 trường mầm non, 57 trường tiểu học và 37 trường THCS tổ chức cho học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản văn hóa nghệ thuật Huế tại các di tích lịch sử, văn hóa Huế với hơn 33 ngàn lượt học sinh tham gia.
Trong những năm học tới, ngành GD&ĐT thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, trong đó có giáo dục di sản, nhằm giúp học sinh hiểu về lịch sử văn hóa Huế, từng bước vun đắp tình yêu với di sản văn hóa trong thế hệ trẻ.
Theo baothuathienhue.vn