Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.031.250
Truy cập hiện tại 2.968 khách
Cách mạng Tháng 8 trên đất Cố đô Huế
Ngày cập nhật 22/08/2024

Cách đây 75 năm, Thừa Thiên-Huế là Thủ đô phong kiến, đầu não của chính quyền bù nhìn cả nước, nơi đóng quân và bộ máy tối cao của cố vấn Nhật nhưng sự lãnh đạo của lực lượng Việt Minh đã tập hợp, quy tụ được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả tầng lớp quan lại phong kiến yêu nước, làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 tại đây, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Khí thế cách mạng như “triều dâng, thác đổ”

 Sau khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng vào tháng 3/1945, Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khi đó đã chủ động quyết định thời cơ khởi nghĩa, xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, chủ động vận động nội các của Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức, cô lập những phần tử phản động, phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh.

Ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị toàn tỉnh thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào cách mạng trong cả nước, Chính phủ Trần Trọng Kim lúc này hoang mang cao độ. Từ ngày 18-22/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa các huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Tại thành phố Huế, trung tâm đầu não của chế độ phong kiến nhà Nguyễn, ngày 22/8, quần chúng nhân dân đã vùng lên biểu tình, chiếm lĩnh hầu hết các cơ quan, công sở và doanh trại lính bảo an. Trong tối 22/8, Ủy ban Khởi nghĩa của tỉnh đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị.

Chiều 23/8/1945, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế và các đội cứu quốc quân tiến về Sân vận động Huế, dưới rừng cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”. Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như “triều dâng, thác đổ” không gì ngăn cản nổi, đã biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đinh nhà Nguyễn ở Sân vận động Huế thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của cách mạng. Tại đây, đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân, đồng thời trân trọng giới thiệu ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch.

Ông Nguyễn Trung Chính, 92 tuổi, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế giai đoạn 1989-1991, là một trong số ít những lão thành cách mạng còn lại của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã từng tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 giành chính quyền cách đây 75 năm. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, khi mắt đã mờ, mái tóc đã bạc trắng nhưng ông Nguyễn Trung Chính vẫn còn nhớ rõ được những ký ức hào hùng, sục sôi của những ngày cách mạng mùa thu Tháng 8 năm xưa, khi đó ông 16 tuổi. Và cũng chính từ đây, ông Nguyễn Trung Chính đã gắn bó, đi theo con đường sự nghiệp cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc đã lựa chọn.

Ông Nguyễn Trung Chính nhớ lại, khí thế cách mạng của nhân dân khí đó như “chẻ tre”, sức mạnh khi đó thuộc về Việt Minh nên một số thành phần phản động của Quốc dân Đảng, bọn tay sai thân Nhật hầu như bị cô lập, làm cho quá trình giành chính quyền không bị cản trở nhiều. Chẳng hạn như tại huyện Quảng Điền, trước khi tiến hành khởi nghĩa, lực lượng cách mạng đã kiểm soát được chính quyền ở các làng, các tổng trong huyện mặc dù chưa công bố công khai. Ngay cả Chi huyện Quảng Điền khi đó tên là Đoàn Thức, sau khi nhận được thư của Việt Minh cũng đã hứa sẽ ủng hộ cách mạng, do vậy khi nhân dân đứng lên khởi nghĩa đã nhanh chóng giành thắng lợi tốt đẹp, không phải đổ máu.

Khí thế Cách mạng Tháng 8 giành chính quyền về tay nhân dân ở mảnh đất Kinh đô xưa đã được đồng chí Tố Hữu, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 ở Thừa Thiên-Huế thể hiện cô đọng, xúc cảm và đầy tự hào qua những vần thơ:

 “Tháng 8 vùng lên Huế của ta

Quảng, Phong ơi! Hương Thủy, Hương Trà

Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế

Đỏ ngập dòng sông rộn tiếng ca”.

 Thắng lợi trọn vẹn

Ngọ Môn biểu tượng của Kinh đô Huế xưa vẫn sừng sững, uy nghiêm, mặc cho bụi thời gian có làm hoen mờ dấu tích vàng son một thời. Nơi đây đã từng chứng kiến biết bao biến động của thời cuộc, trong đó có sự kiện lễ thoái vị của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đã tồn tại hàng ngàn năm ở Việt Nam, vào chiều 30/8/1945, mở ra một trang sử mới của dân tộc.

Sau cuộc mít tinh ngày 23/8 tại Sân vận động Huế, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế điện ra Hà Nội báo cáo với Trung ương về thắng lợi khởi nghĩa và đề nghị cử phái đoàn vào tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại. Sau đó, phái đoàn Trung ương do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận được cử vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.

Chiều 30/8, ở Quảng trường Ngọ Môn, trong một rừng cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ rực rỡ, hàng ngàn người dân Thừa Thiên-Huế đã chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc. Đúng 13 giờ, vua Bảo Đại đầu chít khăn vàng, mặc áo vàng cùng một số Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện hoàng gia đứng phía trái lầu Ngọ Môn. Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng bên phải. Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị và trao lại cho đại diện Chính phủ ấn bằng vàng và một thành gươm bằng vàng nạm ngọc, tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Lúc này, trên kỳ đài Huế, cùng với giai điệu hùng tráng của bài hát “Tiến quân ca” cất lên, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay giữa trời Huế tự do, độc lập. Tiếp đó là tiếng hô khẩu hiệu vang trời của biển người “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng tháng 8 mùa thu lịch sử trên đất Cố đô.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử về Huế Nguyễn Đắc Xuân, lúc đầu vua Bảo Đại không biết ông Hồ Chí Minh là ai, nhưng khi biết được Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, vua Bảo Đại đã đồng ý thoái vị ngay. Khi phái đoàn Trung ương do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn vào Huế, vua Bảo Đại đã ra đứng ngoài cửa điện Kiến Trung để chờ phái đoàn đến làm việc về thủ tục thoái vị và đặc biệt, trong chiếu thoái vị, vua Bảo Đại đã có câu nói nổi tiếng “Thà làm dân của nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Tất cả những chi tiết đó cho thấy uy tín và sức ảnh hưởng lớn của lực lượng cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, dẫn tới sự chuyển giao quyền lực êm đẹp ở chính quyền Trung ương lúc bấy giờ, từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ. Sau đó, Bảo Đại được Bác Hồ mời ra làm cố vấn tối cao cho Chính phủ mới, điều hiếm thấy trên thế giới.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Nguyễn Trung Chính cho rằng, nhìn lại cuộc Cách mạng tháng 8 diễn ra ở Thừa Thiên-Huế cho thấy, muốn cách mạng thành công phải có bạo lực cách mạng nhưng trên cơ sở đoàn kết toàn dân, phát huy yếu tố chính trị, yếu tố chính nghĩa và lòng yêu nước để làm cơ sở giác ngộ mọi tầng lớp nhân dân, kể cả đối phương, qua đó giúp hạn chế thấp nhất sự đổ máu để giành thắng lợi một cách trọn vẹn nhất.

Theo baotintuc.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày