Một cuộc khảo sát về nhận thức và hành vi người tiêu dùng đối với việc phân loại và tái chế rác thải trên cả nước, do Liên minh tái chế bao bì Việt Nam phối hợp cùng công ty nghiên cứu thị trường và thu thập dữ liệu trực tuyến thực hiện đã đưa ra những con số cảnh báo về ý thức của “thế hệ gen Z” với môi trường.
Ở nhóm tuổi “thế hệ gen Z”, các nhà nghiên cứu đặt tên là “thế hệ vô tư”. Cụ thể, tỷ lệ tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường của gen Z tại Việt Nam, đặc biệt là việc phân loại rác, ý thức về những vấn đề môi trường và tác hại ở nhóm tuổi này vẫn còn thấp. Có đến 40% người trong độ tuổi này thừa nhận chưa quan tâm tới vấn đề môi trường tại địa phương. Yếu tố thời gian hạn chế và tốn chi phí được cho là rào cản lớn nhất đối với nhóm này.
Khi bước chân vào những hàng quán dành cho giới trẻ, mới biết được “thế hệ vô tư” khá thờ ơ trước các vấn nạn môi trường. Họ vẫn sử dụng ly nhựa dùng 1 lần ở các thương hiệu trà sữa, hay các quán cà phê… Đối với thực phẩm mang đi, hộp xốp, ly bát dùng 1 lần là phương án tối ưu của người bán. Tại những quầy thực phẩm dọc phố, túi ni-lông vẫn là lựa chọn tối ưu.
Từ năm 2009, ngày 3/7 hàng năm được chọn là Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni-lông với mục đích thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường trên toàn thế giới… Năm 2024 là năm thứ hai Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni-lông (Bag Free World Initiative).
Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông. Trong khi đó, con số từ Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông ở Việt Nam khoảng 8% - 12% chất thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11% - 12% được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. Tại các đô thị, lượng túi ni-lông được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày; trong số này chỉ khoảng 17% số túi ni-lông được thường xuyên tái sử dụng.
Tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh có công văn về tăng cường quản lý, phân loại rác thải tại nguồn, thu hồi, tái chế, tái sử dụng rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu, khuyến nghị cơ quan, đơn vị, công sở thực hiện phân loại rác thải; không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần. Các siêu thị, khách sạn, nhà hàng không cung cấp miễn phí túi ni-lông, đồ nhựa dùng một lần cho khách hàng. Nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa vì môi trường Huế xanh, sạch, đẹp tạo ấn tượng, lan tỏa trong ngoài địa phương. Tuy vậy, vẫn còn người chưa ý thức cao về lối “sống xanh”, còn sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Với giới trẻ, hiện nay được xem là nhóm người có ảnh hưởng lan tỏa tới cộng đồng về hạn chế việc sử dụng đồ nhựa một lần để giảm nhựa. Làm thế nào để tiếp tục tuyên truyền, tạo cảm hứng, nâng cao ý thức trách nhiệm về môi trường cho “thế hệ gen Z” là vấn đề đặt lên hàng đầu hiện nay.
Theo boathuathienhue.vn