Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 3 Ủy ban đã hoàn thành khối lượng rất lớn các nhiệm vụ, áp lực cao về tiến độ và chất lượng với nhiều nội dung khó, phức tạp, nhiều việc đột xuất, phát sinh trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ xây dựng pháp luật đến giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trong đó, các Ủy ban đã phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, tác động sâu sắc, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương hằng năm, phân bổ ngân sách từ nguồn tăng thu; Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia; giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…
Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 89/109 nội dung, nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội (đạt 81,7%). Trong đó, Ủy ban Kinh tế hoàn thành 19/19 nhiệm vụ; Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn thành 11/11 nhiệm vụ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thành 10/11 nhiệm vụ.
Trong 156 nhiệm vụ lập pháp, các cơ quan đã hoàn thành 131 nhiệm vụ (đạt 83,97%). Trong đó, lĩnh vực Ủy ban Kinh tế hoàn thành 18/22 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Tài chính, Ngân sách hoàn thành 12/18 nhiệm vụ; lĩnh vực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn thành 20/20 nhiệm vụ.
Thay mặt Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao của cán bộ, công chức, viên chức 3 Ủy ban.
Cơ bản nhất trí với những khó khăn, hạn chế nêu tại các báo cáo của 3 Ủy ban, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban tiếp phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chủ động triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, các công việc đột xuất, phát sinh.
Trong đó, các cơ quan tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; quán triệt thực hiện Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Trước mắt, khẩn trương giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách để trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và việc thẩm tra đối với các dự án lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ cấp bách vì chỉ còn 3 tháng nữa diễn ra Kỳ họp thứ 8; do đó, phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tích cực.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quá trình thẩm tra cần phải thể hiện được chính kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể, khách quan, không né tránh của các Ủy ban về chính sách, nhất là các nội dung nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách trong công tác xây dựng pháp luật. Đặc biệt là trong thời gian tới đây, tiếp tục triển khai sửa đổi nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, như các dự án luật về thuế, điện lực, quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, phát triển đô thị…
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Ủy ban tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp thực tiễn; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt ngày 6/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu, đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển, hoạt động đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo không khí phấn khởi đối với nhân dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chỉ đạo các Ủy ban chủ động xem xét, rà soát các lĩnh vực phụ trách xem có vấn đề gì bất cập, khó khăn để khi Chính phủ trình sang Quốc hội có đủ cơ sở xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sớm xây dựng, hoàn thiện các văn bản để triển khai hoạt động của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025 về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành". Trong năm 2025, Quốc hội chỉ tiến hành 1 chuyên đề giám sát này, mặc dù đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội mới xem xét nội dung này nhưng phải triển khai sớm vì phạm vi chuyên đề khá rộng, được cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Ủy ban Kinh tế khẩn trương tham mưu hoàn thiện dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 đến hết năm 2023" cùng các tài liệu khác liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 36 (tháng 8/2024).
Chủ tịch Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục phối hợp với Chính phủ, các cơ quan liên quan nghiên cứu tham mưu đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước bảo đảm thực chất, đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các nghị quyết bằng các đạo luật về tài chính, ngân sách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đôn đốc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, lộ trình xây dựng Báo cáo tài chính nhà nước từ niên độ 2025, bảo đảm hoàn chỉnh, đầy đủ, toàn diện thông tin, số liệu theo quy định của Luật Kế toán.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban sớm chuẩn bị kế hoạch cho nội dung về đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch 5 năm và kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư một số chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ.
Việc đánh giá cần sát thực tiễn quá trình triển khai thực hiện để có cơ sở chuẩn bị cho việc xây dựng các kế hoạch 5 năm cho giai đoạn sau. Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, Ngân sách có trách nhiệm chuẩn bị để Quốc hội khóa XVI xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ nhất các nghị quyết về kế hoạch 5 năm: phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030; tài chính quốc gia giai đoạn 2026 - 2030…
Theo baotintuc.vn