Vừa đi làm về đến nhà, đang loay hoay mở cổng thì có một thanh niên tiến lại gần trên tay xách chừng 10 ly nước và nói: “Bọn em là sinh viên, đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, anh mua ủng hộ em mấy ly trà tắc với ạ”. Nghĩ sinh viên hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ các em ly nước chẳng đáng là bao, tôi lấy liền 3 ly. Khi thanh toán thì cậu sinh viên kia bảo 3 ly hết 66 nghìn đồng. Khá bất ngờ khiến tôi phải thốt lên, sao mà đắt vậy em? Bình thường anh mua ở quán có 10 nghìn đồng 1 ly à! Cậu sinh viên nhanh chóng cắt lời: “Đây là hàng bọn em tự tay pha chế, đảm bảo ngon và chất lượng nên bán có phần cao hơn chỗ khác chút xíu ạ”. Cũng đã lỡ rồi nên thôi đành mua cho cậu ấy vậy. Nhưng điều bất ngờ hơn là khi sử dụng, thật tình, nó nhạt hơn nước ốc, thua mình tự tay pha chế.
Không riêng gì tôi gặp phải chuyện đó, mà người bạn làm cùng cơ quan cũng kể: Hôm trước chở con đi chơi ở bên Đại Nội, thấy mấy bạn đem cà phê đến mời với kiểu câu chuyện: “Bọn em là sinh viên khoa pha chế, vừa thực hành pha chế đồ uống rất ngon, rất đảm bảo, mấy chị mua giúp em”. Nghe lời quảng cáo vậy, mình mua một ly cà phê muối với giá 25 nghìn đồng. Và kết quả là vừa bực mình với số tiền ly cà phê đắt hơn bình thường rồi mà chất lượng phải nói là dở tệ. “Thấy sinh viên đi làm thêm thì rất đồng cảm, nhưng bán buôn kiểu như vậy chẳng khác gì “lừa đảo”. Không có đồng tiền nào là dễ kiếm. Với kiểu bán hàng như vậy thì chỉ có một lần duy nhất, uống một lần khiếp tới già”, người bạn nói thêm.
Điểm chung của những trường hợp trên là trên ly nước, hay cà phê cùng ghi một địa điểm ở đường Hồ Đắc Di. Và chính địa điểm này thời gian qua, nhiều người dân, cũng như các bạn sinh viên ở Huế đưa ra hàng loạt chia sẻ, khuyến cáo về các sản phẩm “đồ uống”.
Hình thức là tuyển cộng tác viên bán hàng, lấy hàng đi bán phải “quỵ” lại số tiền tương ứng với sản phẩm. Còn bán thế nào, lời lỗ ra sao thì người lấy hàng phải chịu. Chính việc phải bán cho đủ số lượng nên nhiều sinh viên phải đi từng ngóc ngách, mời chào, năn nỉ, đánh vào lòng thương cảm của người dùng.
Em N.T.T, sinh viên năm 2 Trường đại học Luật, Đại học Huế chia sẻ: Do điệu kiện kinh tế gia đình không mấy khá giả nên em kiếm việc làm thêm ngoài giờ học. Thấy ở đường Hồ Đắc Di có đăng thông tin tuyển cộng tác viên bán hàng, phù hợp cho các bạn sinh viên muốn làm thêm nên em đã tìm tới cửa hàng này. Họ yêu cầu, lấy sản phẩm làm ra ở đây đi bán thì một ly cà phê muối, trà tắc, trà đào… giá 5 nghìn đồng/1 ly, nhưng phải lấy từ 50 ly trở lên mới có giá đó.
Nghĩ, với số tiền 5 nghìn một ly, chịu khó mang đi bán 15-20 nghìn thì cũng có lời nên em đã mua 100 ly với giá 500 nghìn đồng. Khi đã lỡ mua sản phẩm, em mới vỡ lẽ là thực tế không dễ ăn như mình nghĩ. Chia sẻ câu chuyện qua đây mong các bạn biết để thận trọng, tỉnh táo hơn khi đi kiếm việc làm thêm.
Thực tế, một số sinh viên đi làm thêm hiện nay không quan tâm đến tính chất công việc như thế nào, cứ nghĩ có lợi nhuận không vi phạm pháp luật là làm. Điều này có thể dẫn đến nhiều phiền toái, rắc rối sau này. Vì vậy, khi tìm việc làm thêm các sinh viên cần tỉnh táo, tìm hiểu thật kỹ tính chất công việc; xem xét công việc làm thêm đó liệu có phù hợp với mình không trước khi đưa ra quyết định đi làm, để tránh gặp phải những hậu quả không đáng có.
Theo baothuathienhue.vn