Không “học tủ”
Với 29,25 điểm, Nguyễn Cửu Nhật Hoàng trở thành thủ khoa khối C của tỉnh; trong đó môn văn đạt 9,75 điểm, lịch sử: 9,5, địa lý: 10. Chia sẻ cảm xúc khi trở thành thủ khoa khối C của tỉnh, Nhật Hoàng cho hay, em rất bất ngờ và không thể tin được là mình đạt vị thứ thủ khoa. Lúc biết tin, em như vỡ òa xúc động trước thành quả của sự cố gắng, nỗ lực nhiều ngày đêm. Em cũng rất tự hào vì trong những hoàn cảnh khó khăn, em đã không bỏ cuộc.
Suốt 12 năm học đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, Nhật Hoàng là tấm gương của sự cần cù, chăm chỉ. Tuy vậy, em cũng chịu nhiều áp lực của bản thân khi thất bại ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. Với em, đây cũng là động lực để quyết tâm hơn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thời gian ôn thi tốt nghiệp, Hoàng học ngày, học đêm. Ngoài thời gian học ở trường và học thêm, mỗi ngày em học ở nhà khoảng 6 tiếng. Trước khi diễn ra kỳ thi, em tập trung hệ thống lại kiến thức và dành thời gian nghỉ ngơi để tinh thần được thoải mái, có thể suy nghĩ được những giải pháp thích hợp. Phương pháp học tập hiệu quả cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân đã mang đến cho em thành công tại kỳ thi.
Đăng ký xét tuyển đại học khối C, Nhật Hoàng chia sẻ, em thích học cả 3 môn văn, sử, địa. “Môn văn giúp em luyện kỹ năng nói, đọc, viết và cả đạo lý sống, cách làm người. Môn sử giúp em hiểu hơn về cội nguồn của dân tộc, từ đó, biết ơn sự hy sinh của các thế hệ ông cha đi trước để cố gắng phấn đấu gìn giữ, phát huy. Địa lý là môn học thú vị, giúp em tìm hiểu nhiều kiến thức tự nhiên, xã hội”, Nhật Hoàng nói.
Theo bí quyết của thủ khoa khối C, để học giỏi các môn văn, sử, địa không khó. Điều quan trọng là học hiểu chứ không học vẹt, sắp xếp thời gian hợp lý giữa các môn. Với các môn sử, địa, cần học chắc kiến thức trong sách giáo khoa, tham khảo thêm sách bên ngoài và tài liệu.
Với môn văn, thời gian đầu, Hoàng bị mất phương hướng. Từ lúc xác định được khối thi, em đã đầu tư cho môn học này nhiều hơn. Sau khi học xong những tác phẩm trên lớp, về nhà, em hệ thống những luận điểm có trong bài. Với phần đọc hiểu, Nhật Hoàng tìm đọc các tài liệu, tập trung nghe giảng và ghi chép đầy đủ, gạch những ý chính ngắn gọn và không viết lan man. Ở phần nghị luận xã hội, em có một quyển sổ tay nhỏ, trong đó ghi chép lại những câu nói hay, câu châm ngôn sống và những câu chuyện về tấm gương sáng. Đây là cách để em làm phong phú văn phong của mình trong quá trình làm bài. Với phần nghị luận văn học, Hoàng xác định, điều quan trọng nhất là không nên “học tủ” mà phải học hết các bài giáo viên giảng dạy. Trong kỳ thi tốt nghiệp, Hoàng đã viết 10 trang giấy và đạt 9,75 điểm, điểm cao nhất của môn thi này tại Thừa Thiên Huế.
Ước mơ lớn
Nhật Hoàng truyền đạt kinh nghiệm: “Em luôn ôn lại kiến thức cũ trước khi bắt đầu một bài học mới; làm các dạng bài tập từ cơ bản đến nâng cao, từ dễ đến khó; ghi nhớ và xâu chuỗi kiến thức. Một vật dụng không thể thiếu của em đó là giấy nhớ để viết ra những kiến thức quan trọng. Ngoài ra, việc học nhóm với bạn bè để cùng trao đổi sẽ giúp chúng ta biết thêm được nhiều điều mới lạ”.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, giáo viên chủ nhiệm đồng thời là giáo viên dạy môn địa lý của Nhật Hoàng, Hoàng là học sinh toàn diện về tất cả các mặt học tập cũng như các phong trào, hoạt động thể dục thể thao, năng nổ nhiệt tình trong các hoạt động của lớp và trường, biết quan tâm thầy cô và bạn bè. “Em không chỉ học chăm chỉ 3 môn thuộc khối C mà còn học tốt các môn còn lại. Qua quá trình quan sát, tôi thấy được sự nỗ lực và năng lực của cậu học trò này và việc em đạt điểm cao là điều chắc chắn. Đây là thành quả tốt cho cả quá trình miệt mài, chăm chỉ”, cô Hoài khẳng định.
Khi bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Nhật Hoàng cũng như tất cả các thí sinh khác, khá lo lắng vì đây là khóa cuối cùng thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông cũ, nếu thất bại sẽ khó có cơ hội để làm lại. Nhưng, em hiểu cần giữ cho mình một tâm lý vững vàng, tinh thần thoải mái và lạc quan vì đây là yếu tố cực kỳ quan trọng.
Nhắn gửi đến thí sinh khóa sau, Nhật Hoàng tâm sự: “Năm học tới là năm đầu tiên thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các bạn khóa sau cũng rất áp lực. Tuy nhiên, các bạn hãy tự tin vào chính mình, có ước mơ, dám nghĩ và dám thực hiện. Nếu kỳ tích không chiếu cố, bạn hãy biến bản thân trở thành kỳ tích”.
Từ nhỏ đã ước mơ trở thành người lính bộ đội Cụ Hồ, Nhật Hoàng quyết định đăng ký vào Trường Sĩ quan chính trị. Hoàng bộc bạch: “Ước mơ của em là được trở thành một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nếu đạt được, em sẽ cố gắng, nỗ lực hơn nữa để thực hiện lý tưởng bảo vệ Tổ quốc như các thế hệ cha anh”.
Theo baothuathienhue.vn