Thuận tiện
Buổi ăn tối cùng gia đình có phần thú vị khi chúng tôi có một trải nghiệm khá vui về hoạt động thanh toán. Khi đang ngồi chuyện trò cùng nhau, chúng tôi được một bà cụ đã ngoài 60 tuổi đến mời mua vé số. Vì trong túi chỉ còn mỗi tờ 500 ngàn đồng, bà lại không có tiền để thối lại, trong lúc đang bối rối định nhờ chủ quán đổi giúp tiền lẻ, bà lấy từ trong túi ra mã QR, bà nói “Con chuyển khoản cho bà qua đây cũng được”.
Sau khi hoàn tất thanh toán, bà lấy điện thoại ra xem rồi nói “Bà nhận rồi” động tác cực kỳ thành thục. Bà bảo: “Bữa nay, nhiều người không mang theo tiền bên người, họ hỏi thanh toán trực tuyến nhiều lắm. Bà không biết gì nhiều về thanh toán này nên nhờ đứa cháu hướng dẫn, rồi chở ra ngân hàng đăng ký tài khoản. Thanh toán kiểu này cũng hay lắm, không cần phải trả tiền thừa, cũng không mang theo nhiều tiền bên người nên không lo mình đi bán bị người ta lừa hay thất thoát tiền bán hàng.
Không chỉ dùng mã QR thanh toán tiền bán vé số, hình thức này cũng hiện diện từ đầu đường đến cuối ngõ, từ thành thị đến nông thôn. Người tiêu dùng thanh toán số cả trong những giao dịch mua bó rau, uống ly nước ven đường. Các thanh toán cũng không giới hạn ở các giao dịch lớn mà tập trung nhiều hơn cho các giao dịch nhỏ lẻ từ vài ngàn đồng đến vài triệu đồng. Và cụ bà trong câu chuyện trên dù tuổi đã lớn, khả năng tiếp cận công nghệ không cao nhưng cũng bắt đầu bắt nhịp với hoạt động thanh toán trực tuyến. Điều này càng khẳng định, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến không còn phân biệt về đối tượng, tuổi tác, cũng như giới hạn về số tiền cần chuyển khoản.
Và các câu hỏi “quán mình có QR không?”, “chuyển khoản nhé” ngày càng trở nên thông dụng. Khi chỉ với vài thao tác trên điện thoại thông minh, một số khoản chi tiêu thường ngày đều có thể dễ dàng thanh toán. Không chỉ nhanh chóng và tiện lợi, giao dịch online còn giúp người dùng tránh nhiều phiền toái như quên ví, nhầm lẫn tiền, tiêu tiền không kiểm soát... Ngoài ra, việc tích hợp các chức năng thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, bảo hiểm, điện thoại, tự động thanh toán định kỳ cũng tạo thuận tiện rất lớn cho khách hàng.
Không chỉ có vậy, một số ngân hàng, ví điện tử còn triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, liên kết với các dịch vụ, cửa hàng triển khai các chương trình giảm giá, tặng tiền cho các giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm khuyến khích người dùng chi trả qua tài khoản ngân hàng.
Bứt tốc
Theo ông Châu Khắc Thái, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay. Việc triển khai hoạt động ngân hàng qua phương tiện điện tử luôn được các ngân hàng thương mại đầu tư, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vào các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân và doanh nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số quốc gia ngành ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng tích cực phối hợp triển khai cung cấp các dịch vụ công ngành ngân hàng trực tuyến và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4. Thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính đạt được kết quả khả quan; công tác thu ngân sách nhà nước, dịch vụ giáo dục, y tế, điện, nước, chi trả lương hưu, bảo hiểm y tế, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt được chú trọng, tăng cường và đạt kết quả tích cực.
Đến nay, việc ứng dụng các phương thức điện tử vào thanh toán đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt với số lượng người dùng và giá trị thanh toán ngày càng tăng. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, qua các năm, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt liên tục có những chuyển biến tích cực. Trong 5 năm 2019-2023, tổng giá trị giao dịch qua kênh điện tử tăng gấp 7,7 lần về số món và hơn 8 lần về giá trị giao dịch. Trong đó, giao dịch thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng trưởng vượt bậc, gấp 10 lần về số món từ gần 4 triệu món lên 40 triệu món, gấp 13 lần về giá trị từ hơn 15 ngàn tỷ đồng lên gần 200 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua internet và mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 43,3% và 94%.
Theo ông Châu Khắc Thái cùng với các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng trên các nền tảng công nghệ số hiện đại, tiện ích, hướng đến tối ưu trải nghiệm cho khách hàng. Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an toàn, an ninh khi cung ứng dịch vụ ngân hàng trên môi trường số, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao ý thức và hiểu biết tài chính số cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích lừa đảo, gian lận. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc triển khai chi trả qua tài khoản (tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile-Money...) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan công an việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Trong đó, đẩy mạnh việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, thẻ căn cước công dân gắn chíp để phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng nhằm ứng dụng vào các dịch vụ ngân hàng điện tử như: hoạt động thanh toán, hoạt động cho vay, cấp tín dụng… cho khách hàng qua phương thức điện tử.
Theo baothuathienhue.vn