"Cực mấy cũng được, miễn ấm no"
Xứ đồng Thanh Phước, xã Hương Phong (TP. Huế) những đêm này xóm làng rộn ràng khác thường, ấy là bởi đang vào mùa thu hoạch lúa. Tiếng máy cắt và ánh đèn chiếu từ cánh đồng khiến không gian ven hạ nguồn sông Hương sáng bừng lên. Thu hoạch lúa đêm đã trở thành một nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây. Đặc thù khung thời vụ và giống lúa Rio 2 khiến người dân thu hoạch nhanh gọn vụ Đông Xuân, giảm áp lực cho vụ Hè Thu.
Ăn uống sớm, xách theo nước nôi cùng “đội phụ giúp” trong gia đình, ông Châu Quyền xách xe máy phóng ra đồng chờ máy gặt đập tập trung thu hoạch lúa. Tối này, ông áng chừ phải cắt 3 trong tổng số 12 sào lúa nhà trồng để phơi cho kịp nắng. “Làm buổi đêm gió mát và tiện, lại ít trùng lịch cắt nhà người khác. Năm ni lúa chắc hạt, năng suất tầm 3,5 tạ/sào. Thấy giá bán ra cao nên bà con ai cũng mừng khấp khởi”, ông Quyền chia sẻ.
Tất bật, vất vả không kém là tổ máy gặt, người soi đèn rẽ lúa cho máy cắt thấy đường chạy, người làm nhiệm vụ vận hành, người lo bảo dưỡng. Tổ trưởng tổ máy cắt Phan Hữu Nghiệp vừa làm vừa xem điện thoại liên lạc, điều động máy cắt và lên lịch cho các chủ đồng khác. Hai chiếc máy cắt của HTX với kíp 6 người hoạt động liên tục. Trên tay mỗi người đều xách vài chai nước mát bởi việc bổ sung lượng nước thời điểm này rất quan trọng và giúp họ tỉnh táo làm việc. “Tranh thủ thời tiết thuận lợi, anh em làm tăng kíp tăng ca nhằm kịp tiến độ thu hoạch lúa cho bà con. Có khi 22-24h đêm chúng tôi mới kết thúc việc. Mỗi ngày năng suất đội gặt khoảng 10 mẫu nhưng năm nay địa hình lúa chín không đều, vì vậy công di chuyển mất nhiều hơn thường lệ”, anh Nghiệp nói.
HXT Thanh Phước năm nay gieo trồng 84,4 ha lúa, hiện đã tiến hành cắt lúa hơn một nửa diện tích. Những ngày tiếp theo bà con sẽ thu hoạch diện tích lúa JO2 và những trà lúa chín muộn nhằm đảm bảo năng suất và tránh tình trạng thời tiết diễn biến cực đoan bất ngờ.
Trong khi đó, trên cánh đồng HTX Đông Phú, Quảng An, Quảng Điền tối 1/5, hàng dãy dài bao lúa sau gặt của hàng chục hộ dân được tấp vào ven đường. Bà Nguyễn Thị Chớ, 64 tuổi cùng con rể ra gom lúa chở về. Năm nay bà trồng 2,4 sào giống 4B, năng suất 3,5 tạ/sào (năng suất cao hơn năm ngoái 50kg/sào). Với giá mỗi kg lúa 4B tầm 9.500 đồng, tính ra mỗi sào bà lời tầm 1 triệu đồng. “Tiền công cắt mỗi sào 105 ngàn đồng, trừ phân tro, giá lúa cao người nông dân có lãi là mừng hung rồi. Tui làm từ chiều tới tối chưa ăn hột cơm mô. Bụng vui mà quên cả đói. Cực mấy cũng được miễn ấm no”, bà cười hân hoan.
Canh lúa, chờ nắng
20h đêm, trên tuyến đường Thủy Dương - Thuận An, gia đình ông Hoàng Ngọc, 58 tuổi ở Phú Mỹ (Phú Vang) huy động gần chục người ra ruộng phụ gom lúa, bốc lúa chở về. Hơn nửa đời người làm nông, với ông, đây là khoảng thời gian nhìn ngắm thành quả sau những ngày “một nắng hai sương”. Năm ni thời tiết khắc nghiệt song nhà nông vận dụng tất cả kinh nghiệm ruộng đồng để chăm sóc lúa. Thấu hiểu cảnh chân đất bám ruộng, các con ông cứ tới độ này đều ra đồng phụ cha. Phấn khởi vì được mùa được giá nên ai cũng hồ hởi trong lòng. Bữa ăn đêm mùa thu hoạch cũng “sang trọng” hơn vì có thịt, có bia chai.
Nhà ông Ngọc trồng 4 mẫu gồm 1 mẫu giống JO2, 1,5 mẫu Khang Dân, còn lại trồng giống Hà Phát. Chờ con bốc lúa lên xe, ông Ngọc nhẩm tính, lúa đang được giá song năng suất vùng này không bằng năm ngoái. Năm ngoái 1 sào đạt 3,5 tạ, còn năm nay khoảng 2,8-3 tạ. Bù lại giá lúa bán ra được hơn nên nông dân đều phấn khởi. Hôm qua, ông đã bán được một ít lúa Khang Dân ngay khi thu hoạch xong tầm 27-28 triệu đồng. Áng chừng lúa còn lên giá nên số lúa còn lại ông quyết mang về nhà, chưa bán vội.
Dựng chiếc xe bốc lúa sà xuống bên đường ruộng ngồi uống ly nước cùng ông Ngọc, anh Phan Thành 38 tuổi, người cùng xã cũng vui không kém vì năm nay được giá được mùa. Cha anh trước làm chủ nhiệm HTX, gia đình anh gắn bó với ruộng đồng từ nhỏ. Vợ chồng anh làm 2 mẫu ruộng từ cha để lại trồng giống JO 2, Khang Dân. Tham khảo thị trường, anh cũng chỉ mới bán ra một ít lúa Khang Dân, còn lại găm lúa đợi giá tăng mới bán. Anh cho hay, mọi người ở đây cũng tính kiểu vậy nên hầu hết mới bán thăm dò là chính.
Say sưa với chuyện đồng áng, ông Ngọc kể mình phải ngủ lại bên ruộng trông lúa Rio 2 vì mới phơi được một ngày đêm, còn phải giữ lúa để sáng mai rải ra phơi sớm. Trời nắng gắt thế này, nhờ bóng cây nhạc ngựa trên vỉa hè, ông cứ trú chân xoay quanh bóng đổ rồi di chuyển qua bên kia đường khi chiều tà, tranh thủ đảo lúa cho khô khén. Da mặt ông sạm đen vì nắng gắt những ngày này song ông bảo, nghề ni thì bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nên tránh nắng chi được. Hôm mô nhiệt độ lên cao thì trưa vô nhà nghỉ xí, còn lại đêm xuống thì “lúa một bên, người một bên”. Tình trạng chạy xe máy trộm lúa cũng khiến người dân đau đầu nên việc canh giữ mồ hôi nước mắt là điều hiển nhiên. Đó là lý do đi dọc tuyến đường này hướng về biển Thuận An không khó để gặp một số gia đình nông dân ngồi bên đường ăn tối, canh lúa.
Vụ Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 28.000 ha. Hiện, giá lúa trên thị trường được thu mua tùy chất lượng: Khang Dân 8.700-8.900 đồng/kg, Hà Phát 8.700-8.900 đồng/kg, JO2 là 9.700-10.000 đồng/kg, Nàng Hương: 9.200 – 9.500 đồng/kg... Tại một số khu vực, chủ vựa lúa đi thu mua từ sáng sớm hoặc tranh thủ chiều tối tiếp cận các khu phơi lúa tập trung ra giá cân và gom lên xe chở về. Chủ vựa lúa Ân Hùng ở Hương Phong cho hay gia đình ông xuất xe thu mua tại địa bàn và xã Quảng Thành (Quảng Điền), hiện trong nhà đã mua khoảng 20-30 tấn lúa Khang Dân. Năm nay, giá lúa cao cộng với được mùa nên cả người bán lẫn người mua đều hào hứng, vui vẻ.
Theo baothuathienhue.vn