Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.135.300
Truy cập hiện tại 6.860 khách
Mang cơ hội thay đổi đến cho phụ nữ, trẻ em vùng cao
Ngày cập nhật 01/05/2024

TTH.VN - Dự án (DA) 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Sau 3 năm triển khai tại 18 xã, 71 thôn đặc biệt khó khăn tại địa bàn các huyện: A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà. DA đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.

Hành động để thay đổi

Trên đường đi học về thấy một bạn nhỏ bị  người lớn trêu đùa, bắt nạt, em A Rét Hưởng, học sinh lớp 8, Trường THCS bán trú Long Quảng, Thượng Long, huyện Nam Đông đã không ngần ngại đứng ra bảo vệ. Chẳng những không run sợ trước việc làm sai trái, mà em còn sử dụng những kiến thức, hiểu biết của mình về quyền trẻ em để “dọa” người lớn kia. Sự can đảm và những kiến thức cần thiết đó em Hưởng được rèn luyện và tiếp thu khi tham gia Câu lạc bộ (CLB) Thủ lĩnh của sự thay đổi ở trường.

“Trước đây em nhút nhát lắm, nhưng từ khi tham gia sinh hoạt CLB em đã tự tin hơn rất nhiều. Hơn nữa, em được biết thêm nhiều kiến thức có ích. Khi có được những kiến thức, kỹ năng đó em đã chia sẻ lại cho bạn bè trong lớp, nơi em ở,  bố mẹ, người thân của em”, A Rét Hưởng bộc bạch.

Cô giáo Trương Thị Hiệp Hòa, dẫn truyền viên CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THCS bán trú Long Quảng cho biết: CLB được thành lập năm 2023 với 15 thành viên, là các em học sinh ở các khối lớp của trường. Khi tham gia sinh hoạt CLB, không những các em tự tin hơn, mạnh dạn đứng trước đám đông mà các “thủ lĩnh” còn được trang bị thêm nhiều kiến thức về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, biết thêm các kỹ năng tự bảo vệ bản thân và biết nói lên tiếng nói của mình về vấn đề bình đẳng giới.

Gia đình anh H. X. T, thôn Tân Hối, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới có 3 người con gái, vì muốn có thêm con trai nên anh có ý định “ép” vợ sinh thêm con. Mặc cho vợ hết lời can ngăn bởi kinh tế gia đình khó khăn, con cái có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng nhưng anh vẫn không đồng ý với lý do có con trai để có người nối dõi. Trước hoàn cảnh đó, tổ truyền thông trong cộng đồng thôn đã thường xuyên tới nhà, giải thích cho anh hiểu về vấn đề bình đẳng giới. Và việc quan trọng hơn cả là chí thú làm ăn để nuôi con ngoan, dạy con giỏi, cho con ăn học tới nơi, tới chốn mới “mở mày mở mặt” với xóm giềng chứ không phải cứ sinh cho có con trai mới không bị coi thường. Từ những ví dụ về những người con gái giỏi giang, thành đạt ở trong xã, trong huyện để làm dẫn chứng, thuyết phục anh T.

“Mưa dầm thấm lâu” và bằng tiếng nói của những người có uy tín nhất trong thôn, cuối cùng anh T. cũng đã từ bỏ ý định sinh thêm để kiếm con trai và hứa sẽ cố gắng làm ăn để nuôi dạy con cái thật tốt.

Mặc dù là hàng xóm láng giềng nhưng vì tranh chấp đất đai, ai cũng cho mình đúng nên gia đình anh H. N. và anh H. B. ở thôn Lê Lộc 2, xã Hồng Bắc luôn lời qua tiếng lại, xích mích, căng thẳng.

Không để sự việc đi quá xa, gây hậu quả nghiêm trọng, tổ truyền thông cộng đồng thôn đã đứng ra thuyết phục, làm trung gian để gia đình hai anh hòa giải. Cuối cùng thì mỗi người cũng chịu “nhún nhường” một tí để có phương án giải quyết thỏa đáng nhất cho cả hai gia đình, tình cảm xóm làng được kết nối trở lại.

Bà Hoàng Thị Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hồng Bắc cho biết: Hiện, trên địa bàn xã có 4 tổ truyền thông cộng đồng. Chính nhờ những tổ truyền thông cộng đồng mà những sự việc như mâu thuẩn ở xóm làng, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị ngược đãi... được phát hiện và giải quyết kịp thời. Chính những thành viên tổ cũng là những tuyên truyền viên nhiệt huyết để mang kiến thức về pháp luật, vấn đề bình đẳng giới, quyền của phụ nữ và trẻ em đến với mọi người dân trong thôn xã.

Chung tay

Sau 3 năm triển khai các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của DA giai đoạn 1 đã đạt được những kết quả tích cực với 4 nội dung trọng tâm liên quan đến các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ", "cách làm"  góp phần xóa bỏ các định kiến giới và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Việc xây dựng thành lập các mô hình can thiệp tại cộng đồng và các hoạt động truyền thông tại cộng đồng đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ của các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành địa phương và sự đón nhận, tham gia của người dân.

Trong đó, đã thành lập 71/71 tổ truyền thông cộng đồng với 600 thành viên; 4/8 địa chỉ tin cậy; 8/14 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi với 130 thành viên là các em học sinh là các thầy, cô giáo là dẫn trình viên... tổ chức các buổi tập huấn, chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ; truyền thông nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế.

Các mô hình hoạt động đã đi vào vận hành hoạt động, góp phần nâng cao nhận thức, nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, hội viên, người dân vùng đồng bào DTTS trong phòng, chống bạo lực gia đình, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, trong công tác bình đẳng giới và tham gia giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

 Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản... Triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, phối hợp xây dựng mô hình nhằm "Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát, phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị". 

 Các hoạt động về "Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lông ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng" sẽ được triển khai … Việc thành lập các mô hình được cấp tỉnh triển khai điểm, nhân rộng; các hoạt động hàng năm được xây dựng, bám sát định hướng và yêu cầu của DA từ Trung ương đến cơ sở vừa mang tính toàn diện vừa linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện các đơn vị triển khai DA đã nhận được sự ủng hộ, quan tâm phối hợp liên ngành và ghi nhận của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân cộng đồng…

Theo baothuathienhue.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày