Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.142.921
Truy cập hiện tại 1.754 khách
Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2023
Ngày cập nhật 21/08/2023

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2023.

I. DANH MỤC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 06 năm 2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới;
2. Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt;
3. Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;
4. Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 6 năm 2023.
Quy định chuyển tiếp:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới đã cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng và được áp dụng các điều kiện quy định tại Nghị định này; Giấy chứng nhận đăng kiểm viên đã cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận;
- Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các cá nhân đang thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên được áp dụng thời gian thực tập quy định tại điểm b khoản 13 Điều 1 Nghị định này;
- Cục Đăng kiểm Việt Nam không thực hiện cấp chứng chỉ tập huấn nhân viên nghiệp vụ kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực;
- Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã nộp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP;
- Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, nếu Sở Giao thông vận tải chưa thực hiện được các nhiệm vụ quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 1 của Nghị định này thì có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục thực hiện. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, Sở Giao thông vận tải thực hiện việc cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo quy định tại khoản 8, khoản 9 Điều 1 của Nghị định này;
- Các đơn vị đăng kiểm tiếp tục áp dụng theo biểu giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới hiện hành cho đến khi ban hành biểu giá mới;
- Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu tại Nghị định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
Nghị định số 139/2018/NĐ-CP do Chính phủ ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật tối ưu của phương tiện trong quá trình vận tải, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau 05 năm áp dụng, một số quy định cần phải rà soát, cập nhật sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn:
Trên toàn quốc, hệ thống đăng kiểm xe cơ giới hiện có 281 đơn vị gồm: 20 đơn vị đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, 69 đơn vị thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) và 192 đơn vị xã hội hóa do tư nhân làm chủ đầu tư nằm ở các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Do vậy, cần thiết điều chỉnh phân cấp, tách bạch công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định xe cơ giới tại các địa phương do UBND các tỉnh, thành phố (Sở GTVT) quản lý nhằm tăng cường hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát; Bộ GTVT (Cục Đăng kiểm Việt Nam) quản lý chung hoạt động kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc.
Mặt khác, từ đầu năm đến nay, tại một số tỉnh, thành phố đặc biệt là tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xảy ra tình trạng ùn tắc phương tiện tại các trung tâm đăng kiểm. Do vậy, cần rà soát điều chỉnh một số quy định để huy động được các nguồn lực sẵn có tham gia hoạt động đăng kiểm, từng bước giảm ùn tắc trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới. Bên cạnh đó, một số nội dung khác của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP cũng cần rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP là cần thiết để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đăng kiểm xe cơ giới, đáp ứng khả năng cung cấp dịch vụ công phục vụ Nhân dân.
- Mục đích ban hành:
+ Siết chặt một số quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng công tác kiểm định; thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để trong công tác quản lý theo chủ trương của Đảng, Nhà nước đi kèm với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động kiểm định.
+ Mở rộng, huy động tối đa các nguồn lực sẵn có cho công tác kiểm định xe cơ giới; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị đăng kiểm áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất lao động tính chủ động, tự chủ của đơn vị.
+ Minh bạch hoạt động kiểm định, nhanh chóng khôi phục hoạt động của các đơn vị đăng kiểm, giảm ùn tắc, phục vụ nhu cầu của người dân doanh nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định bao gồm 03 Điều, cụ thể như sau: (1) Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ- CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; (2) Điều 2: Bãi bỏ một số khoản, điều; thay thế cụm từ; thay thế, bổ sung một số Phụ lục của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP; (3) Điều 3. Điều khoản thi hành
Nội dung cơ bản của Nghị định:
- Quy định chặt chẽ hơn một số nội dung nhằm tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe cơ giới, bao gồm:
+ Quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phép cho các đơn vị đăng kiểm, theo đó việc xây dựng, thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch của địa phương; phù hợp với số lượng, mật độ phương tiện trên địa bàn; phù hợp kết nối hệ thống giao thông; thuận tiện cho xe cơ giới ra vào kiểm định và không gây cản trở, ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các đô thị lớn (khoản 4, khoản 5 Điều 4);
+ Phân cấp rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc cấp phép, quản lý các đơn vị đăng kiểm, đăng kiểm viên, trong đó Sở GTVT thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm trên địa bàn; Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện công tác quản lý nghiệp vụ chuyên ngành và chịu trách nhiệm thực hiện cấp Chứng chỉ đăng kiểm viên trên phạm vi cả nước (Điều 8, Điều 9, Điều 14, Điều 27…);
+Quy định rõ hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, theo đó các Sở GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra tại địa phương, Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước (Điều 27);
+ Quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về cơ cấu tổ chức, nhân lực của đơn vị đăng kiểm; làm rõ trách nhiệm của Lãnh đạo đơn vị, phụ trách bộ phận kiểm định, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ… (Điều 7, Điều 24);
+ Tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên để tăng tính răn đe (Điều 10, Điều 18…). Tăng trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm nếu để xảy ra sai phạm (khoản 7, khoản 8 Điều 27).
- Điều chỉnh một số nội dung nhằm thu hút tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động kiểm định:
+ Sửa đổi quy định để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới (sửa đổi Điều 4); các đơn vị đăng kiểm của Công an, Quân đội có thể tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định khi được sự cho phép của Bộ trường Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (bãi bỏ khoản 2 Điều 2);
+ Cho phép các lực lượng Công an, Quân đội được tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới dân sự trong trường hợp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân (khoản 3 Điều 4);
+ Điều chỉnh số lượng nhân sự tối thiểu trong mỗi dây chuyền để giảm áp lực thiếu hụt nhân sự đăng kiểm viên hiện nay đồng thời khuyến khích các đơn vị 4 đăng kiểm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác kiểm định (Điều 7);
+ Điều chỉnh giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với các trường hợp đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nhằm nhanh chóng thu hút được nguồn lực phục vụ hoạt động của các đơn vị đăng kiểm (Điều 14);
+ Bãi bỏ quy định khống chế số lượng xe kiểm định trong ngày của đơn vị đăng kiểm nhằm phát huy sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các đơn vị đăng kiểm trong cải tiến công việc, nâng cao năng suất lao động (bãi bỏ Điều 26).
Ngoài những nội dung chính trên, Nghị định còn bổ sung, sửa đổi một số nội dung khác để phù hợp hơn với thực tiễn trong nước và thông lệ quốc tế về kiểm định xe cơ giới. Nghị định cũng có điều khoản chuyển tiếp phù hợp (tới trước 01/01/2026) để việc phân cấp tới các Sở GTVT địa phương đảm bảo tính khả thi khi thưc hiện.
2. Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.
- Nghị định này thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:
+ Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;
+ Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;
+ Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành
Luật Trồng trọt được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2020. Thực thi Luật Trồng trọt, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, Nghị định 84/2019/NĐ- CP ngày 12/11/2019 về quản lý phân bón. Điều này đòi hỏi cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới trồng trọt được quy định tại Nghị định 31/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2018/NĐ-CP của Chính phủ để quy định tại dự thảo Nghị định này, đảm bảo phù hợp với các văn bản về trồng trọt mới được ban hành.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý VPHC (sau đây gọi tắt là Luật số 67/2020/QH14), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022. Luật số 67/2020/QH14 với nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể: (1) Về mức phạt tối đa: Sửa đổi, bổ sung mức phạt tối đa đối với lĩnh vực trồng trọt gồm các hoạt động trồng trọt được quy định tại Luật Trồng trọt năm 2018; (2) Về thẩm quyền xử phạt: Bổ sung, thay đổi tên gọi một số chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; (3) Về hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”: đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này;
 + Về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính: đã bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về “hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện” và “việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả” trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước,… Đây là những điểm mới cần nghiên cứu để bổ sung trong quá trình sửa đổi các Nghị định xử phạt VPHC lĩnh vực trồng trọt đảm bảo tính thống nhất.
Xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật (sau đây viết tắt là Nghị định 31/2016/NĐ-CP) và Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực phân bón (sau đây viết tắt là Nghị định 55/2018/NĐ-CP). Đây là chế tài góp phần đưa các quy định về trồng trọt vào cuộc sống; tạo chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về trồng trọt. Tuy nhiên, các Nghị định cũng bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như sau:
+ Thiếu chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm, một số hành vi mức phạt còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe dẫn đến tình trạng vi phạm xảy ra nhiều lần (lĩnh vực giống cây trồng: hành vi buôn bán giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm sản xuất bằng phương pháp nhân giống vô tính không từ cây đầu dòng hoặc không từ vườn cây đầu dòng đã được công nhận; hành vi, hình thức, mức xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng (hoa, cây cảnh, bon sai), giống cây trồng chính; lĩnh vực phân bón: hành vi sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón);
+ Một số hành vi mặc dù đã có quy định chế tài xử phạt nhưng thiếu quy định về mặt nội dung nên khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm (lĩnh vực giống cây trồng: hành vi vi phạm “không có địa điểm kinh doanh và cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với từng loài cây trồng, từng cấp giống” tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP (thiếu quy định cụ thể về cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với từng loài giống, từng cấp); kinh doanh giống cây trồng thuộc lĩnh vực nằm trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật số 03/2016/QH14 ngày 22/11/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư nhưng chưa có những quy định cụ thể nào quy định về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán giống cây trồng.);
 + Một số hành vi vi phạm có tính chất như nhau nhưng mức phạt khác nhau (hành vi sản xuất phân bón khi đã bị đình chỉ hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón đã hết hạn và bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón; hành vi buôn bán phân bón trong giai đoạn đang nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án sản xuất thử nghiệm khi chưa có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam).
+ Một số quy định về hành vi và mức phạt tại các Nghị định 31/2016/NĐ-CP và Nghị định 55/2018/NĐ-CP không còn phù hợp với các văn bản hiện hành (hành vi sản xuất phân bón chưa có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam, hành vi sử dụng hồ sơ, tài liệu giả mạo, sai sự thật để được công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...)
Từ những lý do trên, việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên là cần thiết.
- Mục đích ban hành
Việc xây dựng dự thảo Nghị định này nhằm quy định chi tiết các hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt để phù hợp với Luật Trồng trọt, Luật xử lý vi phạm hành chính và các luật có liên quan;
+ Tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về Trồng trọt;
+ Nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân và bảo đảm thi hành nghiêm túc, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính về Trồng trọt.
c) Nội dung chủ yếu:
- Nghị định bao gồm 41 điều.
- Phạm vi điều chỉnh:
+ Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt.
+ Các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.
- Đối tượng áp dụng
+ Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân), hộ gia đình, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt trên lãnh thổ Việt Nam; người có thẩm quyền lập biên bản và người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
+ Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt theo Nghị định này bao gồm: a) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; b) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; c) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; d) Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; đ) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; e) Đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
+ Hộ gia đình, hộ kinh doanh vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.
- Điều khoản chuyển tiếp
+ Đối với các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm để xử lý. Trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi đã xảy ra thì áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý.
+ Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, mà tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để xem xét, giải quyết.
3. Nghị định số 40/2023/NĐ-CP ngày 27 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.
- Quy định chuyển tiếp
+ Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi của tổ chức, cá nhân nộp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường).
+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, kiện toàn chủ thể khai thác công trình thủy lợi phù hợp với quy định của Luật Thủy lợi, hoàn thành chậm nhất 05 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Qua 03 năm triển khai thực hiện cho thấy, Nghị định số 67/2018/NĐ-CP đã thể hiện được tinh thần của Luật Thủy lợi, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng giúp cho tổ chức, cá nhân triển khai thuận lợi.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phần về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đã nêu: “Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, ổn định, cụ thể, minh bạch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các thiết chế thi hành pháp luật, bảo đảm chấp hành pháp luật nghiêm minh.”.
 Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu một trong các đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật.”.
Thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có lĩnh vực thủy lợi, để xác định những vấn đề không phù hợp với thực tiễn, gây ra vướng mắc, bất cập làm cản trở đến hoạt động phát triển kinh tế. Kết quả rà soát đã xác định những nội dung của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
c) Nội dung chủ yếu:
- Nghị định bao gồm 4 điều.
- Các quy định chính của Nghị định
+ Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trưởng)
+ Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định của Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thủy lợi
+ Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
+ Điều 4. Điều khoản thi hành
4. Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29 tháng 06 năm 2023 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 8 năm 2023.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành:
- Sự cần thiết ban hành:
 Cơ sở pháp lý
+ Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội:
Tại Điều 57 về điều chỉnh lương hưu: “Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội”.
Tại khoản 3 Điều 74 thì mức lương hưu hằng tháng của người hưởng lương hưu theo chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được điều chỉnh như đối với ngưởi hưởng lương hưu theo chế độ hưu trí của bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tại khoản 2 Điều 123 về quy định chuyển tiếp: “Người đang hưởng lương hưu trước ngày 01 tháng 01 năm 1994, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền tuất hằng tháng, trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc, người đã hết thời hạn hưởng trợ cấp hiện đang hưởng trợ cấp hằng tháng và người bị đình chỉ hưởng bảo hiểm xã hội do vi phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn thực hiện theo các quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng”.
Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động: “Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội”.
Căn cứ quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 69/2022/QH15 thì: “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2023 thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp”.
Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, theo đó Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội được giao chủ trì xây dựng trình Chính phủ Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Cơ sở thực tiễn
Lần gần nhất Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng là từ ngày 01/01/2022 theo quy định tại Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng (sau đây gọi là Nghị định số 108/2021/NĐ-CP) với mức điều chỉnh như sau:
+ Điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12 năm 2021 với các đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.
+ Điều chỉnh tăng thêm đối với người nghỉ hưu trước ngày 01/01/1995 sau khi đã thực hiện điều chỉnh tăng thêm 7,4% mà có: mức hưởng dưới 2.300.000 đồng/người/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng; mức hưởng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng thì được điều chỉnh tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng.
- Mục đích ban hành
Nghị định được xây dựng và ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị quyết số 69/2022/QH15; đồng thời, kết hợp xử lý vấn đề lương hưu đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995 theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 2 Chương, 6 Điều với những nội dung cơ bản như sau:
- Đối tượng điều chỉnh: Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/7/2023.
- Thời điểm và mức điều chỉnh:
+ Thời điểm điều chỉnh từ ngày 01/7/2023
+ Mức điều chỉnh:
Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/7/2023: (1) Tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng đã được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng; (2) Tăng thêm 20,8% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6/2023 đối với các đối tượng chưa được điều chỉnh theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/1995 sau khi điều chỉnh theo quy định nêu trên có mức hưởng dưới 3.000.000 đồng/ tháng thì được điều chỉnh thêm như sau: (1) Điều chỉnh tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 2.700.000 đồng/người/tháng; (2) Tăng lên bằng 3.000.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2.700.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.000.000 đồng/người/tháng
- Nguồn kinh phí thực hiện
Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí chi trả đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước ngày 01/01/1995.
Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo kinh phí chi trả đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ ngày 01/01/1995 trở đi.
- Quy định về tổ chức thực hiện của các Bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2023, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày