Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.150.224
Truy cập hiện tại 916 khách
Học tập Bác dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Ngày cập nhật 21/07/2023

(HCM.VN) - Học tập và làm theo tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không “sợ sai”, “sợ khuyết điểm” của Bác Hồ phải trở thành việc làm thường xuyên, ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, dần trở thành ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân.

Dám nghĩ, dám làm là phẩm chất cao quý của con người, biểu hiện ở việc tự mình đưa ra quan điểm, chính kiến riêng một cách đúng đắn, dám đấu tranh bảo vệ quan điểm của mình, không phụ thuộc vào bất kì ai, không ngại khó, ngại khổ để thực hiện những ước mơ, dự định đặt ra. Xuất phát từ  “ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, Bác Hồ của chúng ta đã có được một nghị lực phi thường, sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm làm việc không ngừng cho dân, cho nước.

Năm 1911, Bác mới 21 tuổi, trong khi các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu hướng về phương Đông, dựa vào Nhật để cứu nước, thì Bác lại có suy nghĩ táo bạo, hướng về phương Tây - nơi khởi nguồn của tư tưởng “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm hiểu, nghiên cứu rồi trở về giúp đồng bào. Bác quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước trong khi một người bạn của Bác dù có lòng yêu nước nhưng không đủ can đảm để giữ lời hứa theo Bác ra nước ngoài. Và với hai bày tay trắng, Bác đã làm nhiều nghề khác nhau, từ phụ bếp đến bồi bàn, quét tuyết, đi khắp năm châu, bốn biển để tìm con đường cứu dân, cứu nước khỏi ách đô hộ của thực dân phong kiến, giải phóng dân tộc.

Qua những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, với cách suy nghĩ, tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của mình, Bác sẵn sàng từ bỏ những gì lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp như hệ tư tưởng phong kiến hay hệ tư tưởng tư sản. Bác khẳng định, chấp nhận cái mới, phù hợp với quy luật khách quan, với sự tiến triển của xã hội và thuận với lòng dân. Đó là giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nước ta đã trở thành một nước độc lập nhưng “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt, Bác mạnh dạn đề xuất sáu vấn đề cấp bách nhất mà Chính phủ cần giải quyết ngay, trong đó vấn đề số 1 là cứu đói. Giải pháp cấp bách nạn đói là “sẻ cơm, nhường áo”; giải pháp giải quyết từ gốc nạn đói là tăng gia sản xuất, đắp đê, trồng trọt. Bản thân Bác tiên phong xin nhận và thực hành nhịn ăn cứ 10 ngày nhịn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo1. Kết quả là đã chiến thắng giặc đói, đồng thời tạo cơ sở cho toàn bộ chính sách kinh tế của Chính phủ ta.

Đường lối kháng chiến chống pháp toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế được nêu ra trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư duy sáng tạo của Bác và Đảng ta, đã đưa đến Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của Bác và Trung ương Đảng trong bối cảnh đất nước gặp vô vàn khó khăn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước khó khăn, trở ngại, biết đánh và biết thắng. Điều đó đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn, là cơ sở để củng cố niềm tin trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; cơ sở, tiền đề quan trọng có ý nghĩa quyết định để Đảng ta đề ra đường lối chống Mỹ, cứu nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, khắc phục được tư tưởng “sợ Mỹ”, quan điểm cho rằng Việt Nam đánh Mỹ chẳng khác nào “châu chấu đá voi”, “đem trứng chọi đá”, quyết định “phiêu lưu mạo hiểm”.

Năm 1962, giữa lúc miền Bắc dồn sức cho kiến thiết và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Bác đã cổ vũ tinh thần đổi mới, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển sản xuất và xây dựng hợp tác xã. Bác yêu cầu mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên phải nêu gương cho quần chúng trong việc chủ động, kiên quyết khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, đường mòn lối cũ, chậm đổi mới. Trong thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An ngày nay), ngày 13-2-1962, Bác viết: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”2.

Ở Bác, tinh thần dám nghĩ, dám làm luôn gắn liền với đề cao trách nhiệm, có gan phụ trách, không sợ khuyết điểm. Theo Bác, muốn cán bộ công tác giỏi, muốn sự nghiệp đổi mới tiến lên, gặt hái được nhiều thành tựu năm sau to hơn năm trước thì nhất định phải dám nghĩ, dám làm, có gan phụ trách. Bởi vì, “nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng” không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”3. Cũng theo Bác, “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”4, “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu”5. Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác bình dân học vụ toàn miền Bắc năm 1956, Bác nói: “… Bất cứ một người lao động nào, dù thông minh đến đâu, đôi lúc cũng có thể sai lầm. Chỉ có những kẻ ngồi không mới không có sai lầm mà thôi. Nhưng làm việc mà có sai lầm còn hơn là sợ sai lầm mà khoanh tay ngồi không…”. Bác yêu cầu Đảng phải thường xuyên nhìn thẳng vào sự thật, phải “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó”6.

Quan điểm của Bác là cần công khai khuyết điểm, công khai để nhận lỗi, thêm quyết tâm sửa lỗi. Bác từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm không công khai, chẳng khác nào có bệnh mà giấu bệnh”. Trên thực tế, sau những sai lầm về cải cách ruộng đất, Bác đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất là chính Người… Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm do chủ quan, thiếu lắng nghe Nhân dân, thiếu sâu sát thực tiễn cơ sở.

Nhìn lại suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới, có rất nhiều cán bộ, đảng viên rất tâm huyết, vì nước, vì dân, có tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh chính trị, nhận thức và hành vi đúng, luôn kiên định đổi mới và sáng tạo nhằm đạt được mục tiêu vì lợi ích chung. Tổng Bí thư Trường Chinh với đổi mới tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước. Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong kháng chiến thì kiên cường bám dân, bám đất; trong xây dựng thì mạnh dạn vượt qua tư duy cũ kỹ, lạc hậu, có nhiều ý tưởng, đề xuất đã được đưa vào văn kiện Đại hội, góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chủ trương động viên, khuyến khích mọi người lao động, mọi năng lực sản xuất, mọi thành phần kinh tế sản xuất bung ra, cải tiến lưu thông, phân phối để thúc đẩy sản xuất phát triển, với “những việc cần làm ngay”. 

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc - người đề ra nhiều chủ trương, chính sách đổi mới, sáng tạo, “phá rào” trong đổi mới nông nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính có quyết định đổi mới tư duy, thực hiện “cơ chế một giá theo thị trường”. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Mai Chí Thọ và các lão thành cách mạng đã mạnh dạn cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm “Kế hoạch 3 phần” của bà Nguyễn Thị Ráo phá rào thu mua gạo, bán gạo một giá đầu tiên trong cả nước… Những tấm gương tiêu biểu ấy sẽ là động lực để cán bộ hôm nay soi chiếu và tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng không dám nghĩ, dám làm, “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đang có chiều hướng gia tăng, trở thành chủ đề tranh luận nóng khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội trong những phiên họp mới đây. Hiện tượng này không còn mang tính cá biệt mà đang diễn ra ở nhiều nơi, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng hoặc sợ vi phạm pháp luật. Căn bệnh sợ trách nhiệm đang khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, của doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước.

Tình trạng trên là hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Ở mức độ thấp là những người muốn được yên thân; mức độ cao hơn, phổ biến hơn là những người có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, trải qua nhiều cương vị nhưng đã “nhúng chàm”, chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Họ không dám làm, không dám nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai công việc hoặc triển khai cầm chừng nhằm che giấu dấu vết sai phạm. Ở một số cán bộ khác là những người thiếu bản lĩnh, trình độ và năng lực yếu kém, được đề bạt, bổ nhiệm nhờ thân quen, chạy chức, chạy quyền, “ngồi không đúng chỗ”, không thể thực thi công việc được giao. Không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những đô thị lớn đòi hỏi tính chất phức tạp trong lãnh đạo quản lý, thực trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, co cụm, sợ trách nhiệm cũng được nhiều địa phương trong cả nước nhận diện.

Mặt khác, hiện nay cơ chế, chính sách vẫn có sự chồng chéo, chưa hoàn chỉnh, chưa theo kịp xu thế đổi mới và sáng tạo. Thực tế có không ít các việc lớn nhỏ, nếu cán bộ công chức, viên chức quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì phải vi phạm không nhiều thì ít so với các quy định hiện hành. Cán bộ, công chức đứng trước sự lựa chọn giữa không làm thì không sai với làm thì vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, do đó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu bản lĩnh, trí tuệ đã co cụm, cầu an, sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung.

Để học tập Bác về tinh thần tiên phong dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không “sợ sai”, “sợ khuyết điểm” cần có các giải pháp toàn diện, căn cơ và quyết liệt hơn. Vấn đề quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên phải tự tu dưỡng, rèn luyện để có đầy đủ phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh, dám đấu tranh, đấu tranh quyết liệt với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Khắc phục tư tưởng “3 không” của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là “không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng”, vừa làm, vừa nghe ngóng.

Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tiếp tục đổi mới quan điểm đánh giá, sàng lọc, quy hoạch đội ngũ cán bộ, nhằm xây dựng hoàn chỉnh bộ máy công quyền trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân. Đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo, quản lý đã bị phát hiện tham nhũng; kịp thời phát hiện những cán bộ đã “nhúng chàm” nhưng chưa bị xử lý. Đấu tranh loại bỏ ngay tư tưởng cho rằng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.

Xác lập hành lang pháp lý để cán bộ, đảng viên có điều kiện phát huy dũng khí cùng nội lực nhằm giải tỏa tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm”… trong thực thi công vụ. Tạo điều kiện cho những người tâm huyết, đặc biệt là người đứng đầu, phát huy được phẩm chất “6 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung) trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được phân công.

Thực hiện tốt định hướng của Đại hội XIII của Đảng về việc tập trung “xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”7. Thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 22-9-2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”, góp phần khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo; chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế; phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm theo Kết luận số 14 KL/TW, góp phần để những đề xuất sáng tạo, đột phá của cán bộ vừa được thực thi vừa được bảo vệ bằng cơ chế. Đặc biệt là nội dung xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung; xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Xây dựng cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Người làm việc vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng cần được bảo vệ, ngược lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết những việc trong thẩm quyền của mình cần phải được xử lý nghiêm minh.

Như vậy, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, không “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” vì lợi ích chung là biểu hiện của chuẩn mực đạo đức, phẩm chất cao quý, là đòi hỏi khách quan của mỗi cán bộ, đảng viên đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay. Học tập Bác, cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ chức vụ lãnh đạo, phải ý thức rõ về trách nhiệm hoàn thành tốt bổn phận, chức trách được giao. Mỗi người cũng phải học Bác phẩm chất “nói ít, làm nhiều”, chú trọng việc “lập thân” hơn việc “lập ngôn” để việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người đi vào thực chất./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4 - Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.33
  2. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), ngày 13-2-1962 
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.320.
  4. Tự phê bình - (28/1/1946 ) - Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.192.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, năm 2011, tr.294.
  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.301.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.187.

Nguyễn Nhâm

Theo hochiminh.vn

Các tin khác
Xem tin theo ngày