Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.133.321
Truy cập hiện tại 5.850 khách
Nếu giới thiệu nhân sự sai, thì ...?
Ngày cập nhật 06/08/2012

 Cơ chế cạnh tranh lành mạnh, xóa bỏ hoàn toàn kiểu một ứng cử viên cho một chức vụ. Công khai, minh bạch tài sản và trình độ, năng lực của ứng cử viên. Xác định trách nhiệm của người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm. Theo bạn, yêu cầu nào là quan trọng nhất?

Công khai, minh bạch trong việc bổ nhiệm là khâu rất quan trọng trong quy trình phát hiện - bồi dưỡng, đề bạt - cất nhắc, quản lý – giám sát cán bộ. Mặc dù về mặt luật pháp, quy trình bổ nhiệm của ta rất chặt chẽ nhưng trong quá trình thực hiện, vẫn còn có hiện tượng “lỗ hổng con voi chui lọt” mà gần đây điển hình là việc ông Dương Chí Dũng. Ông Dũng dù đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng khi làm Tổng Giám đốc Tổng Cty Hàng hải Việt Nam nhưng vẫn được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là bởi chúng ta chưa công khai, minh bạch trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Để tìm được người có tài, có tâm đồng thời khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, ngồi nhầm ghế… gây bức xúc dư luận, gần đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo về quy định tiêu chuẩn chức danh công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Đây là việc làm hết sức cần thiết trong công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay bởi nó là cơ sở để tạo ra cơ chế minh bạch. Khi đã chuẩn hóa bằng các “ba rem”, chỉ cần ốp vào là biết ai đủ hay không đủ tiêu chuẩn cho chức vụ được bổ nhiệm. Tuy nhiên, do là cái cân, cái thước trong việc đo đếm nên nó đòi hỏi phải được lượng hóa rất cụ thể, tránh chung chung và nhất là tránh tình trạng hiểu và áp dụng thế nào cũng đúng, cũng được.

Ví dụ theo báo Hà Nội mới, (dantri.com.vn/c728/s728.../minh-bach-trong-bo-nhiem-can-bo.htm) cho biết,  trong bản dự thảo trước đó của Bộ Nội vụ, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan tổ chức thuộc bộ, cơ quan ngang bộ phải là người có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Thực tình, đọc những qui định này thấy “sướng tai, khoái nhĩ” nhưng rất khó định lượng. Ví như thế nào là “yêu nước sâu sắc” hay nói cách khác, phân biệt thế nào giữa “yêu nước sâu sắc” và yêu nước… không (hoặc chưa) sâu sắc? Ngay cả cụm từ “gắn bó mật thiết với nhân dân” cũng khá mơ hồ bởi phân biệt thế nào giữa “mật thiết” và không “mật thiết”? Rồi “được nhân dân tín nhiệm” cũng rất chung chung bởi “nhân dân” ở đây cụ thể là ai? Là bà con dân phố nơi cư trú hay là cán bộ, nhân viên trong cơ quan công tác? Và cơ chế nào để biết là nhân dân tín nhiệm hay không tín nhiệm?

 

Mặt khác, ngoài yếu tố “lượng hóa” một cách rất cụ thể các tiêu chuẩn, để tránh tình trạng hiểu thế nào cũng được ra còn có ba yếu tố rất cơ bản, cần có trong dự thảo.
 
Một là tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong công tác bổ nhiệm bằng cách dứt khoát phải có ít nhất từ hai ứng cử viên trở lên cho mỗi chức vụ. Xóa bỏ hoàn toàn kiểu một ứng cử cho một chức vụ ở tất cả các cấp.
 
Hai là phải công khai, minh bạch tất cả các tiêu chuẩn của các ứng cử viên. Đặc biệt là tài sản và trình độ, năng lực.
 
Ba là cần có cơ chế trách nhiệm của người giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm. Nếu giới thiệu, đề bạt, bổ nhiệm đúng sẽ có chế độ khen thưởng và ngược lại.
 
Bạn có đồng ý với tôi không và theo bạn, tiêu chí nào là quan trọng nhất trong việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay?

 

Bùi Hoàng Tám (Theo Dantri.com.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày