Chính những đóng góp tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đã, đang làm thay đổi dần những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Xã hội đã thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia công việc, học tập nâng cao trình độ không thua kém nam giới. Tuy nhiên, hoạt động học tập nâng cao trình độ của họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, sự khác biệt về giới: Do đặc điểm sinh lý tự nhiên, phụ nữ thường có sức khỏe kém hơn nam giới. Hiện nay áp lực trong công việc và cuộc sống ngày càng đè nặng lên đôi vai của họ, do vậy, người phụ nữ bước ra khỏi cánh cửa gia đình để đi học tập nâng cao trình độ bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách không dễ vượt qua. Thêm vào đó, định kiến về bình đẳng giới, về vai trò và năng lực của phụ nữ trong xã hội còn khá nặng nề, thậm chí trong một bộ phận cán bộ, công chức vẫn có nhiều người coi thường phụ nữ đã tạo cho họ một tâm lý tự ty, yên phận không phấn đấu hết khả năng và luôn bằng lòng với gì mình đã có. Tư tưởng này chính là căn nguyên tác động đến việc đánh giá không đầy đủ về trình độ và năng lực của các cán bộ nữ.
Thứ hai, phụ nữ thiếu thời gian đề đầu tư vào việc học tập nâng cao trình độ: Phụ nữ mất quá nhiều thời gian cho việc mang thai, sinh đẻ, phải dành nhiều thời giờ cho công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc việc học hành, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ già và quan tâm đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Tìm hiểu việc thực hiện các chức năng gia đình, số liệu điều tra xã hội học cho thấy, ở nhóm gia đình trí thức, công việc nội trợ do người vợ thực hiện chiếm 42%, người chồng thực hiện là 5%, cả hai cùng thực hiện là 53%; về nuôi dạy con cái, người vợ thực hiện chiếm 40%, cả hai cùng thực hiện là 39%. Số liệu này cho thấy, công việc gia đình đã thu hút rất nhiều thời gian, sức lực và trí tuệ của phụ nữ. Họ phải đương đầu với những khó khăn để cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Đặc biệt với phụ nữ trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ và công việc gia đình cũng nặng hơn so với phụ nữ cao tuổi. Chính vì vậy, nhiều cán bộ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin; gánh nặng gia đình làm giảm sút sự thăng tiến, vươn lên, tạo ra tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và ngại tham gia các hoạt động học tập nâng cao trình độ của họ.
Thứ ba, phụ nữ ít được động viên, khuyến khích theo đuổi để thực hiện ước mơ được học tập nâng cao trình độ, nhất là ở trình độ cao như thạc sĩ, tiến sĩ khoa học: Nhiều người gia đình chồng, đặc biệt là người chồng không ủng hộ vợ trong việc học tập nâng cao trình độ. Cá biệt ở một số gia đình, khi người vợ đi học đã không được chồng khuyến khích, trái lại còn bị gây cản trở, khó khăn chỉ vì anh ta không muốn vợ có trình độ cao hơn mình dẫn đến bất hòa trong quan hệ vợ chồng. Trong khi hầu hết các bà vợ đều ủng hộ, tạo điều kiện cho chồng mình trong việc học tập nâng cao trình độ, thậm chí có người chịu thiệt thòi thường nhường nhịn, hy sinh để người chồng được học hành thành đạt trước. Đến lượt mình, nhiều khi điều kiện khách quan đã mất đi, cơ hội không còn hoặc do tuổi tác, con cái nên người phụ nữ không thể tiếp tục học tập nghiên cứu. Do vậy, vấn đề giải quyết hài hoà giữa sự nghiệp và gia đình luôn là bài toán khó đối với hầu hết các phụ nữ.
Thứ tư, phụ nữ còn gặp cản trở từ phía nam đồng nghiệp và từ chính nữ đồng nghiệp: Trên thực tế, trong cơ quan không ít trường hợp nam đồng nghiệp không muốn phụ nữ có trình độ bằng mình, hơn mình hoặc là lãnh đạo của mình. Còn đối với chị em trong cùng cơ quan, một bộ phận có tư tưởng đố kị, níu kéo lẫn nhau, hoặc lời ra tiếng vào khi đồng nghiệp mình được cử đi đào tạo ở bậc cao hơn hoặc được bổ nhiệm vào một cương vị lãnh đạo nào đó.
Thứ năm, về cơ chế chính sách: Tuổi về hưu của phụ nữ sớm hơn nam giới 5 năm đã ảnh hưởng đến việc đào tạo, phát triển tài năng của phụ nữ. Trong khi phụ nữ lại mất khá nhiều thời gian cho việc sinh đẻ, nuôi con và chăm sóc gia đình, cho nên khi học tập nghiên cứu nâng cao trình độ để có học vị thì họ không còn nhiều thời gian để cống hiến. Do vậy, bản thân phụ nữ thấy thiệt thòi, tốn kém cho mình và lãng phí cho xã hội. Hơn nữa, Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích vật chất và động viên tinh thần kịp thời, xứng đáng để phụ nữ học tập nâng cao trình độ.
Một số giải pháp
Một là, bản thân người phụ nữ phải tự cố gắng vươn lên học tập nghiên cứu nâng cao trình độ để tiến tới bình đẳng giới trong xã hội hiện nay.
Phụ nữ phải hiểu rõ về bản thân mình, thấy được hoàn cảnh và điều kiện của gia đình mình. Đồng thời cũng phải thấy rõ được mặt mạnh, mặt yếu của bản thân để xác định mục tiêu, mức độ phấn đấu sao cho phù hợp để đạt kết quả. Mặt khác, cũng cần tuyệt đối tránh tư tưởng an phận của một bộ phận phụ nữ tự bằng lòng với trình độ, bằng cấp đã có hoặc quan niệm phụ nữ chỉ cần ưu tiên cho gia đình mà không chịu phấn đấu vươn lên.
Để cân bằng giữa công việc và gia đình, đối với người phụ nữ không đơn giản là một nghệ thuật sống, mà phải xuất phát từ tấm lòng và niềm đam mê công việc thì mới có thể vượt qua được khó khăn trở ngại để nâng cao trình độ. Trước hết, người phụ nữ phải hoàn thành thiên chức của một người con, người vợ và người mẹ. Đối với bất cứ người phụ nữ nào, được chăm sóc gia đình là một hạnh phúc không gì thay thế, được tự tay nấu ăn cho chồng con, chăm sóc và dạy con học tập…và gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, học giỏi sẽ là cơ sở vũng chắc để người họ có thể yên tâm công tác và tích cực học tập nâng cao trình độ.
Để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giới, trước tiên, phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao kiến thức, trí tuệ. Điều đó sẽ làm cho các chị tự tin lên rất nhiều. Họ phải luôn xác định mục tiêu của mình là gì, phải có ước mơ và quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ đó. Điều quan trọng nữa là phải tự khẳng định mình qua công việc và cuộc sống. Đặc biệt là bản thân chị em phải có niềm đam mê trong công việc, luôn khát khao sáng tạo, đổi mới và phải có đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, vất vả trong cuộc sống gia đình và công việc.
Bên cạnh đó, việc đấu tranh tạo cơ hội nâng cao trình độ, làm việc và thăng tiến cho phụ nữ bình đẳng với nam giới là rất cần thiết hiện nay. Không thể có người phụ nữ nào đạt đến vị trí đỉnh cao của học vị, học hàm và quản lý, khi mà họ phải mất nhiều năm để sinh con và chăm sóc con nhỏ, không kể công việc gia đình luôn khiến họ bị phân tâm; các cơ hội học tập và làm việc bị hạn chế hơn nhiều so với nam giới.
Hai là, xã hội, đồng nghiệp và gia đình phải tạo điều kiện để phụ nữ có thể học tập nâng cao trình độ.
Nhà nước và cơ quan phải tạo điều kiện ưu tiên, khuyến khích cho phụ nữ đi học nâng cao trình độ. Những phụ nữ có trình độ, có học vị thạc sỹ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư nếu bản thân có nhu cầu, nhà nước nên cho họ công tác đến tuổi 60 để khỏi lãng phí công sức, tiền của và chất xám của đội ngũ này. Xã hội cần có sự cảm thông và cách nhìn tích cực hơn về phụ nữ. Không nên có định kiến coi phụ nữ chỉ làm công việc gia đình, không nên có trình độ học vấn cao hoặc làm lãnh đạo quản lý sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Chúng ta đã có nhiều tấm gương phụ nữ vừa có trình độ cao, vừa là nhà quản lý giỏi, vừa là người vợ, người mẹ mẫu mực như Hoàng Thị Xuân Sính, Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Thị Bình….Trên vai những người phụ nữ vẫn thường gánh nhiều trách nhiệm khác nhau và họ vẫn làm tốt không kém gì nam giới. Vì vậy, xã hội cần có cài nhìn thiết thực hơn về họ, nếu không ta sẽ đánh mất một nửa sức mạnh của nguồn nhân lực.
Chúng ta phải hết sức tin tưởng vào chị em để họ có thể tự tin cống hiến đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị. Đồng nghiệp nam phải sẵn sàng giúp đỡ khi phụ nữ gặp khó khăn, phải biết tôn trọng, lắng nghe và thừa nhận năng lực, trình độ của phụ nữ để chị em tự tin hơn ngay trong cơ quan đơn vị của mình. Còn đối với đồng nghiệp nữ, thì chính chị em phải biết bảo vệ quyền lợi cho mình và bạn bè cùng giới, hỗ trợ nhau vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống.
Một yếu tố quan trọng nữa là sự ủng hộ từ phía gia đình, người chồng phải có sự cảm thông sâu sắc và tự giác giúp đỡ những công việc gia đình cho vợ, tạo điều kiện cho người vợ có thể phấn đấu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Việc thúc đẩy phát triển các tổ chức, dịch vụ phục vụ đời sống gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự bình đẳng giới. Sự xuất hiện của nghề giúp việc gia đình và phát triển của hệ thống nhà trẻ, siêu thị, dụng cụ gia đình hiện đại… đã làm nhẹ bớt công việc nội trợ và giảm bớt thời gian nội trợ cho người phụ nữ. Từ đó, chị em sẽ có nhiều thời gian hơn để tham gia các công tác xã hội và học tập nâng cao trình độ.
Ba là, bản thân chị em phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa gia đình và sự nghiệp.
Là phụ nữ nên không thể làm mải miết công việc học tập nghiên cứu từ sáng tới đêm khuya như nam giới mà quên hết công việc gia đình. Tuy nhiên, nếu không có động lực quan trọng từ phía gia đình thì không thể hoàn thành được công việc. Về nhận thức là như thế nhưng trên thực tế nhiều khi chị em bị cuốn hút vào công việc nên cũng khó chu toàn. Những lúc như vậy, phụ nữ cần bù đắp nhiều hơn nữa cho con cái và gia đình, nhất là thời gian sau bữa cơm tối và một số ngày nghỉ, để dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với chồng và làm bạn với con. Thời gian bên gia đình sẽ tạo thêm động lực, bổ sung sức mạnh cho họ.
Phụ nữ khi học tập cần cố gắng hết khả năng và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Việc cơ quan, gia đình rất bận rộn nhưng nếu sắp xếp công việc một cách hợp lý, khoa học, phụ nữ có thể giải quyết hài hòa mọi việc. Khi cảm thấy thoải mái vì gia đình ổn thỏa thì mọi việc sẽ trôi chảy và có nhiều niềm vui trong công việc và cuộc sống.
Tú Anh- Theo Laodongxahoionline