Tại Phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã công bố các quyết định của của Ban Bí thư về thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ đối với các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo đó, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nhiệm vụ Chỉ đạo chung – Chủ trì các phiên họp của Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Phó Ban thường trực và Thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành viên Tổ biên tập Đề án tổng thể và các tiểu đề án.
Theo dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án, mục đích yêu cầu lớn của Đề án là nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, đánh giá hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý biên chế, tinh giản biên chế, quản lý cán bộ, công chức.
Khảo sát, đánh giá thực trạng việc thực hiện tinh giản biên chế trong thời gian qua và thực trạng về cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan, tổ chức toàn bộ hệ thống chính trị. Từ đó, đưa ra các giải pháp, kiến nghị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý.
Việc xây dựng Đề án phải trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống về tinh giản biên chế, cơ cấu lại cán bộ, công chức, kết hợp giữa khảo sát, đánh giá thực trạng tại các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị với những vấn đề thực tế đề ra, rà soát lại hệ thống văn bản pháp quy có liên quan để có cơ sở đưa ra đề xuất, kiến nghị, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian xây dựng Đề án.
Theo đó, dự thảo Đề án tổng thể được chia thành 7 Tiểu đề án gồm: Tiểu đề án đánh giá thực trạng tinh giản biên chế, cơ cấu lại cán bộ, công chức thuộc Khối Đảng, Mặt trận, các Đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở; tiểu đề án đánh giá thực trạng tinh giản biên chế, cơ cấu lại cán bộ, công chức và giải pháp thuộc Khối cơ quan Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước; tiểu đề án thuộc Khối cơ quan Tư pháp và những giải pháp, kiến nghị; tiểu đề án thuộc Khối các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và những vấn đề đặt ra; tiểu đề án thuộc Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là Đề án có quy mô lớn nhằm đánh giá lại thực trạng tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Tổ biên tập cần phát huy tinh thần trách nhiệm trong chức trách của mình được phân công để đóng góp cho Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Để Đề án đạt hiệu quả, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện lại Đề cương chi tiết của Đề án, tập trung vào các giải pháp cụ thể, sát với tình hình và gắn với thực tiễn với phương châm là xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị vững vàng, năng lực trình độ đáp ứng được yêu cầu công tác và đặc biệt phải gắn với Chiến lược xây dựng đất nước và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phạm vi của Đề án là cả hệ thống chính trị, thời điểm đánh giá của Đề án được tính từ năm 2007 khi có Nghị định 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ về công tác này.
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, phải đưa ra các giải pháp cụ thể về tinh giản biên chế với các tiêu chí, lộ trình, nhu cầu. Các giải pháp về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức cần gắn với các yêu cầu về cải cách tổ chức, bộ máy hiện nay. Đồng thời, tiếp thu và lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý và những người có tâm huyết đối với công tác để Đề án đạt hiệu quả cao nhất.
Theo Kế hoạch, Đề án tổng thể phải được hoàn thành vào cuối năm 2012 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Minh Phương (Nguồn: chinhphu.vn)