Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.135.988
Truy cập hiện tại 7.129 khách
Sẽ xử lý bộ, ngành chậm cắt giảm thủ tục hành chính
Ngày cập nhật 23/03/2012

TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, năm nay, Văn phòng Chính phủ sẽ trả lại những kết quả rà soát thủ tục hành chính mà các bộ, ngành, địa phương làm theo hình thức, không đạt chỉ tiêu cắt giảm đề ra. Sau đây là nội dung phỏng vấn giữa phóng viên và  TS Ngô Hải Phan.

Thưa ông, năm nay, Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện rà soát 24 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm. Ông có thể cho biết cơ sở để chọn các nhóm thủ tục này?

Thứ nhất, 24 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm phải cải cách trong năm 2012 đã được Chính phủ lựa chọn trên cơ sở tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về những vướng mắc trong quá trình thực hiện, cũng như qua tham vấn các thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Thứ hai, căn cứ vào các cơ sở pháp lý của Chính phủ tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP,  đặc biệt là Nghị quyết 57/2010/QH12 của Quốc hội về tiếp tục rà soát, lựa chọn những quy định, rào cản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân để tiến hành rà soát, lựa chọn và cắt giảm.

Đây đều là những thủ tục liên quan mật thiết đến các vấn đề kinh tế - xã hội, đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Mục tiêu thực hiện và trọng tâm rà soát thủ tục hành chính năm 2012 có điểm gì mới, thưa ông?

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% chi phí tuân thủ các quy định và thủ tục hành chính của 24 nhóm nói trên. Điểm mới của năm nay là, sẽ xem xét một cách hệ thống, tổng thể để rà soát cắt giảm.

Với 24 nhóm thủ tục hành chính đã được lựa chọn trong năm nay, sẽ sắp xếp toàn bộ các nhóm thủ tục có liên quan để rà soát, tiếp cận trên cơ sở sơ đồ hóa các thủ tục theo chuỗi tổng thể, từ đó xem xét tính logic, tính hợp lý của các quy định. Kế đó, xem xét tính hợp lý, sự cần thiết, hiệu quả của từng thủ tục đơn lẻ. Nhờ đó, việc cải cách sẽ thiết thực và mạnh mẽ hơn.

Nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn với tình trạng thủ tục con “mọc” ra sau cắt giảm. Bình luận của ông về vấn đề này?

Đúng là vẫn còn tình trạng này. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn, giảm tối đa việc nảy sinh các thủ tục hành chính mới gây khó cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 63/2010/NĐ-CP, trong đó đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các ban soạn thảo phải đánh giá tác động theo các nhóm tiêu chí hợp pháp, hợp lý và hiệu quả đối với các thủ tục hành chính mới được ban hành, để kịp thời loại bỏ ngay từ khâu dự thảo các thủ tục không phù hợp, gây khó doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát các quy định, mà sẽ đẩy mạnh kiểm soát cả ở khâu tổ chức thực hiện.

Mới đây, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ cùng với 24 bộ, ngành trong năm 2012 phải đảm bảo công khai, minh bạch đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện và giám sát thực hiện. Đồng thời hàng quý, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo Thủ tướng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức ở 4 cấp chính quyền. Trong đó, phải nêu rõ tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, đã cắt giảm được bao nhiêu, còn tồn đọng bao nhiêu thủ tục, lý do tồn đọng, cũng như hướng khắc phục. Đây chính là việc chúng ta đề cao kỷ cương, kỷ luật hành chính trong tổ chức công quyền. 

Một điểm mới nữa trong năm nay là, các cơ quan chủ trì việc cắt giảm thủ tục hành chính (bộ, ngành, địa phương), cũng như các cơ quan phối hợp có trách nhiệm ngang nhau. Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để có biện pháp xử lý những đơn vị không thực hiện tốt chỉ tiêu cắt giảm. Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ sẽ trả lại những kết quả rà soát mà các bộ, ngành, địa phương làm theo kiểu hình thức, chất lượng kém và không đạt chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính.

Minh Phương (Theo Baodautu.vn)

Các tin khác
Xem tin theo ngày