Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.137.667
Truy cập hiện tại 272 khách
Đề nghị bỏ lương tối thiểu của công chức
Ngày cập nhật 11/02/2012

Chiếm 51% khoản chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, tỷ lệ tăng nhanh nhưng lương cán bộ, công chức, viên chức vẫn không đủ sống. Đây là lý do dẫn tới đề xuất bỏ lương tối thiểu cho nhóm đối tượng này.

Sáng 11/02/2012, Hà Nội diễn ra hội thảo “Đa dạng hóa nguồn lực cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2020”. Tiến sĩ Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng, mức lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực hành chính, sự nghiệp hiện là thấp và không đủ sống. Cả giai đoạn 2001-2011, con số này được điều chỉnh từ 210.000 đồng lên 830.000 đồng, tăng 361%. Song theo tính toán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, điều đó chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động.

Cũng theo ông Thăng, phương thức trả lương truyền thống mang tính bình quân, cào bằng và chế độ phụ cấp dàn trải khiến tiền lương và vai trò của lương ngày càng thấp. “Tổng nguồn ngân sách không thấp và liên tục tăng, song việc trả lương không phân biệt giữa người làm nhiều với người làm ít khiến lương cán bộ, công chức thấp, khoản chi có tính chất lương lại tăng nhanh”, ông Thăng nói.

Giải thích rõ về điều này, ông Vũ Nhữ Thăng cho hay, hiện nay mức độ đảm bảo từ ngân sách Nhà nước cho trả lương và các khoản có tính chất lương là khá cao và liên tục tăng nhanh. Theo đó, năm 2011, lương, phụ cấp ước chiếm 51% chi thường xuyên của ngân khách nhà nước, đạt gần 9,6% GDP. Trong khi năm 2010, con số này chỉ là 6,7% GDP. Do vậy, ông Thăng đưa ra một vấn đề bất cập, trong khi tổng chi cho lương tăng thì tiền lương cán bộ, công chức vẫn thấp.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, cho rằng cải cách lương công chức lâu nay chỉ là “gọt gót chân cho vào giày”, chạy theo giá và nhu cầu mà không giải quyết được triệt để. Theo ông Dũng, tỷ lệ cán bộ hiện không đáp ứng được nhu cầu công việc đang chiếm một tỷ lệ quá lớn. Nhà nước cần mạnh dạn thanh lọc, đào thải để cải thiện lương công chức, viên chức.

Đồng quan điểm như vậy, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng cần tinh giảm 40% tổng số công chức, viên chức không đủ năng lực. “Lương thấp, nhưng chỉ một phần ba cán bộ trong đó đang làm việc ngày đêm. Chế độ bao cấp duy trì từ năm 1972 đã đến lúc cần xóa bỏ dù có đụng chạm, liên quan đến quyền lợi của ai đi chăng nữa”, ông Lợi nói.

Bản thân ông Nguyễn Như Lợi và PGS, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thanh, Phó viện trưởng Viện kinh tế, Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đều đưa ra phương án xóa bỏ mức lương tối thiểu. Theo ông Thanh, người lao động cần được trả lương theo công việc, năng lực, vị trí và chức vụ. “Lương tối thiểu đặt ra để làm gì khi không ai đủ sống với chưa đầy 900.000 đồng?”, ông Thanh đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Khắc Thanh đề xuất tiền tệ hóa tiền lương để đảm bảo nguồn sống cho cán bộ, công chức và viên chức. Theo đó, nhưng người chưa có nhà được phụ cấp khoản đi thuê, người nuôi con chưa đến 18 tuổi phải được Nhà nước hỗ trợ... Ông nhấn mạnh “Hết thời gian, chế độ ưu tiên thì cắt. Chứ như bây giờ, khi trẻ không có tiền thì loay hoay đủ kiểu để nuôi con, đến lúc già, có tiền, chẳng phải nuôi ai lại sinh hư”.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng trong cải cách tiền lương cần phải thực hiện chế độ dịch vụ công để tăng nguồn cung và giảm gánh nặng chi cho ngân sách Nhà nước. Theo bà Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ hành chính, sự nghiệp, Bộ Tài chính, để cải thiện tiền lương khối sự nghiệp cần chuyển chế độ thu phí sang thu theo giá thị trường.

“Một số trường đại học phải bỏ tên Sư phạm để có thể được thu được học phí, nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước thì làm sao họ đủ đảm bảo đời sống và cơ sở vật chất. Tương tự, phí khám chữa bệnh từ năm 1995 vẫn được duy trì, nhưng có ai chỉ bỏ từng đó tiền mà được hưởng dịch vụ như mình mong muốn?”, Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà nêu ví dụ.

TMH- theo tin nhanh Việt Nam
Các tin khác
Xem tin theo ngày