|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 7.000.364 Truy cập hiện tại 4.120 khách
|
Singapore không để công chức dứt áo vì lương Ngày cập nhật 07/12/2011 | Sing-ga-po |
Bộ trưởng Nội vụ của Singapore từng nói: Chúng tôi không muốn lương là động lực duy nhất để níu kéo công chức, nhưng cũng không muốn lương là lý do để họ rời bỏ khu vực nhà nước.
>> Xem người Mỹ lọc công chức
>> 'Mất lửa' vì lương cào bằng
>> Khi sếp 'hi sinh' thu nhập Trong lĩnh vực cải cách hành chính, có 4 giải pháp trọng tâm mà các quốc gia có thể lựa chọn ưu tiên khác nhau.
Thứ nhất là tăng cường luật pháp và các ràng buộc đối với công chức như công khai tài sản cá nhân và gia đình, áp đặt quy định nội bộ, tăng cường phản hồi của người dân đối với cơ quan công quyền. Thứ hai, dựa vào thu hút người có năng lực thực sự, đánh giá đúng hiệu quả công việc, cải cách lương, và phân cấp quản lý.
Thứ ba là dựa vào hệ thống văn bản pháp quy minh bạch, thành lập ủy ban chống tham nhũng. Cuối cùng là dựa vào việc tư nhân hóa dịch vụ công, tăng áp lực cạnh tranh đối với các dịch vụ công và thành lập các cơ quan quản lý công độc lập với chính phủ.
Cả 4 giải pháp này đều cần thiết nhưng ở một thời điểm và hoàn cảnh nhất định thì chính phủ các nước có sự lựa chọn và ưu tiên khác nhau. Singapore lựa chọn cách tiếp cận thứ nhất và thứ hai mà đặc biệt là chế độ đãi ngộ rất cao đối với công chức.
Lương cao, giám sát hiệu quả
Singapore luôn đứng trong tốp đầu các nước có chỉ số quản lý minh bạch và môi trường đầu tư hấp dẫn nhất trên thế giới. Về GDP trên đầu người Singapore hiện đứng thứ 3 trên thế giới, đạt 57.000 USD năm 2010 theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Chính chế độ đãi ngộ công chức rất cao và hấp dẫn đã tạo ra một nền hành chính lành mạnh và hiệu quả của Singapore.
Tổng thống Lý Hiển Long, trước câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn tại Mỹ năm 2010: Việc ông lên làm Tổng thống có phải là do ảnh hưởng của cha ông, đã trả lời khẳng khái rằng: Ở Singapore, chúng tôi trả lương cao để thu hút người tài nhất làm trong chính phủ và bản thân tôi cũng phải chứng minh được điều đó. Năm 2007, Bộ trưởng Nội vụ Teo Chee Hean từng nói: Chúng tôi không muốn lương là động lực duy nhất để níu kéo công chức, nhưng cũng không muốn lương là lý do để họ rời bỏ nhà nước.
Có thể thấy là chế độ đãi ngộ công chức của Singapore là cao nhất thế giới, hơn nhiều so với Mỹ (đơn cử, lương của tổng thống Singapore đạt khoảng 3,1 triệu đôla Singapore một năm, gấp 5 lần tổng thống Mỹ, 400.000 USD). Việc chấp nhận chi trả lương công chức cạnh tranh là một sự lựa chọn chiến lược của các nhà lãnh đạo cao nhất trong nhiều thập niên qua. Kết hợp với trả lương cao, Singapore xây dựng một hệ thống luật giám sát rõ ràng và một hệ thống đánh giá công chức hiệu quả, thực chất. Singapore cũng đã đổi mới cơ chế quản lý ngân sách bằng việc phân quyền tự chủ tài chính đến tận cấp vụ của các bộ.
Trong khi đó, ở Việt Nam, giải pháp cho vấn đề lương công chức hiện nay vẫn gặp những trở ngại, quanh co và bế tắc. Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2003 đến 2011, mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức đã được điều chỉnh 7 lần. Tuy nhiên, từ năm 2008 - 2011, trong khi mức lương tối thiểu chỉ tăng thêm 84,4% thì mức tăng chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống lại tăng đến 99,05%. Như vậy, thực tế trong những năm gần đây, mức tăng lương chỉ là để bù đắp mức tăng giá tiêu dùng, chứ chưa thể nói đến việc nâng cao cuộc sống cho cán bộ, công chức. Các giải pháp như tinh giản biên chế cũng không đạt kết quả như mong muốn.
Không luẩn quẩn "con gà - quả trứng"
Tuy là một nước có hệ thống chính trị tập trung cao, nhưng Singapore lại nổi lên như một nền kinh tế mạnh với môi trường đầu tư hấp dẫn và nền hành chính trong sạch. Đây là hệ quả của một chính sách đãi ngộ công chức khôn ngoan và sáng suốt khi chọn vấn đề lương công chức là chìa khóa cho mọi cải cách.
Singapore đã biết vượt qua lối tư duy theo kiểu “cái khó bó cái khôn” để tránh các chính sách đi theo vòng luẩn quẩn “con gà - quả trứng” trong việc xây dựng một nền hành chính hiệu quả. Nhìn vào mô hình phát triển của Singapore, có thể thấy động lực làm việc và sự tuân thủ luật pháp của công chức là yếu tố mấu chốt cho một nền hành chính công để mọi chính sách và luật pháp đi vào cuộc sống chứ không chỉ trên giấy tờ. Do đó, vấn đề tăng lương công chức nhất thiết phải là sự lựa chọn chiến lược và quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta ở cấp cao nhất.
Phương thức và lộ trình cần được tiếp tục nghiên cứu, song cam kết để công chức sống đàng hoàng bằng lương cần được hiện thực hóa trong tương lai gần nếu muốn cải cách hành chính đi vào thực chất. Chỉ có đột phá trong chính sách tiền lương kết hợp với đổi mới trong đánh giá công chức mới giải quyết được những bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách trên mọi lĩnh vực và tạo được chuyển biến về chất trong cải cách hành chính ở nước ta.
Đặng Văn Huấn (nghiên cứu sinh tại ĐH Portland State, Hoa Kỳ)
Các tin khác
|
|
|
|
|
|
|