Nhiều người tài đang khởi xướng xu hướng từ bỏ công sở Sẽ nâng lương để giữ chân người tài Vừa qua, một loạt cán bộ, công chức quyết định rời cơ quan Nhà nước ra làm ngoài. Thứ trưởng nghĩ sao về tình trạng này?
- Từ đầu những năm 2000, chúng tôi đã dự báo về vấn đề công chức rời nhà nước. Công chức cần môi trường, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, thu nhập tương xứng. Do đó, quan hệ hành chính theo kiểu ban phát, xin cho phải được thay đổi.
Khi vào WTO, người dân có nhiều cơ hội để làm việc ở những khu vực khác nhau như liên doanh, khu vực 100% vốn đầu tư nước ngoài chứ không chỉ ở khu vực Nhà nước. Chính sách thu hút của các thành phần ngoài nhà nước rất mạnh, đó cũng là lực hút, sự hấp dẫn của một bộ phận cán bộ công chức.
- Thứ trưởng nói cần phải chấm dứt việc ban phát, xin cho. Vậy hiện nay tình trạng này đang ở mức nào?
- Hiện một bộ phận cơ quan vẫn tùy tiện đặt ra những quy định rườm rà, kể cả trong việc tuyển dụng. Đây thực sự trở thành điều cấm kỵ khi chúng ta đang thực hiện công khai minh bạch và chủ trương đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Vừa rồi, chúng tôi kiểm tra 42 tỉnh thì có tới 38 tỉnh tự đặt ra những quy định rườm rà, bất hợp lý. Chính phủ đã ra văn bản yêu cầu các địa phương này phải chấm dứt hoặc sửa đổi, điều chỉnh. Đây là thái độ kiên quyết để triệt tiêu tình trạng bao cấp, xin cho.
- Vừa qua, Sở Nội vụ Quảng Bình bị kiện về việc không tuyển người có trình độ cao. Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc tuyển dụng công chức hiện nay?
- Việc thi tuyển công chức cũng có một số vấn đề tiêu cực nhưng khi phát hiện là chúng tôi làm kiên quyết. Quảng Bình, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc là những thí dụ. Khi phát hiện tiêu cực, lãnh đạo đơn vị bị cách chức hoặc chuyển đổi vị trí. Nhà nước không dung dưỡng chuyện đó.
- Thông thường trong 5 năm học một sinh viên phải chi 75 triệu đồng, trong khi lương của cán bộ mới đi làm chỉ là 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Nếu vay tiền đi học thì phải 7-8 năm mới trả hết nợ, chưa kể các chi phí hàng ngày. Thứ trưởng nghĩ sao về thực trạng này?
- Đây là một nội dung mà Ban chỉ đạo tiền lương Nhà nước do Thủ tướng làm trưởng ban đang tìm cách giải quyết. Hiện nay, vấn đề thu nhập chiếm tỷ lệ 30% trong quyết định ra đi của công chức.
Khi các cơ quan được tách ra tự chủ, tổng thu nhập của cán bộ công chức hành chính (khoảng 300.000 người) và viên chức sự nghiệp (khoảng 1,5 triệu người) sẽ không chỉ là tiền lương hành chính. Ở khu vực doanh nghiệp, có giám đốc thu nhập 30-40 triệu đồng mỗi tháng, còn các cơ quan sự nghiệp, những kỹ sư và người có học vị thu nhập đến 50 - 60 triệu đồng.
Nhưng bao giờ công chức sống được bằng lương, 3 năm hay 5 năm thì tôi chưa nói trước được. Năm 2012 sẽ cố gắng đạt mục tiêu lương của công chức đảm bảo đủ sống và có tích lũy.
- Nhiều người cho rằng "trẻ" là một hạn chế trong việc cất nhắc ở các cơ quan Nhà nước. Điều này cần được nhìn nhận thế nào?
- Người trẻ có thế mạnh là vô tư, trong sáng, vào cuộc một cách mạnh mẽ và tạo ra những cơ hội cho cá nhân phát triển. Chính Nhà nước đang kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Đó là sức sống mới cho không khí làm việc, là sức sáng tạo mới, không thể là khuyết điểm. Không phải người có thâm niên đồng nghĩa với có chức vụ.
Chúng ta cần khuyến khích cán bộ trở thành chuyên gia, không phải lấy việc lên vị trí trưởng phòng hay lãnh đạo của một đơn vị là thước đo tiến bộ. Tôi cho rằng đây cũng là một hạn chế của hệ thống hành chính, đang cần được cải cách.
- Càng kéo dài thời gian nghiên cứu chính sách, chúng ta càng để lỡ nhiều cơ hội thu hút và giữ chân người tài. Vậy bao giờ sẽ đổi mới thi tuyển và nâng lương?
- Vừa qua, Long An, TP HCM, Đà Nẵng đã thí điểm tuyển thẳng ứng viên vào vị trí trưởng phòng. Chúng ta đang chỉ đạo thi tuyển trực tiếp vào các vị trí, kể cả vị trí lãnh đạo quản lý. Chậm nhất năm 2011 sẽ áp dụng đại trà cho tất cả các cấp, các ngành.
Những người có bằng cấp cao sẽ được tuyển thẳng, không phải qua các bước thi tuyển. Những người có khả năng có thể được tăng lương trước thời hạn, không nhất thiết phải 3 năm tăng một lần.
Công chức quản lý hành chính là những người đang hoạch định chính sách, kiểm soát quá trình phát triển của đất nước và đồng thời cũng chính là người quyết định tương lai đất nước.
Đỗ Khánh Minh theo vnexpress