>> Sốt ruột với cải cách
>> 2015: Lương công chức 4.000 USD/năm?
>> Công chức: Bằng cấp nhiều, chất lượng chưa tương xứng
>> Công chức ngại học nhưng thích có bằng
Loại bỏ cán bộ mất uy tín với dân
Nghị quyết ban hành chương trình tổng thể này xác định mục tiêu tập trung nguồn lực ưu tiên cho cải cách chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.
Chính phủ xác định, đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội. Đổi mới quy định của pháp luật về khen thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và có chế độ tiền thưởng hợp lý với cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc công việc.
Ngoài ra, các bộ, ngành sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ngoài lương theo ngạch, bậc, theo cấp bậc chuyên môn, nghiệp vụ và điều kiện làm việc khó khăn, nguy hiểm, độc hại.
Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách lương sẽ được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2011 - 2015) sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên cho điều chỉnh mức lương tối thiểu chung và ban hành cơ chế tiền lương riêng với từng khu vực.
Cụ thể, khu vực hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi quản lý hành chính nhà nước. Khu vực lực lượng vũ trang do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi ngân sách nhà nước cho quốc phòng, an ninh. Khu vực sự nghiệp công do quỹ lương của đơn vị sự nghiệp bảo đảm và được tính trong chi ngân sách nhà nước cho ngành.
Tiếp đó, giai đoạn 2 (2016 - 2020) sẽ hướng tới mục tiêu đảm bảo cho chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải cách cơ bản. Thực hiện thang, bảng lương và các chế độ phụ cấp mới.
Để đạt được các kết quả trên, Chính phủ xác định các nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng các hình thức phù hợp, có hiệu quả. Quy định rõ và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời, tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức danh, tiêu chuẩn của từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong từng cơ quan, tổ chức, từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương làm cơ sở cho tinh giản tổ chức và tinh giản biên chế. Tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của hoạt động công vụ.
Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân.
Nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác cải cách hành chính ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp. Đồng thời, có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác cải cách hành chính các cấp.
Việc cải cách chính sách tiền lương được xác định là để tạo động lực thực sự cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công vụ có chất lượng và hiệu quả cao.
Thi tuyển vụ trưởng, giám đốc sở
Bên cạnh nhiệm vụ về tiền lương, chương trình tổng thể cải cách hành chính còn hướng tới những mục tiêu lớn khác như: cải cách thể chế, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước...
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, đến năm 2020, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân. Trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm.
Đồng thời, hoàn thiện quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức trúng tuyển. Tiến hành chế độ thi nâng ngạch theo nguyên tắc cạnh tranh, thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp vụ trưởng và tương đương (ở trung ương), giám đốc sở và tương đương (ở địa phương) trở xuống.
Ngoài ra, theo từng giai đoạn, Chính phủ cũng đưa ra chỉ tiêu nhằm "đo lường" mức độ hài lòng của người dân.
Chẳng hạn, phấn đấu đến 2020, trên 80% dân chúng hài lòng về các thủ tục hành chính. Mức độ hài lòng của dân với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước và với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%.
Để đo lường được điều này, Chính phủ sẽ xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá ở tất cả các cấp.
Nhìn tổng thể, trọng tâm cải cách hành chính trong giai đoạn 10 năm tới được Thủ tướng nhấn mạnh là: Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.