Phương án này đã nhận được sự đồng tình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách ngay từ khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp đầu tháng này. Theo đó, lương tối thiểu của công chức sẽ tăng 220 nghìn đồng, tương đương 26,5%. Mức tăng này cũng được áp dụng cho lương hưu và trợ cấp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày trước Quốc hội chiều nay cho biết, một số ý kiến của Ủy ban cho rằng, so với đề án cải cách tiền lương, đến nay việc thực hiện còn chậm. Mức lương tối thiểu của công chức và phụ cấp công vụ còn mức thấp, chưa đảm bảo được yêu cầu của cải cách tiền lương.
Đề nghị Chính phủ có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương cho phù hợp, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến dự toán chi ngân sách năm tới, Chính phủ trình Quốc hội tăng chi cho các chương trình biển Đông, hải đảo. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị bố trí ngân sách đầu tư nhiều hơn để tăng cường năng lực cho cảnh sát biển, xây dựng đồn biên phòng, doanh trại…
Cơ bản thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương năm 2012. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2012 phải được sắp xếp theo một trật tự ưu tiên.
Số một vẫn là ưu tiên chi đầu tư cho con người, bảo đảm chi cho an sinh xã hội và các đối tượng chính sách xã hội.
Hai là, quan tâm đến các tỉnh nghèo, khó khăn có nguồn thu ngân sách thấp ở 3 vùng trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa; các tỉnh bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, bão lũ; vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Ưu tiên thứ ba, bố trí vốn đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các dự án công trình hoàn thành năm 2012, các dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện và giải ngân tốt; hạn chế tối đa các công trình mới; tiếp tục thực hiện cắt giảm đầu tư công trên cơ sở các tiêu chí cụ thể để đánh giá, chọn lọc hiệu quả.
Cuối cùng quan tâm đầu tư cho các vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các tỉnh có khả năng bứt phá để tự cân đối ngân sách.
Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành với Chính phủ mức bội chi ngân sách nhà nước năm sau là 140.200 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP.
Minh Phương (Theo Thời báo kinh tế)