Các đối tượng được cổ phần hóa gồm: 1- Công ty trách nhiệm hữu hạn (Cty TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước); 2- Cty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là DN thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 3- DN 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành Cty TNHH một thành viên.
Các DN trên thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện: Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ (Danh mục DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ) và còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN.
Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị DN mà giá trị thực tế DN thấp hơn các khoản phải trả, thay vì thực hiện phương án bán hoặc giải thể, phá sản như quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP, thì Nghị định mới ban hành nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa chỉ đạo DN phối hợp với Cty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của DN xây dựng phương án tái cơ cấu DN; trường hợp phương án tái cơ cấu DN không khải thi và hiệu quả thì chyển sang các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
Mỗi DN cổ phần hóa có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược
Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN và hỗ trợ DN sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tài chính, quản trị DN, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
|
Nghị định nêu rõ, căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, tính chất ngành nghề kinh doanh và yêu cầu mở rộng phát triển DN, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cổ phần hóa DN trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa việc bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.
Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định riêng đối với các DN quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (như: bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác than, dầu khí, khai thác mỏ quý hiếm khác) và các công ty mẹ thuộc các Tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước nếu nhất thiết phải chọn nhà đầu tư chiến lược trước thì cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hoá báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phương thức bán và số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định về số lượng nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại mỗi DN cổ phần hóa được xác định tối đa là 3 nhà đầu tư.
Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 5 năm, kể từ ngày cty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu hoạt động theo Luật DN. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn trên thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Bổ sung nguyên tắc xác định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược
Nghị định nêu rõ, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được xác định theo nguyên tắc:
Đối với trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá công khai thì giá bán do BCĐ cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.
Đối với trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện đấu giá công khai là giá thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc là giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá) nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.