Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.141.075
Truy cập hiện tại 1.153 khách
Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thi tuyển vụ trưởng
Ngày cập nhật 29/06/2011

 Bộ máy lãnh đạo, từ cấp Vụ trưởng trở xuống, đều phải thi tuyển. “Cất nhắc” cán bộ, nâng ngạch công chức cũng phải qua thi tuyển. Không thể giữ nếp nghĩ “sống lâu lên lão làng” - Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn phát biểu trong hội nghị cải cách hành chính.

           Trình bày tham luận tại hội thảo “Cải cách hành chính nhà nước ở Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học” do Học viện Hành chính tổ chức ngày 28/6, với tư cách một “nhà thực tế”, Bộ trưởng Nội vụ đi thẳng vào vấn đề “nóng” nhất: chất lượng cán bộ, công chức.

Bộ trưởng Tuấn vạch lộ trình cải cách hình thức thi tuyển công chức công khai theo hướng cạnh tranh để chọn được người làm việc có năng lực. Ông Tuấn phân tích, việc thi nâng ngạch công chức hiện tại từ khâu tổ chức tới chấm thi vẫn chưa thực chất.

 “Phải tiến tới tổ chức thi tuyển cả lãnh đạo, từ cấp vụ trưởng trở xuống đều phải thi tuyển mới mong chọn được người giỏi. Bộ đang xây dựng phương án để trình Chính phủ” - ông Tuấn cho biết.

Theo đó, ngay cả việc chuyển vị trí công tác, “cất nhắc” cán bộ từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn, đòi hỏi lớn hơn, cũng phải qua thi tuyển, không thể giữ nếp nghĩ “sống lâu lên lão làng”.

Cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức còn được Bộ trưởng Nội vụ lưu ý việc loại bỏ cơ chế xin - cho số lượng biên chế. Chủ trương giảm biên chế hiện vẫn vướng vì thiếu “chuẩn quy đổi” tỷ lệ rõ ràng mỗi cơ quan đơn vị cần bao nhiêu chuyên viên chính, bao nhiêu chuyên viên cao cấp…

Xung quanh vấn đề đánh giá cán bộ, công chức, ông Tuấn khái quát, triển khai quy trình một cửa đã lâu nhưng tiếng khen chưa nhiều, tiếng chê chưa giảm, nhân tố chủ yếu nằm ở người cán bộ làm ở bộ phận này. Bộ Nội vụ đang hướng tới xây dựng chuẩn đánh giá công chức bằng mức độ hài lòng khi được cung cấp dịch vụ của người dân.

Lấy ví dụ cụ thể vấn nạn xây dựng trái phép tràn lan hiện nay, ông Tuấn phân tích không phải vì thiếu quy định quản lý. Có quy định rõ ràng, chính quyền địa phương vẫn căn cứ vào đó xuống địa bàn lập biên bản phạt vi phạm, yêu cầu đơn vị xây dựng trái phép tự phá dỡ công trình nhưng việc người vi phạm “tự xử” thế nào thì phường, xã cũng… chịu.

Theo kiến nghị của một cựu cán bộ phường, ông Tuấn đề xuất xem xét hướng quy định “khoán” trách nhiệm cho người đứng đầu phường, trong 1 năm công tác để xảy ra bao nhiêu vụ xây dựng trái phép trên địa bàn của mình thì nên nghỉ làm.

Giải quyết triệt để những “lắt léo” thực tế, Bộ trưởng Nội vụ nhìn nhận khâu quyết định nằm ở vấn đề cải cách tiền lương. Tuy nhiên, ông Tuấn xác nhận, “mắc quá nhiều khi tiến hành”. Việc nâng lương, nâng phụ cấp, đưa thu nhập của cán bộ, công chức dần thực chất hơn nhưng nguồn tiền để làm việc này thực sự khó khăn.

“Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho phát triển, khó thế nào cũng phải làm, thậm chí đi vay nợ để trả lương đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công chức. Nhưng điều kiện thực tế Việt Nam không thể làm vậy, chỉ có thể kiên trì tiến hành từng bước” - Bộ trưởng Trần Văn Tuấn chia sẻ.

Bàn thêm về việc tổ chức bộ máy nhà nước, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, sau giai đoạn sáp nhập, hình thành các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, tới đây, để đáp ứng yêu cầu quản lý sẽ phải thành lập thêm một số tổng cục. Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công thương đã hình thành. Tổng cục quản lý vốn nhà nước thuộc Bộ Tài chính sắp tới sẽ được xây dựng.

Trọng tâm cải cách hành chính giai đoạn 10 năm tới (2011-2020): Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Vấn đề quan trọng hàng đầu là cải cách chế độ, chính sách tiền lương nhằm tạo động lực làm việc thực sự, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, nhất là chất lượng dịch vụ công.

Minh Phương (Theo Báo Dân trí)

Các tin khác
Xem tin theo ngày