|
|
|
Thống kê truy cập Tổng truy cập 7.011.735 Truy cập hiện tại 6.405 khách
|
Kinh nghiệm của Canada trong việc thu hút nhân tài Ngày cập nhật 04/06/2011 Vào khoảng giữa những năm 1990, giới chức giáo dục đại học ở Canada đã cảnh báo hậu quả của việc chính phủ cắt giảm quỹ dành cho nghiên cứu khoa học và nguy cơ "chảy máu" nhân tài. Ngày nay, trong cuộc cạnh tranh toàn cầu dữ dội nhằm giành được những người giỏi nhất và thông minh nhất, Canada đang ở đỉnh cao thành công khi thu hút được các ngôi sao nghiên cứu khoa học và khuyến khích các học giả trẻ trong nước cũng như nước ngoài và các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ. Câu chuyện bây giờ là cách để tận dụng chất xám chứ không còn là chảy máu chất xám nữa. Điều gì đã thay đổi?
Các chính phủ cấp thành phố và liên bang đã đổ một khoản tiền lớn chưa từng thấy cho con người và trang thiết bị nhằm thúc đẩy đổi mới, phát minh và tạo ra một giới chuyên gia đông đảo. Robert Prichard, người từng là Hiệu trưởng trường Đại học Toronto, đứng đầu một chương trình thành công nhằm mở rộng vai trò của liên bang trong việc hỗ trợ nghiên cứu trong những năm 1990, nhắc lại: "Canada đã trải qua một thời kỳ phục hưng mạnh mẽ trong nghiên cứu và giáo dục đại học. Các trường đại học nghiên cứu ở Canada đã khẳng định được vị trí đứng đầu và trở thành những chiếc nam châm thu hút nhân tài quốc tế".
Cuộc cách mạng về chiến lược mới đã ra đời năm 1997, khi chính phủ liên bang thành lập Quỹ Đổi mới Canada, hoạt động như một cơ quan độc lập nhằm tài trợ cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu khoa học. Các biện pháp khác được áp dụng sau đó, như lập ra các khoản trợ cấp đặc biệt cho các học giả mới nổi hoặc xuất chúng ở Canada và nước ngoài; tạo dựng các hiệp hội nghiên cứu có sinh lời giữa các nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở Canada và nước ngoài. Mới đây nhất là quỹ trị giá 200 triệu USD trong 7 năm nhằm tuyển dụng 20 nhà nghiên cứu quốc gia cấp cao.
Các nỗ lực trên của Chính phủ Canada tỏ ra rất hấp dẫn đối với các nước. Ông Robert M. Berdahl, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Mỹ, nhận định: "Chiến lược đầu tư Canada đã có một tác động ấn tượng. Nó đặt Canada vào thế cạnh tranh quốc tế về nguồn nhân lực - điều mà họ muốn. Những nước mất nguồn nhân tài này đang khá lo lắng"
Nỗ lực tổng thể của Canada diễn ra trong bỗi cảnh suy thoái toàn cầu đang tác động tới các nước khác mạnh hơn ở Canada. Chính việc Anh, Ailen, Mỹ và nhiều nước khác nói tiếng Anh đang gặp nhiều vấn đề đã mở ra một cơ hội lớn cho các trường đại học ở Canada.
Hệ thống giáo dục đại học do nhà nước tài trợ ở Canada khác biệt khá lớn so với các thể chế nghiên cứu ở Mỹ, vốn do cả tư nhân và nhà nước cùng phối hợp. Mô hình của Canada tạo ra sức hấp dẫn, bởi theo ông Berdahl, không hề dễ du nhập ưu điểm này vào hệ thống giáo dục đại học của Mỹ. Trong khi đó, các trường đạihọc Mỹ đang bị "treo" giữa hai đề xuất ngân sách hoàn toàn đối lập: một bên là những người Cộng hòa trong Quốc hội kêu gọi cắt giảm mạnh ngân sách dành cho nghiên cứu, trong khi đề xuất ngân sách năm 2012 của Tổng thống Obama gợi ý tăng tiền cho nghiên cứu và phát triển y sinh học.
Sự khác biệt lớn
Năm 2000, Chính phủ Canada đã tạo ra 2.000 chức vị giáo sư nghiên cứu, mỗi vị trí trị giá 1,5 triệu USD trong 7 năm (và có thể được gia hạn) dành cho các chuyên gia đầu ngành, hoặc 500.000 USD trong 5 năm (được gia hạn một lần) dành cho các nhà nghiên cứu tiềm năng. Trong số 1.845 học giả được trao chức vị này hiện nay, 290 người đến từ Mỹ và các nước khác, 256 người Canada trở về sau khi học ở nước ngoài, và còn lại là những người đang làm việc tại Canada.
Bridget Stutchbury, một nhà vật lý học ở trường Đại học York nổi tiếng là "chuyên gia trinh thám chim" vì công trình tiên phong của bà trong việc theo vết di cư của các loài chim biết hót, đã nhận được một chức giáo sư nghiên cứu Canada trị giá 500.000 USD vào năm 2003 (gia hạn thêm vào năm 2008), đúng vào lúc bà đang được một số trường đại học Mỹ theo đuổi. Bà cho biết nếu không có chính sách thu hút trên, bà chắc chắn đã rời Canada sang Mỹ tiếp tục công việc nghiên cứu của mình.
Bà Stutchbury, đã nhận được một bằng Tiến sĩ Vật lý tại đại học Yale và lấy một người Mỹ, cho biết chức vị giáo sư nghiên cứu "đưa bạn lên một cấp độ nghiên cứu mới và tạo ra cơ hội hoàn toàn khác". Bà đã có thể thuê một số nghiên cứu sinh tiến sĩ và hậu tiến sĩ; được quỹ phát minh chi trả cho một phòng thí nghiệm riêng; và được Hội đồng Nghiên cứu Khoa học tự nhiên và ứng dụng của Canada giúp mua máy định vị tối tân gắn lên những con chim di cư để thu về các dữ liệu cho nghiên cứu có tính tiên liệu về sự sụt giảm của một số loài sinh vật. Ngoài ra, bà cũng kêu gọi các quỹ tư nhân tài trợ từ Mỹ.
Năm ngoái, Canada đã tăng cường nỗ lực với sự ra đời của chương trình Giáo sư nghiên cứu xuất sắc. Chính phủ liên bang cam kết dành 200 triệu USD trong 7 năm để giữ chân 17 nhà nghiên cứu được quốc tế công nhận ở lại làm việc tại Canada, trong 4 lĩnh vực: khoa học môi trường, nguồn lực tự nhiên, sức khỏe và thông tin/liên lạc. Những người được hưởng chương trình này - gồm 8 người Mỹ, 4 người Anh, 6 người châu Âu và 1 người Brazil - đều được nhận 10 triệu USD/người trong vòng 7 năm. Các trường đại học đón nhận họ cam kết tiếp tục hỗ trợ sau khi hết chương trình.
Một trong những người trên là chuyên gia lý sinh người Mỹ Frederick Roth, đã rời trường Y Harvard đến hợp tác với các nhà nghiên cứu y sinh tại đại học Toronto và Bệnh viện Sinai Mount của thành phố này. Ông đem theo một số thành viên nhóm nghiên cứu của mình ở Harvard để thành lập một phòng nghiên cứu tế bào gien gây ung thư và các bệnh khác. Ông cho biết chức vị giáo sư 10 triệu USD "thật khó tin và là một cơ hội rất lớn", mà nếu không có nó thì "khó có thể thúc đẩy nghiên cứu".
Ông Roth đã có đúng một tháng cuối năm 2009 để cân nhắc đề nghị của chương trình. Điều giúp ông đưa ra quyết định là sự hợp tác chặt chẽ mà ông đang có với rất nhiều nhà nghiên cứu mà ông sẽ làm việc tại Toronto. Quan hệ này đã bắt đầu từ năm 2003, khi ông bắt đầu nói chuyện với các nhà nghiên cứu ở Toronto về công trình nghiên cứu gien của họ. Sau này, ông trở thành một thành viên tại Viện nghiên cứu tiên tiến Canada, tại Toronto.
Suy nghĩ chiến lược
Bà Indira V. Samarasekera, Hiệu trưởng trường Đại học Alberta, nhận định: "Thu hút nhân tài đầu ngành là điều mới đối với Canada". Dù trường của bà không nằm trong một thành phố lớn, nhưng cũng nhận được 4/19 chức vị giáo sư nghiên cứu xuất sắc. Bà cho biết: "Trong một thời gian dài những năm 1980 và những năm 1990, Canada đã cạnh tranh với nước ngoài về các nguồn lực đang thiếu. Con số mà nói theo một cách nào đó là khá buồn về những người Canada đoạt giải Nobel và giải cao nhất quốc tế cho thấy chiến lược này không hiệu quả". Trong thập kỷ vừa qua, một người Canada đã được nhận giải Nobel. Ngày nay, chiến lược quốc gia là "nhìn vào các lĩnh vực mà Canada hoàn toàn có thể ở vị trí số 1 thế giới".
Trọng tâm này đã giúp kéo được Adrian Owen, một nhà khoa học về thần kinh từ Đại học Cambridge, tới làm việc tại đại học Tây Ontario. Là một người tiên phong trong việc sử dụng hình ảnh để giao tiếp với bệnh nhân bại não, ông đã chấp nhận một chức vị giáo sư nghiên cứu xuất sắc tại một viện nghiên cứu mà lĩnh vực nghiên cứu về não và trí óc là một ưu tiên chiến lược.
Tây Ontario đã thuê 30 thành viên tài năng về khoa học thần kinh trong thập kỷ qua, và trang bị những máy móc hình ảnh cộng hưởng từ tối tân nhất Canada nhờ các quỹ của chính phủ rót xuống cho tỉnh. Trường Tây Ontario cũng đã giành được 10 chức vị giáo sư nghiên cứu Canada cho chuyên ngành khoa học hình ảnh và thần kinh.
Nhiều trường đại học nhận ra rằng các chức vị giáo sư nghiên cứu tạo ra tác động dây chuyền. Ông Owen mang theo 5 thành viên nhóm nghiên cứu từ Cambridge và các kế hoạch của ông, rồi thuê thêm các nhà nghiên cứu cho phòng thí nghiệm của chính mình ở Trung tâm Não khoa và Trí óc Tây Ontario. Ông cũng dự kiến đào tạo hàng chục nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ hàng năm trong vòng 7 năm tới. Giống như mọi chủ nhân chức vị giáo sư nghiên cứu, ông được sử dụng trang thiết bị thí nghiệm trị giá tới 2 triệu đôla Canada từ Quỹ Đổi mới Canada.
Chiến lược tuyển dụng nhân tài của Canada diễn ra trong bối cảnh suy thoái đang hoành hành các nước khác, như cuộc khủng hoảng ngân sách gần đây ở Anh. Ông V. Lynn Meek, giám đốc Viện quản lý và lãnh đạo giáo dục đại học LH Martin, thuộc Đại học Melbourne (Australia), nhận định: "Canada đang đứng trước bầy sói". Mỹ vì từng có các viện nghiên cứu vừa mạnh vừa uy tín nên sẽ tuyển dụng những người giỏi nhất vào các thể chế của họ. Nhưng ở một nấc thang thấp hơn, Canada cũng đang làm tương đối tốt
Ông tiên đoán cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm giành giật tài năng khoa học sẽ ngày càng gay gắt: "Mỹ tất nhiên sẽ là một người chơi chính. Châu Âu, thông qua các nền tảng nghiên cứu và các chính sách giáo dục đại học, đang vào cuộc. Trung Quốc cũng đang trở thành một người chơi chính. Các hệ thống giáo dục đại học ở các nước tầm trung như Australia và Canada cần phải bắt đầu tìm chỗ đứng cho mình. Canada đang vượt Australia về điểm này".
Bà Irene Tracey, một giáo sư về gây tê tại Khoa điều trị thần kinh thuộc Đại học Oxford, đã tham gia đội ngũ do ông Owen làm trưởng nhóm nghiên cứu tại Tây Ontario. Bà thừa nhận đã bối rối giữa việc Anh quốc mất một số chuyên gia tầm cỡ như bà, nhưng lại hoan nghênh sáng kiến của Canada.
"Nghĩ đến những điều to lớn"
Tuy nhiên, một số lãnh đạo trường đại học ở Canada cảnh báo rằng nước này cần làm tốt hơn để duy trì tính cạnh tranh trong thu hút nhân tài toàn cầu. Ông Amit Chakma, Chủ tịch Western Ontario, nhận định: "Một trong các thách thức của chúng ta là chưa thể tạo dựng được các cụm nghiên cứu".
Tây Ontario hy vọng thay đổi điều này bằng việc xây dựng các đối tác với các viện nghiên cứu khác của Canada cũng mạnh trong lĩnh vực y học hình ảnh, như Trung tâm Khoa học Y tế Sunnybrook, nơi đang liên kết với Đại học Toronto, và bằng việc nhờ đến các mối liên hệ của ông Owen tại Anh và các nước khác.
Các nhà quản lý ở các trường đại học cũng đang kêu gọi chính phủ đầu tư mới vào chương trình giáo sư nghiên cứu, tài trợ nhiều hơn cho những tài năng xuất chúng và tăng tỷ lệ nhà nghiên cứu và học giả là nữ trong các môn khoa học xã hội và nhân loại. Khi hệ thống này hoạt động, đây sẽ là một cách hiệu quả để hỗ trợ các dự án đi tắt đón đầu.
Trong 14 năm tồn tại, Quỹ Đổi mới Canada đã nhận 5,5 tỷ USD từ chính phủ liên bang. Cộng với các quỹ từ các tỉnh và các trường đại học, tổng cộng số tiền đóng góp cho quỹ đã lên tới 12 tỷ. Gilles G. Patry, Chủ tịch Quỹ, cho biết chiến lược "cho phép các viện nghiên cứu nghĩ những cái to lớn về cơ sở hạ tầng nghiên cứu". Đó là trường hợp tại trường Đại học Saskatchewan, nơi đã giành được một chức vị giáo sư nghiên cứu xuất sắc về an ninh nguồn nước cho nhà thủy học hàng đầu nước Anh Howard Wheater. Bên cạnh giải thưởng 10 triệu đôla Canada, tỉnh Saskatchewan và trường đại học cùng tên, thông qua các quỹ tư nhân, đã cam kết giải ngân 30 triệu để thành lập một viện an ninh nguồn nước mới, với 85 vị trí mới.
Hiệu trưởng trường đại học trên, ông Peter MacKinnon cho biết: "Điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể ngay lập tức thành lập một nhóm hàng đầu để nghiên cứu một loạt các vấn đề cơ bản quan trọng. Chúng tôi hy vọng sẽ nằm trong số các nhóm nghiên cứu hàng đầu thế giới về lĩnh vực này".
Những mục tiêu đầy tham vọng như thế từng là điều không tưởng cách đây 20 năm. Ông MacKinnon cho biết: "Không ai có thể nói là Canada mới nổi hay chỉ thành công một phần trong lĩnh vực nghiên cứu trên toàn thế giới. Chúng tôi đã đi từ chỗ không được xếp hạng để trở thành một nước được tham gia vào cuộc đua".
Theo Tuanvietnam.vietnamnet
Các tin khác
|
|
|
|
|
|
|