Tại cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, các ứng cử viên đã trình bày những việc làm trọng tâm khi được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội, đồng thời trả lời những vấn đề các cử tri nêu ra, trong đó tập trung phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, y tế, giáo dục và đào tạo, vấn đề Trường Sa, Hoàng Sa... Dự kiến chương trình hành động của các ứng cử viên khá xác thực với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh tại địa phương và đa số ý kiến cử tri mong muốn, khi trúng cử vào đại biểu Quốc hội, các đồng chí cần thực hiện đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất về chương trình hành động của mình và quan trọng hơn hết là lời nói phải đi đôi với việc làm.
Các ứng cử viên đều khẳng định, nếu được cử tri tín nhiệm, sẽ phấn đấu hoàn thành tốt vai trò là cầu nối giữa nhân dân với Quốc hội; thường xuyên giữ mối liên hệ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để phản ánh trên diễn đàn Quốc hội, kiên quyết đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đoàn kết, phấn đấu một lòng vì sự phát triển của quê hương…Đồng thời, phấn đấu với muc tiêu xuyên suốt là sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 2 gồm: ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên TƯ.Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh; ông Phan Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Ủy viên UBMTTQVN tỉnh; bà Lâm Thị Hồng Liên, Thành ủy viên, Bí thư Đảng bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học Huế; ông Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội), Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.