"Chỉ cần một cú phôn là biết cán bộ phường sai hay đúng", đó là cách mà ông Phạm Văn Ngọc - Giám đốc ActionAid Việt Nam giải thích về cách thức hoạt động của Cổng thông tin thủ tục hành chính qua điện thoại - một dự án mà tổ chức phi chính phủ này và Bộ Nội vụ vừa triển khai.
* Ông có thể cho biết mục đích của việc thành lập cổng thông tin thủ tục hành chính qua số điện thoại 19001715?
Trước đây tại một số trung tâm xã ở tỉnh Điện Biên, thông qua hệ thống máy vi tính, chúng tôi đã thử nghiệm cung cấp thông tin liên quan đến cải cách hành chính công, quy trình sản xuất, công nghệ kỹ thuật mới,... cho người dân. Mặc dù rất được hoan nghênh nhưng sau một thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy chỉ có những công dân có trình độ nhất định mới có thể tiếp cận được, trong khi những đối tượng khác mà chúng tôi muốn phục vụ thì họ lại không tiếp cận được vì không biết chữ hoặc không biết tiếng phổ thông.
Chúng ta có nhiều chính sách ưu việt nhưng khi triển khai lại gặp nhiều khó khăn và không đến được những đối tượng mà chính sách hướng tới. Nút thắt của vấn đề là cán bộ cơ sở còn thiếu, yếu và thiếu cả những quy trình rõ ràng khiến có những quy định làm cũng được mà không làm cũng không sao, khiến cho chính cán bộ cũng không nắm vững để thực hiện.
Chính từ thực tế này chúng tôi quyết định xây dựng cổng thông tin qua hệ thống điện thoại để cung cấp cho người dân những thông tin thiết thực nhất về thủ tục hành chính. Đây là những thông tin do Bộ Nội vụ cập nhật và cung cấp bao gồm các thủ tục hành chính có hiệu lực pháp luật trên toàn quốc. Đây có thể được coi là kênh tham chiếu chính thức 24/24 cho cả người dân và cán bộ giải quyết thủ tục hành chính ở cơ sở. Cổng thông tin này sẽ góp phần minh bạch hóa thủ tục hành chính. Ví dụ tại UBND phường, nếu người dân cho rằng cán bộ giải quyết sai quy định thì có thể gọi số 19001715 để phân định.
* Qua thời gian thử nghiệm hơn 6 tháng, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của cổng thông tin?
Hiện tại ở 4 tỉnh thuộc vùng dự án của ActionAid (Hà Tĩnh, Điện Biên, Hòa Bình, Đắk Lắk) chúng tôi đã triển khai lắp đặt điện thoại và miễn cước phí sử dụng cho người dân.
Thực tế là người dân còn phải mất rất nhiều thời gian để hiểu hệ thống này. Bản thân các cán bộ địa phương cũng rất hưởng ứng. Tuy nhiên theo tôi cũng phải mất vài ba năm nữa để hệ thống này được khai thác triệt để.
Hiện tại cổng 19001715, do Tổ chức ActionAid Việt Nam, Bộ Nội vụ và Tập đoàn Markcom xây dựng, cung cấp thông tin về 80 loại thủ tục hành chính cấp xã, phường bao gồm: các thủ tục liên quan đến hộ tịch, hộ khẩu; chứng thực hợp đồng, văn bản về bất động sản; thủ tục, quy định về đất đai, xây dựng nhà ở; vay vốn tín dụng; chính sách xã hội và các thủ tục hành chính liên quan đến các đối tượng là thương binh, liệt sĩ, người có công với nước... được cung cấp bằng các ngôn ngữ: Kinh, Thái, Mông và sẽ được mở rộng ra các ngôn ngữ khác như Tày, Nùng, Êđê... trong thời gian tới. Cước phí 500 đ/phút.
* Ông có thể cung cấp thêm thông tin về cơ chế hai chiều của cổng thông tin này?
Ngoài việc chuyển tải thông tin về thủ tục hành chính đến người dân, cổng còn cho phép người dân gửi phản ánh của mình về thủ tục hành chính bằng cách nói trực tiếp qua điện thoại, ví dụ: "Tôi tên là X, tôi đi giải quyết thủ tục đăng ký khai sinh nhưng cán bộ phường đã thu phí 200.000 đồng...". Nguồn thông tin phản hồi này sẽ được hệ thống máy chủ ghi lại và Ban quản lý dự án sẽ tổng hợp và phân loại để chuyển cho Bộ Nội vụ. Qua đó, Bộ Nội vụ sẽ nắm rõ hiện trạng giải quyết thủ tục trên toàn quốc ra sao, ở đâu đang có vấn đề gì để có giải pháp can thiệp phù hợp, đúng trình tự pháp luật. Đây là một cách giúp người dân tham gia chủ động và tích cực vào tiến trình cải cách hành chính công. Hệ thống này không hướng tới việc phát hiện tiêu cực nhưng theo tôi nó sẽ có tác dụng gián tiếp với vấn đề này qua các thông tin phản hồi từ phía người dân.
T.Sơn thực hiện