Thực tiễn đặt ra những yêu cầu mới
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 70/QĐ/TTg ngày 29/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 7 năm thực hiện, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền địa phương, ban, ngành có bước chuyển biến trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và lồng ghép các mục tiêu phát triển thanh niên vào các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và lĩnh vực ngành phụ trách.
Tuy nhiên, cũng có một số chỉ tiêu trong Chiến lược đến nay vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn, nhiều chỉ tiêu đề ra nhưng không thành hiện thực vì thiếu thực tiễn và xa thực tế.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa xác định được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tạo cơ chế, chính sách phát triển thanh niên với 6 mục tiêu Chiến lược đặt ra. Cá biệt vẫn còn có cấp ủy và chính quyền địa phương cho rằng công tác thanh niên là của tổ chức Đoàn Thanh niên, do vậy chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò xung kích của thanh niên, nên việc triển khai còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và các cấp bộ Đoàn chưa được quy định chặt chẽ, chưa rõ trách nhiệm, vì vậy việc lồng ghép các chỉ tiêu chiến lược phát triển thanh niên trong chương trình, mục tiêu của ngành, lĩnh vực và trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương còn lúng túng và bị động.
Một số vấn đề bức xúc của thanh niên chậm được quan tâm giải quyết như tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tỉ lệ thanh niên mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật còn chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng gia tăng; việc đầu tư cơ sở vật chất, các điều kiện hoạt động cho thanh niên còn hạn chế, chính sách cho thanh niên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và tình hình phát triển kinh tế hiện nay.
Điều đó đặt ra những vấn đề cấp thiết trong việc giáo dục lý tưởng, đào tạo, bồi dưỡng thanh niên việc giáo dục lý tưởng, đào tạo, bồi dưỡng tổ chức thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới.
Chủ động lằng nghe nguyện vọng của thanh niên
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần tập trung làm tốt một số việc sau.
Trước hết cần chủ động lắng nghe và nắm bắt về xu hướng, thói quen đang thay đổi rất nhanh của thanh niên hiện nay, đó là việc tiếp nhận thông tin, giao tiếp và sử dụng internet, điện thoại di động của thanh niên ngày càng tăng cao. Từ thực tiễn đó Đoàn TNCS HCM cần xây dựng những phong trào mới hiệu quả và phù hợp hơn với thực tế của môi trường thanh niên hiện nay.
Bên cạnh đó, thanh niên Việt Nam cần bồi dưỡng và tăng cường khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhất tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Phó Thủ tướng đã đặt ra 5 yêu cầu đối với thanh niên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: Có sức khỏe; có lòng yêu nước và ý chí vươn lên; có văn hóa và khả năng hội nhập; có nghề nghiệp ổn định để kiếm sống; có hạnh phúc của riêng mình. Bên cạnh đó, thanh niên cần thực hiện “4 phát huy”: phát huy ở cấp cơ sở, cấp địa phương, cấp bộ ngành và ở cấp quốc gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng các cơ sở vui chơi cho thanh thiếu niên; tăng cường sự gắn kết và giao lưu giữa Chính phủ với giới trẻ cả nước...
Phó Thủ tướng đề nghị công bố bộ chỉ số phát triển của thanh niên, đồng thời hàng năm phải có sơ kết về công tác thanh niên, báo cáo Chính phủ.
Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến 2010 hướng tới 6 mục tiêu: Nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng phẩm chất tốt đẹp và đạo đức cách mạng cho thanh niên; Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp, năng lực khoa học công nghệ cho thanh niên, xây dựng phong cách làm việc văn minh khoa học; nhanh chóng hình thành một lớp thanh niên ưu tú tiêu biểu cho thế hệ trẻ; Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên, nâng cao thu nhập cho thanh niên; Nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hoá và ý thức tuân thủ pháp luật, đẩy lùi tệ nạn xã hội, tình trạng phạm pháp trong thanh niên; Nâng cao năng lực giao lưu hợp tác quốc tế của thanh niên, nâng cao vị thế của thanh niên Việt Nam trong hoạt động giao lưu quốc tế, góp phần bảo vệ, củng cố hoà bình, tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết với thanh niên các nước.
|
HMT- theo chinhphu.vn