Chuyển giao mạnh
Nhận định CCHC là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh đến yêu cầu cơ cấu tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương gọn nhẹ, hợp lý. Song song với đó, cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước.
"Những gì các cơ quan nhà nước làm không có hiệu quả hoặc không cần làm thì chuyển giao mạnh cho các tổ chức xã hội, như vậy mới thực sự tinh giản bộ máy công chức”, ông Dĩnh nói. Thực tế, ở các cấp cơ sở lại tăng số lượng công chức vì tăng nhiệm vụ.
Tuy không đại diện nào từ các quận, huyện cũng như phường, xã Hà Nội phàn nàn về chế độ tiền lương khi nhìn lại 10 năm thực hiện CCHC, nhưng Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói, chế độ chính sách cũng là một vấn đề hết sức khó khăn.
"Chúng ta cần có một cái nhìn thực sự cách mạng" về vấn đề tiền lương", ông Dĩnh chỉ ra. Ông phân tích, thực ra đội ngũ cán bộ, công chức chỉ khoảng 530.000 người nhưng tăng lương lại tăng cho 6,2 triệu người, gồm 1,6 triệu người thuộc diện chính sách, 1,4 triệu hưu trí, 1,6 triệu viên chức, chưa kể lực lượng vũ trang, "con số lên đến mấy trăm nghìn tỷ đồng".
"Có lẽ phải phân loại và tập trung đối tượng như thế nào đó, mạnh dạn hơn, để việc tăng lương có thể đảm bảo đời sống cho công chức", ông Dĩnh nói.
Nhấn mạnh nhiệm vụ cải cách thế chế, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định chính vì chưa thống nhất về nhận thức mà nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa khắc phục được tính cục bộ của các bộ, ngành khi xây dựng luật, dẫn đến luật này luật kia "đá nhau".
Cán bộ, công chức chính là những người xây dựng các văn bản này, là người sinh ra các thủ tục, nếu không mạnh, quyết tâm, vẫn còn tâm lý "giữ thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân" thì rất khó, vì vậy "cán bộ, công chức phải vượt qua chính mình".
Minh Phương (Nguồn: VietNamnet)