Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.140.434
Truy cập hiện tại 942 khách
“Cửa ải” hành chính
Ngày cập nhật 08/12/2010

Đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về những chuyển biến đáng ghi nhận qua mười năm cải cách thủ tục hành chính, song các đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ sự chưa hài lòng về sự tiến bộ cũng như chất lượng cải cách thủ tục. Đa số các ý kiến nhận định rằng, vẫn còn khá nhiều “lỗ hổng” trong thực thi cải cách thủ tục hành chính và khẳng định để bịt những “lỗ hổng” này phải đột phá về con người. Bởi con người là “cửa chính” nếu không đột phá vào đây thì dù bãi bỏ, cắt giảm bao nhiêu thì người dân, doanh nghiệp cũng không bao giờ hết khổ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu trước báo giới đã nhấn mạnh, có bốn lĩnh vực “nhạy cảm” nhất về thủ tục hành chính: đất đai; nhà ở-xây nhà ở; thuế; hải quan. Đây chính là bốn “cửa ải” hành chính cần “công phá” mạnh mẽ để “chiến dịch” cải cách hành chính của Chính phủ thực sự mang lại lợi ích thiết thực nhất đến từng doanh nghiệp, từng người dân. Khiếu kiện về đất đai luôn là “điểm nóng” nhất, chiếm số lượng lớn nhất.

Một đại biểu Quốc hội dẫn ra con số mà Ngân hàng Thế giới mới công bố về chỉ số xếp hạng môi trường, kinh doanh, Việt Nam đứng thứ 78, tức là đã vượt lên 10 bậc so với năm 2001 nhờ triển khai thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo đại biểu này, liệu cải cách hành chính có làm chuyển biến căn bản thái độ của các cơ quan nhà nước đối với người dân không? Vị đại biểu thẳng thắn nói: “Nhìn từ góc độ “đầy tớ” của nhân dân thì chưa được. Người dân vẫn cảm thấy sợ khi đến các cơ quan nhà nước. Họ thường phải đi lại nhiều lần, lần nào cũng phải chờ đợi”.

Cũng theo đại biểu này, khi phải chờ đợi nhiều thì việc “bôi trơn”, dù không ai nói ra nhưng có lẽ ai cũng phải biết. Người dân sẵn sàng lo lót coi như là một thủ tục hành chính bất thành văn. Các cơ quan hành chính không biết đến bao giờ mới đoạn tuyệt được tư tưởng “hành” là “chính”. Con đường dẫn đến sự tận tụy của các “đầy tớ” nhân dân còn rất dài và rất xa. Một đại biểu TP.HCM đưa ra “công thức” hành chính ở nước ta tóm tắt bằng 3 không và 3 khó: không cười, không nói, không giải thích và cửa khó vào, người khó gặp, mặt khó coi. Qua những ý kiến này, quả thật người dân cũng thấy “mát lòng, mát dạ” phần nào bởi các đại biểu của dân đã thấu hiểu, chia sẻ những bức xúc chất chứa bấy lâu nay của mình.

Nhất là một khi đại biểu TP Hà Nội đưa ra nhận định rằng, dù có nhiều tiến bộ, song cải cách thủ tục hành chính vẫn đẩy những việc chưa làm được về phía người dân. “Chúng ta từng bước thực hiện một cửa, nhưng đồng thời cũng mở ra nhiều cửa khác. Một bộ phận vẫn cửa quyền, sách nhiễu, các cấp chính quyền đều nhận ra và đã có những giải pháp nhưng chưa đủ mạnh, nên như chúng ta đã thấy là vẫn còn những tiếng kêu ca”, đại biểu Hà Nội bày tỏ bức xúc.

Nhìn lại mười năm cải cách thủ tục hành chính, mặc dù Quốc hội dành trọn một ngày làm việc đầy trách nhiệm, tâm huyết và thẳng thắn, song dường như thời gian vẫn chưa đủ. Khá nhiều ý kiến “mổ xẻ” tìm nguyên nhân cản trở công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đó là nhiều cơ quan nhà nước, cả ở địa phương và Trung ương dường như vẫn nặng về “bảo vệ an toàn” cho mình hơn là tạo thuận lợi cho dân.

Trong bốn “cửa ải” cần đột phá mạnh mẽ, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí “cửa ải” con người là khó đột phá nhất. Trước hết phải chuyên nghiệp hóa bộ máy hành chính, tách biệt cán bộ chính trị và cán bộ hành chính. Sau đó là bố trí sử dụng con người, cuối cùng mới là vấn đề tiền lương.

Tuyết Hạnh. Theo anninhthudo.vn

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày