Phó Thủ tướng nói: Trong các năm qua, khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của quốc gia, các bộ hay địa phương thường tập trung lo làm thế nào để có đủ vốn phát triển, quy hoạch sử dụng đất. Hai câu hỏi là vốn và đất ở đâu đã được đặt ra. Nhưng câu hỏi thứ ba là người ở đâu thì chưa được đặt ra đúng mức. Dẫn đến, đào tạo nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu.
Đặt hàng ngành GD-ĐT
Phải chăng chúng ta thường coi đây là trách nhiệm của ngành giáo dục và dạy nghề nên các bộ, ngành khác chưa chủ động tham gia làm quy hoạch nhân lực, thưa ông?
Đúng là một thời gian dài chúng ta coi việc chuẩn bị nhân lực như là trách nhiệm của hệ thống giáo dục và dạy nghề. Nhưng khi phân tích kỹ thì chưa hẳn như vậy. Bởi khi nói đến việc đáp ứng nhu cầu lao động, thì phải xác định ngay là ai sử dụng lao động. Đó là các doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động.
Bây giờ mỗi địa phương phải trả lời câu hỏi, nếu đặt kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội như vậy thì cần bao nhiêu nhân lực, trình độ gì. Điều này ngành giáo dục và dạy nghề không trả lời được, bởi họ không phải là đơn vị sử dụng lao động.
Lâu nay cơ quan sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước đại diện cho nhu cầu này chưa tham gia một cách đúng mức. Do vậy, không làm rõ được tổng cầu bao nhiêu. Thị trường là có cung và cầu, thì ngành giáo dục và dạy nghề chỉ làm phần cung.
Như vậy là phải thay đổi cách làm quy hoạch nguồn nhân lực?
Việc xác định nhu cầu nhân lực là nhiệm vụ của các bộ quản lý ngành chứ không phải Bộ GD&ĐT. Bộ GT&VT cần trả lời ngành giao thông phát triển thì cần bao nhiêu nhân lực, ngành nông nghiệp, y tế… cũng như vậy. Đây là lần đầu tiên các bộ quản lý ngành nghiên cứu, dự báo và đặt ra kế hoạch nguồn nhân lực cho mình. Từ đó có đầu bài cho ngành giáo dục và dạy nghề.
Ngoài ra, tại các địa phương, cơ quan chủ trì giúp UBND các tỉnh trong việc xác định nguồn nhân lực là Sở KH&ĐT chứ không phải Sở GD&ĐT. Sở này lo kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội nên phải đảm bảo cân đối nguồn nhân lực.
Chính phủ cũng xác định Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực lập quy hoạch ngành, và làm luôn dự báo nguồn nhân lực. Đây là một thay đổi rất quan trọng. Thay đổi cả nhận thức và phương pháp làm.
Đến nay hơn 10 bộ đã trình bày phiên bản một kế hoạch nguồn nhân lực của ngành mình. Thường trực Chính phủ và ba bộ KH&ĐT, GD&ĐT, LĐ,TB&XH đã góp ý lần thứ nhất. Đầu tháng 12-2010 sẽ tổng kết lại. Kế hoạch nguồn nhân lực của các tỉnh thì đã được góp ý lần một, trên cơ sở đó các tỉnh hoàn thiện tiếp. Dự kiến ngày 4-12 này, sẽ góp ý cho 12 tỉnh ĐBSCL và lần lượt các tỉnh khác.
Bao nhiêu trường ĐH là vừa?
Khi xác định rõ tổng cầu thì chúng ta cũng phải điều chỉnh nguồn cung nhân lực, thưa ông?
Đúng vậy! Qua lần này sẽ nắm chắc nhu cầu. Mỗi địa phương biết được cần bao nhiêu nhân lực, trình độ, ngành nghề gì. Từ đây, sẽ sắp xếp lại mạng lưới quy hoạch các trường.
Làm rõ Tây Nguyên cần mấy trường đại học, đồng bằng sông Hồng cần những ngành nghề gì. Bước này rất quan trọng bởi lâu nay chúng ta làm quy hoạch trường nhưng dự báo chưa sát với nhu cầu. Lần này chính các bộ, ngành và địa phương nói tôi cần bao nhiêu trường.
Ngân sách nhà nước mỗi năm dành 20% cho GD&ĐT, tỷ lệ này không tăng thêm được. Do vậy, chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”, xác định cần bao nhiêu trường đại học là vừa, cái nào là ngân sách T.Ư, cái nào là xã hội hóa…
Dự kiến, ở cấp quốc gia sẽ có ban chỉ đạo triển khai quy hoạch nhân lực. Ở địa phương, chủ tịch tỉnh là “tư lệnh” triển khai quy hoạch nhân lực ở địa bàn, còn các bộ trưởng quản lý ngành sẽ giám sát việc thực hiện quy hoạch nhân lực.
Chọn nghề rồi mới chọn trường
Thưa Phó Thủ tướng, vấn đề quy hoạch đã có nhưng việc giám sát thực hiện đúng quy hoạch và chất lượng quy hoạch còn quan trọng hơn?
Muốn làm quy hoạch nguồn nhân lực tốt thì người có nhu cầu về nhân lực phải tham gia, cụ thể là các doanh nghiệp. Mới đây, đã có những hợp đồng đầu tiên giữa các doanh nghiệp và nhà trường. Tuy nhiên, chỉ là đơn lẻ, tiến tới phải là các hội doanh nghiệp, ngành nghề đặt hàng nhân lực để điều chỉnh chương trình học của từng ngành. Đáng ra các doanh nghiệp phải nhận sinh viên thực tập. Thậm chí ở nhiều nước như Đức còn quy định rõ trong luật về việc này.
Vậy chúng ta có tính đến luật hóa nghĩa vụ nhận sinh viên thực tập của doanh nghiệp không, thưa ông?
Hiện đã từng bước thí điểm và xây dựng quy chế về việc này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tham gia việc ra đầu bài, hướng dẫn tốt nghiệp cho sinh viên. Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và nhất là người học phải cùng bắt tay theo hướng “4 nhà” thì mới giải được bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực.
Cám ơn ông.
HMT-theo tienphong.vn