Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với đánh giá của Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách hành chính, đồng thời thừa nhận còn nhiều sách nhiễu, phiền hà trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Ông Phúc cho biết Chính phủ đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp, trong đó có việc rà soát hơn 5.000 thủ tục hành chính ở các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ cũng đã đổi mới quy trình ban hành văn bản pháp luật, từng bước nâng cao chất lượng thể chế.
"Về phía các bộ ngành, địa phương, tôi đề nghị bố trí cán bộ có năng lực trong việc tiếp xúc giải quyết công việc với dân. Nếu cán bộ nhũng nhiễu thì kịp thời thay thế ngay", ông Phúc nói và đề nghị Quốc hội, đại biểu tăng cường giám sát việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính.
Nhận được nhiều phàn nàn về thủ tục đất đai, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã lên tiếng giải thích. Ông cho biết Bộ đã thành lập 5 đoàn đi tổng kết việc thực hiện luật đất đai tại địa phương và đã xây dựng dự thảo đề cương luật sửa đổi, dành trọn một chương về thủ tục hành chính. Các chương khác đều lấy đổi mới cải cách hành chính làm một mục tiêu.
Về những phức tạp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, ông Nguyên cho biết trong khi chờ luật mới, Bộ đã rà soát, có tất cả 85 thủ tục hành chính (cấp tỉnh 41, cấp huyện 33, cấp xã 5, còn lại là khu công nghệ cao) và bước đầu thay thế 66 thủ tục bằng 54 thủ tục mới, giảm 52% chi phí cho người dân.
Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đã rút ngắn thời gian giao đất, cấp sổ đỏ bằng Nghị định 69. "Trước một dự án giao đất cần tới 11 bước, mất 4-6 năm, nhưng nay rút ngắn được 1/3-1/2 thời gian. Có địa phương giao đất chỉ trong một năm, được nhà đầu tư rất hoan nghênh", ông nói.
Riêng về việc đăng ký, xóa đăng ký thế chấp bằng quyền sử đất cùng với việc công chứng các hợp đồng này, theo Ủy ban Thường vụ là không phù hợp với thực tế, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyên bảo lưu quy định này. "Nếu bỏ người dân mang nhà thế chấp nhiều lần, nhà nước không thể kiểm soát được. Hiện giấy chứng quyền sử dụng đất đang có tình trạng gian dối diện tích, thời hạn sử dụng", ông Nguyên nêu lý do.
Cũng như nhiều đại biểu, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng cần thiết phải ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính. "Việc ứng dụng công nghệ sẽ đảm bảo 3 nhất, đó là nhanh nhất, giải quyết được nhiều nhất và ít tiêu cực nhất. Tôi cảm tưởng khi nào dân và cán bộ không cần gặp nhau thì không có tiêu cực", ông Hợp nói.
Bộ trưởng Hợp cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ứng dụng công nghệ thông tin, hiện có 90% công chức ở trung ương, 78% ở cấp tỉnh, 40% cấp huyện và 20% ở cấp xã đã sử dụng máy tính trong việc giải quyêt thủ tục hành chính của dân, 20/22 bộ ngành có cổng thông tin điện tử. Chính phủ đặt mục tiêu hết năm 2010 sẽ thực hiện giao ban trực tuyến tới các quận, huyện và sau đó sẽ tới xã.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong cơ quan quản lý nhà nước còn quy mô nhỏ. Ứng dụng để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp còn ít, phần lớn người dân chỉ được cung cấp thông tin qua các cổng thông tin điện tử, chứ chưa được nộp hồ sơ qua mạng.
Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chuyên đề giám sát cải cách thủ tục hành chính.
Tú Anh – Theo Vnexpess.net