Có ĐB thậm chí còn đưa ra cảnh báo rằng thay đổi cách trả lương như nói trên khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các vấn đề liên quan sẽ gây “chấn động lớn”.
Xem lại định nghĩa
Theo ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội), nếu thay đổi cách trả lương theo vị trí việc làm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, tâm tư, tình cảm của một bộ phận không nhỏ đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta hiện nay. Bởi theo ĐB này, mặc dù dự kiến Luật Viên chức có hiệu lực thi hành từ 1.1.2012, nhưng trong thời gian 1 năm rất khó có thể chuyển đổi tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn sang đơn vị công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn để trả lương theo vị trí việc làm cho viên chức. Vì vậy, ĐB này đề nghị “QH cân nhắc kỹ lưỡng trước khi biểu quyết thông qua luật này”.
ĐB Vi Thị Hương (Điện Biên) cũng không giấu được băn khoăn trước việc dự luật quy định giao cho cơ quan quản lý viên chức hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp viên chức xác định hoặc xét nâng hạng, chức danh nghề nghiệp cho viên chức. Bà Hương đặt vấn đề: Quy định như thế liệu có đảm bảo việc xếp hạng chức danh nghề nghiệp này được xã hội thừa nhận hay không và có phù hợp trong việc quy đổi ngạch, bậc tương đương khi viên chức chuyển sang làm công chức? “Hạng, chức danh nghề nghiệp thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp, do vậy cần có cơ chế xác định thích hợp để bảo đảm mặt bằng chung đối với những người hoạt động trong lĩnh vực đó”, ĐB này đề nghị.
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề: “Tôi đề nghị xem lại định nghĩa về viên chức là định nghĩa theo chức danh, nghề nghiệp nhưng trả lương lại trả theo hệ thống việc làm thì như thế nào, hệ thống việc làm này cũng chưa được làm rõ. Dự luật mới chỉ nêu một vài ví dụ ở ngành y thôi nhưng theo tôi ví dụ đó không chính xác. Ví dụ: giám đốc bệnh viện thì làm sao có thể gọi là viên chức được nữa mà phải gọi là cán bộ”. Ông Thuyết đề nghị phải tính toán lại để tránh việc chưa nghiên cứu kỹ vấn đề này đã quy định vào luật, để sau đó lại phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn. “Kiểu vừa chạy vừa xếp hàng như thế này theo tôi rất nguy hiểm. Nếu bây giờ chuyển lương từ hệ thống chức danh nghề nghiệp sang vị trí việc làm sẽ gây chấn động rất lớn trong các cơ quan và các đơn vị sự nghiệp hiện nay”, ĐB Thuyết cảnh báo.
Đề nghị giữ nguyên biên chế cho 1,6 triệu viên chức
Không ít ĐBQH đã dẫn ví dụ về GS Ngô Bảo Châu khi bày tỏ ý kiến không đồng tình với quy định của dự thảo Luật về việc công dân VN định cư ở nước ngoài không được tuyển dụng vào viên chức công.
“Thực tế chúng ta đã sửa đổi Luật Quốc tịch với mục đích thu hút những người có tài năng, những người VN có tâm huyết ở nước ngoài về tham gia đóng góp, tham gia ở những lĩnh vực mà đất nước đang cần. Vì thế chúng ta cần có những quy định và tạo điều kiện cho Chính phủ xem xét ở những trường hợp cụ thể”, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Phước) bày tỏ quan điểm. ĐB Mạnh dẫn trường hợp chúng ta đang dự định mời GS Ngô Bảo Châu về làm viện trưởng viện toán học trong tương lai và cho rằng “nếu muốn mời người giỏi về làm việc, không phải bằng hợp đồng vụ việc mà phải gắn bó với tên tuổi, vị trí và trách nhiệm, tạo cho người được mời động lực để có thể quảng bá và phát triển đơn vị sự nghiệp công lập ấy. Nhưng nếu bó hẹp quy định tuyển dụng viên chức như thế này sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nhân tài về nước làm việc”.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng đồng tình phương án để Chính phủ quy định thêm các điều kiện và từng ngành nghề, lĩnh vực tuyển dụng công dân VN định cư ở nước ngoài làm viên chức.
Điều 60 của dự luật Viên chức quy định việc ký lại hợp đồng không xác định thời hạn với các đối tượng viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2003. Thế nhưng, đa số các ĐBQH phát biểu cho rằng việc ký lại hợp đồng với đối tượng viên chức này là “không cần thiết vì không làm thay đổi vị trí công tác cũng như không thể loại bớt đội ngũ viên chức này”. Theo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), nên giữ nguyên biên chế cho khoảng 1,6 triệu viên chức hiện nay.
HMT-Theo thanhnien.com.vn