Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.151.967
Truy cập hiện tại 1.372 khách
Hội thảo “Dân chủ cơ sở trong mối quan hệ với đề cao trách nhiệm người đứng đầu”
Ngày cập nhật 09/08/2010

Vừa qua, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ phối hợp với Viện Konrad-Adenauer Stiftung (KAS), Cộng hoà Liên bang Đức tổ chức Hội thảo “Dân chủ cơ sở trong mối quan hệ với đề cao trách nhiệm người đứng đầu” (Hội thảo). Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Hành chính, Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ và một số nhà nghiên cứu khoa học.
Các đại biểu dự Hội thảo đã nghe trình bày và trao đổi, thảo luận xung quanh các nội dung: Dân chủ cơ sở và quy chế thực hiện dân chủ cơ sở hiện nay; Nhận thức và thực tiễn thực hiện dân chủ cơ sở ở nước ta; Phương hướng và một số giải pháp đưa dân chủ cơ sở vào cuộc sống; Mối quan hệ giữa dân chủ với việc đề cao thẩm quyền của người đứng đầu đơn vị; Nguyên nhân hạn chế kết quả thực hiện dân chủ cơ sở,...

Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo (Hội đồng lý luận Trung ương), dân chủ không chỉ là thể chế chính trị, là hình thức tổ chức quyền lực nhà nước mà còn là một giá trị xã hội, nằm ở trung tâm hệ giá trị của phát triển, từ phát triển cá nhân đến phát triển cộng đồng. Dân chủ gắn liền với tự do, công bằng và bình đẳng xã hội. Dân chủ, về thực chất là quyền làm chủ của mọi người dân trong quan hệ với nhà nước và xã hội, quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Việc thực hiện đầy đủ những quyền cơ bản, tự nhiên của con người, của công dân chính là thực hiện dân chủ…

Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở hiện vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, cần phải giải quyết như: một số địa phương triển khai chậm, hình thức; cấp trực tiếp thiếu chỉ đạo, hướng dẫn cho từng cơ sở ; thực hiện quy chế dân chủ gắn với cải cách thủ tục hành chính chậm, thiếu đồng bộ. Đi tìm nguyên nhân của những bất cập trên, theo Ths. Tạ Ngọc Hải (Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ) là do chưa thống nhất trong nhận thức, chất lượng văn bản thấp, hiệu lực pháp lý văn bản chưa cao, cơ chế thực hiện kém hiệu quả,…
Về phương hướng thực hiện quy chế dân chủ, theo TS. Thang Văn Phúc (Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ), cần tiếp tục cụ thể hoá quyền dân chủ gián tiếp và quyền trực tiếp của dân được ghi nhận trong Hiến pháp và các quy định pháp luật; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đề cao vai trò trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ, đảng viên từ cơ sở, từng bước chuyên nghiệp hoá chính quyền cơ sở, đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận  Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên, khắc phục bệnh quan liêu hành chính…

Các tin khác
Xem tin theo ngày