Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng về thực hiện Đề án 30 - đã trả lời Báo Lao động về tầm quan trọng của vấn đề này.
* Thưa Bộ trưởng, từ khi lập nước, đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành thống kê các thủ tục hành chính để cắt giảm và đơn giản hoá các thủ tục này với mục đích tiến tới cải cách nền hành chính. Vậy xuất phát từ lý do nào chúng ta thực hiện việc này?
Nền hành chính bao gồm cả thể chế, cả bộ máy, cả nhà nước công vụ, dịch vụ công, nói cải cách hành chính là cải cách rất nhiều thứ đó. Nhưng khâu mà người dân, doanh nghiệp bức xúc nhất trong giai đoạn hiện nay là có nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động của mình, cho nên Thủ tướng Chính phủ quyết định triển khai Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính (gọi tắt là Đề án 30) và kết thúc trong năm 2010.
Theo tính toán của các chuyên gia thì việc đơn giản hoá thủ tục hành chính sẽ giảm số lượng các thủ tục hành chính phải tuân theo, vì thế nó làm cho môi trường đầu tư được thuận lợi hơn, thông thoáng hơn, đồng thời giảm rất nhiều chi phí xã hội và làm cho năng suất lao động lớn hơn. Tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội của mình.
Việc công bố công khai và đơn giản hoá thủ tục hành chính còn tạo sự công khai minh bạch và chống tham ô tham nhũng trong bộ máy cán bộ, công chức hành chính nhà nước. Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính này chính là để xây dựng một nền hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, một nền hành chính làm công bộc cho người dân và doanh nghiệp mà Đảng, Nhà nước ta đang dày công xây dựng.
Việc đơn giản hoá thủ tục hành chính sẽ làm giảm chi phí xã hội hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, ngoài ra nó có thể giúp tăng trưởng GDP hằng năm lên thêm 0,6%. Vì vậy, Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu các địa phương, bộ, ngành phải thực hiện nghiêm túc chủ trương này và coi đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.
* Tuy nhiên, hình như vẫn có những địa phương, bộ, ngành nhận thức chưa đúng về việc này và thực hiện chưa nghiêm túc?
Thời gian đầu triển khai, do chưa nhận thức hết ý nghĩa hoặc chưa biết cách làm nên cũng có một số địa phương, bộ, ngành còn chậm trễ. Nhưng đến nay, hầu hết các địa phương đã thực hiện nghiêm túc. Đã có một số địa phương, bộ, ngành đã tích cực, chủ động đưa ra các phương án cắt, giảm các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Nổi bật trong số này là Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đặc biệt, Bộ Tài chính là đơn vị có khối lượng thủ tục hành chính được rà soát trong đợt này nhiều nhất, chiếm tổng số 1/3 tổng số thủ tục hành chính được rà soát.
Bộ Tài chính cũng là ngành có chất lượng rà soát tốt nhất. Riêng đối với ngành tài chính, đề xuất đơn giản hoá nếu được chấp thuận có thể giúp cắt giảm 2.100 tỉ đồng mỗi năm. Hoặc như Quảng Ninh cũng là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc hoàn thành giai đoạn 2 của đề án và đã tạo sức cạnh tranh vô cùng lớn về đầu tư vào địa phương.
* Theo Bộ trưởng, các đơn vị trực tiếp tham gia rà soát TTHC cần phải triển khai những biện pháp căn bản gì để đạt chỉ tiêu và chất lượng rà soát như yêu cầu đề ra?
Mục tiêu đối với các bộ, ngành từ nay đến cuối tháng 3 là hoàn thiện các phương án rà soát TTHC đối với các thủ tục còn lại, tiến hành tính toán chi phí tuân thủ TTHC để bảo đảm chỉ tiêu cắt giảm 30% chi phí tuân thủ TTHC đối với từng bộ, ngành.
Các phương án đề xuất cần tuân thủ nguyên tắc: Cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm được mục tiêu quản lý của Nhà nước. Hiện Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính đã tổ chức 14 nhóm nghiên cứu, mỗi nhóm có sự tham gia của thành viên Tổ công tác chuyên trách, cán bộ biệt phái từ các bộ, ngành, các luật sư và chuyên gia bổ sung.
Theo kế hoạch tổ công tác sẽ thẩm định các phương án sơ bộ, hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị quyết về các phương án đơn giản hoá TTHC trước ngày 30.6.2010. Như vậy để có thể thực hiện theo kế hoạch này, ngoài sự chỉ đạo và cam kết của các cấp lãnh đạo, việc quán triệt tới các vụ, cục, đơn vị chức năng của bộ, ngành mình về tinh thần cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ là hết sức cần thiết. Thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các nhóm công tác với Tổ công tác cũng đóng vai trò quan trọng.
Việc phối hợp này sẽ có thể giúp các bên chủ động tổ chức các buổi làm việc tham vấn với các nhóm nghiên cứu của Tổ công tác và Hội đồng tư vấn kịp thời trao đổi các vấn đề còn tồn tại trong quá trình rà soát trên tinh thần cải cách của Đề án 30.
Tổ công tác cũng đã có công văn trưng tập 50 luật sư từ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và yêu cầu các bộ cần cử 5 cán bộ biệt phái tới làm việc tại Tổ công tác chuyên trách từ tháng 4 đến hết tháng 6.2010.
Tôi cho rằng, đây sẽ là một trong những nguồn lực to lớn đóng góp trí tuệ cho Tổ công tác chuyên trách, đảm bảo sự thành công của đề án đúng như mong đợi.
* Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Minh Phương (Theo http://www.laodong.com.vn)