Cụ thể gồm: 6 xã thuộc huyện Phú Lộc; 5 xã thuộc huyện Hương Thủy; 4 xã thuộc huyện Quảng Điền; 5 xã thuộc huyện A Lưới; 6 xã thuộc huyện Phú Vang; 4 xã thuộc huyện Phong Điền; 3 xã thuộc huyện Nam Đông; 4 xã thuộc huyện Hương Trà; 8 xã, phường thuộc thành phố Huế.
Qua kiểm tra kết quả như sau:
1. Công tác chỉ đạo thực hiện CCHC:
UBND các huyện, thành phố Huế đã ban hành văn bản chỉ đạo công tác CCHC cho các xã, phường, thị trấn trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa. Đồng thời, hàng năm UBND các huyện và thành phố Huế đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn về công tác CCHC tại các xã, phường, thị trấn nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót ở các đơn vị cơ sở (năm 2009 có 6/9 UBND cấp huyện có kế hoạch kiểm tra CCHC ở UBND cấp xã như: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, Thành phố Huế).
Qua kiểm tra có 6/9 UBND các huyện, thành phố đã ban hành qui định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại UBND cấp xã (thực hiện theo công văn số 3064/UBND-NCCS ngày 16/6/2009 của UBND tỉnh về việc chỉ đạo công tác CCHC) đã tạo sự thuận lợi trong kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện cơ chế một cửa ở cơ sở như: Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới, Thành phố Huế.
Tại các đơn vị được kiểm tra, hầu hết (42/45) UBND các xã, phường, thị trấn đã ban hành quy chế quy định thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời có 28/45 xã, phường, thị trấn đã ban hành các quyết định củng cố, kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận một cửa) tại đơn vị trong năm 2008 và năm 2009.
Một số đơn vị cấp xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, đến dân cư thông qua việc niêm yết tại các nhà (trung tâm) sinh hoạt cộng đồng ở thôn, xóm nên người dân rất dễ nắm bắt các văn bản pháp luật nói chung cũng như các thủ tục hành chính nói riêng (xã Phong Hải, Hương Phú). Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền ở cấp xã còn quá ít, chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống loa truyền thanh ở một số đơn vị đã bị hư hỏng chưa được khắc phục.
2. Về kết quả triển khai công tác cải cách hành chính:
Qua kiểm tra có 45/45 các UBND các xã, phường, thị trấn đã thành lập Bộ phận một cửa và thực hiện bố trí từ 4 đến 5 cán bộ chuyên môn tại Bộ phận một cửa, chủ yếu tiếp nhận, giải quyết các lĩnh vực: văn phòng - thống kê, tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng, chính sách xã hội.
Có 32/45 đơn vị được kiểm tra có sổ theo dõi giải quyết công việc, phiếu hẹn và phiếu hướng dẫn và cập nhật, theo dõi số lượng công việc giải quyết từ đầu năm 2009 đến nay với số lượng là 53.372 hồ sơ trong đó:
- Lĩnh vực tư pháp - hộ tịch: 46.734 hồ sơ
- Lĩnh vực địa chính - xây dựng: 1.193 hồ sơ.
- Lĩnh vực văn phòng - thống kê: 8.727 hồ sơ
- Lĩnh vực khác: 1.718 hồ sơ.
Có 35/45 đơn vị đã thực hiện việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ, biểu thu phí, lệ phí, thời gian giải quyết, lịch làm việc.
Một số xã, phường, thị trấn thực hiện khá tốt việc bố trí phòng làm việc của Bộ phận một cửa: có 39/45 đơn vị đã bố trí riêng phòng làm việc cho bộ phận một cửa; có 15/45 đơn vị đã bố trí phòng Bộ phận một cửa đảm bảo diện tích trên 40m2. Một số đơn vị đã dành một khoản kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, sửa chữa, xây dựng phòng làm việc cho Bộ phận một cửa khá khang trang có bố trí khu vực chờ đợi thoáng mát, có ghế ngồi và nước uống cho tổ chức, công dân khi đến giao dịch như: Thủy Bằng, Thuỷ Phù huyện Hương Thủy; Phong Hải, Phong Bình huyện Phong Điền; Phú Thượng, Phú An, Phú Dương, thị trấn Thuận An huyện Phú Vang, phường Phú Cát thành phố Huế,...
Trang bị cơ sở vật chất, thiết bị làm việc tại Bộ phận một cửa tương đối đầy đủ hầu hết đã có: máy vi tính, máy in, bàn ghế làm việc, tủ đựng hồ sơ, nhiều đơn vị có trang bị máy photocopy.
Công chức trong khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đều có đeo thẻ, có bảng tên công chức trên bàn làm việc; Riêng xã Thủy Phương, Phú Thượng, Phong Hải, Thị trấn Thuận An, Thượng Long, Quảng An, Thị trấn Sịa, Hải Dương, Hương An, Hương Văn đã có trang bị đồng phục.
Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công chức làm việc tại Bộ phận một cửa hầu hết đã qua đào tạo và bố trí làm việc theo đúng chuyên ngành.
3. Một số thiếu sót, tồn tại trong triển khai thực hiện:
UBND một số huyện chưa ban hành qui định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại UBND cấp xã như: Phong Điền, Hương Trà, Nam Đông.
Việc kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát CCHC của Đảng ủy, HĐND, UBND chưa được chú trọng nhất là việc kiểm tra theo dõi sổ, sách, theo dõi tiến độ, thời gian giải quyết hồ sơ của Bộ phận một cửa. Năm 2009 chỉ có 2/45 đơn vị có chương trình kiểm tra, giám sát CCHC
Nhiều đơn vị chưa duy trì thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng và tổ chức họp rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Có 19/45 đơn vị, 19/45 công chức văn phòng, 13/45 công chức tư pháp, 21/45 công chức địa chính chưa lập sổ theo dõi, phiếu tiếp nhận hồ sơ, phiếu hướng dẫn hoặc có sổ theo dõi nhưng chưa được ghi chép đầy đủ như: A Đớt, A Roàng, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Quảng thuộc huyện A Lưới; Lộc An, Lộc Bình, Vinh Giang thuộc huyện Phú Lộc; Hải Dương, Hương Bình thuộc huyện Hương Trà; Hương Sơn, Thượng Long thuộc huyện Nam Đông; Phú Thượng, Phú Dương thuộc huyện Phú Vang; Quảng Lợi, thị trấn Sịa thuộc huyện Quảng Điền; phường Thuận Thành, Thuận Hòa thuộc Thành phố Huế; Thủy Châu thuộc huyện Hương Thủy; Phong Bình thuộc huyện Phong Điền.
Có 10/45 đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính như: A Đớt, A Roàng, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Quảng thuộc huyện A Lưới; Hương Bình, Hương Văn thuộc huyện Hương Trà; Hương Sơn, Thượng Long thuộc huyện Nam Đông; Lộc An thuộc huyện Phú Lộc; thị trấn Sịa thuộc huyện Quảng Điền. Hầu hết các đơn vị có bảng niêm yết thủ tục hành chính nhưng chưa khoa học, bảng niêm yết chưa được cập nhật các qui định về phí, lệ phí, thời gian giải quyết hoặc niêm yết chung với các thông báo của đơn vị.
Một số xã còn bố trí Bộ phận một cửa chung với các bộ phận chuyên môn khác như ở 5 đơn vị: A Đớt, A Roàng, Hồng Bắc thuộc huyện A Lưới; Thượng Long thuộc huyện Nam Đông; Vinh Hải huyện Phú Lộc.
Một số đơn vị trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn: có 19/45 công chức địa chính - xây dựng, 7/45 công chức văn phòng, 4/45 công chức tư pháp chưa được đào tạo chuyên môn phù hợp với chức danh.
4. Đánh giá chung:
Qua kiểm tra cho thấy có 11/45 đơn vị đã triển khai tương đối tốt công tác CCHC trên địa bàn của từng huyện như: Thuỷ Phù huyện Hương Thủy; Phong Hải, Phong An huyện Phong Điền; Lộc Tiến huyện Phú Lộc; Phú Hồ, Phú Mậu, TT Thuận An huyện Phú Vang; Phú Bình thành phố Huế; Quảng An huyện Quảng Điền; Hương Văn huyện Hương Trà; A Roàng huyện A Lưới.
Lãnh đạo 10/45 đơn vị chỉ đạo chưa rõ nét và thiếu kiên quyết, thiếu sự kiểm tra đôn đốc nên trong quá trình tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu như: A Đớt, Hồng Bắc, Hồng Thái, Hồng Quảng thuộc huyện A Lưới; Thủy Châu thuộc huyện Hương Thủy; Hương Bình, Hương Sơn thuộc huyện Hương Trà; Thượng Long thuộc huyện Nam Đông; Phong Bình thuộc huyện Phong Điền; Vinh Giang thuộc huyện Phú Lộc; An Tây, Thuận Thành thuộc thành phố Huế.
5. Một số kiến nghị, đề xuất:
Đối với UBND tỉnh:
- Cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động cải cách hành chính nhà nước ở cơ sở.
- Giao cho Sở Tài nguyên và môi trường kiểm tra việc triển khai thực hiện qui trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quyết định số 762/2009/QĐ-UBND ngày 11/4/2009 của UBND tỉnh về ban hành qui định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Nhiều đơn vị triển khai làm việc ngày thứ 7 hiệu quả không cao, lãng phí nguồn nhân lực, khối lượng giao dịch ít, việc duy trì không thường xuyên, nghiêm túc. Vậy kính đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nên tạm ngưng thực hiện làm việc ngày thứ 7 với tất các xã, chỉ tổ chức làm việc vào buổi sáng thứ 7 đối với các xã, phường thuộc thành phố Huế và thị trấn thuộc các huyện.
Đối với UBND các huyện, thành phố:
- UBND các huyện Phong Điền, Hương Trà, Nam Đông cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh về ban hành qui định tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại UBND cấp xã.
- UBND các huyện và thành phố cần quan tâm hơn nữa nhất là ngân sách hàng năm cho công tác cải cách hành chính để đảm bảo đủ điều kiện cho các hoạt động cải cách hành chính nhà nước ở địa phương, đặc biệt là kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, thiết bị (phòng làm việc và tiếp dân, bàn ghế cho dân ngồi và làm việc cho cán bộ, công chức, máy vi tính, máy photocopy, tủ đựng hồ sơ...) phục vụ cho Bộ phận một cửa cấp xã theo quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/6/2007.
- Tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức cấp xã về các kiến thức như: qui trình, tổ chức, hoạt động, kỹ năng làm việc tại bộ phận một cửa nhất là các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Trà.
- Tăng cường công tác kiểm tra công tác CCHC nhất là việc triển khai các quyết định mới ban hành của UBND tỉnh tại UBND cấp xã như các quyết định: Số 1439/QĐ-UBND ngày 17/7/2009 về công bố danh mục thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Số 762/2009/QĐ-UBND ngày 11/4/2009 về ban hành qui định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh; Số 1099/2009/QĐ-UBND ngày 30/5/2009 về việc quy định mức thu và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng lệ phí hộ tịch, lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Số 1100/2009/QĐ-UBND ngày 30/5/2009 về việc quy định mức thu và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Số 890/2009/QĐ-UBND ngày 25/4/2009 về việc quy định mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Đối với cấp xã:
Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra công tác CCHC, thường xuyên giám sát hoạt động của Bộ phận một cửa như: kiểm tra việc theo dõi sổ, sách, việc tiếp nhận, trả hồ sơ, tiến độ hồ sơ, theo dõi chế độ báo cáo, tổ chức tổng kết đánh giá tình hình CCHC,...
Lãnh đạo các đơn vị cơ sở và nhất là Bộ phận một cửa cần thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và tổ chức họp rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Thường xuyên củng cố Bộ phận một cửa, quan tâm hỗ trợ động viên về vật chất, kinh phí, phụ cấp, chế độ làm việc ngày thứ 7 cho cán bộ, công chức bộ phận một cửa.
Tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa: duy trì sổ theo dõi, phiếu tiếp nhận, phiếu hướng dẫn và thực hiện niêm yết công khai một các khoa học, đầy đủ theo Quyết định số 1439/QĐ-UBND ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh về về công bố danh mục thủ tục hành chính chung áp dụng tại cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thường xuyên cập nhật các văn bản qui phạm pháp luật để kịp thời điều chỉnh bổ sung các qui trình, thủ tục, thời gian giải quyết, phí và lệ phí liên quan đến tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa. Triển khai các quyết định của UBND tỉnh như: Số 762/2009/QĐ-UBND ngày 11/4/2009; Số 1099/2009/QĐ-UBND ngày 30/5/2009; Số 1100/2009/QĐ-UBND ngày 30/5/2009; Số 890/2009/QĐ-UBND ngày 25/4/2009.
Tăng cường công tác đào tạo cán bộ nguồn, mạnh dạn thay thế và động viên cán bộ trẻ có trình độ đạt chuẩn để đảm nhiệm các chức danh chuyên môn tại Bộ phận một cửa.
Các xã: A Đớt, A Roàng, Hồng Bắc thuộc huyện A Lưới; Thượng Long thuộc huyện Nam Đông, Vinh Hải huyện Phú Lộc sắp xếp bố trí phòng làm việc riêng cho Bộ phận một cửa.
Trên đây là kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 45 xã, phường, thị trấn năm 2009./