Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.162.482
Truy cập hiện tại 1.145 khách
Bí thư kiêm chủ tịch: Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Ngày cập nhật 27/03/2009
Ông Trần Lưu Hải

 “Mục đích của việc thí điểm "Bí thư kiêm chủ tịch" là nhằm tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình để đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu…”.

Ông Trần Lưu Hải, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, nói như vậy, khi trao đổi với Tiền Phong về thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND một số xã, phường, thị trấn, quận, huyện, mà Bộ Chính trị vừa ban hành.

Ông Trần Lưu Hải cho biết: Sau khi có thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 25, ngày 6/3/2009 về việc thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và địa phương không tổ chức HĐND.

Theo đó, việc thí điểm sẽ thực hiện ở cả nơi có HĐND (xã, thị trấn) và nơi không tổ chức HĐND (huyện, quận, phường). Những nơi không tổ chức HĐND (theo Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua) thì thực hiện thí điểm khoảng 20 đến 30 phần trăm số đơn vị và thực hiện sau khi kết thúc hoạt động nhiệm kỳ 2004 – 2009 của HĐND vào ngày 25/4/2009.

Nơi còn tổ chức HĐND thì chọn 2 - 3 phần trăm tổng số xã, thị trấn của địa phương mình để thí điểm.

Việc chọn thí điểm chỉ ở một số tỉnh, thành phố hay trên cả nước, thưa ông?

Sẽ thí điểm ở nhiều tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền có điều kiện về kinh tế-xã hội khác nhau để việc đánh giá, rút kinh nghiệm tốt hơn và sát thực tế chung hơn.

Tuy nhiên, đơn vị được chọn thí điểm phải có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển tương đối ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất; thực hiện tốt việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Cán bộ ứng cử vào vị trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND phải trong độ tuổi có thể tham gia ứng cử ở nhiệm kỳ tiếp theo.

Thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ khi nào?

Thực hiện trong năm 2009. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, các địa phương sẽ chọn, lập danh sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Với những nơi trong năm 2009 tổ chức đại hội đảng bộ hết nhiệm kỳ thì có thể thực hiện ngay.

Khi thực hiện thí điểm chủ trương này sẽ có một số lượng cán bộ dôi dư. Vậy số cán bộ này được sắp xếp ra sao?

Cán bộ đang làm bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND mà không tiếp tục giữ chức vụ thì cấp ủy sắp xếp, bố trí công việc phù hợp trình độ chuyên môn của đồng chí đó.

Tránh đùn đẩy trách nhiệm

Thưa ông, việc Bộ Chính trị cho phép thực hiện thí điểm phải chăng chúng ta nhận thấy mô hình cũ có những hạn chế?

Đúng vậy! Việc đổi mới là để tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Lâu nay, cấp ủy mà đứng đầu là bí thư xây dựng chủ trương, ban hành nghị quyết nhưng lại thông qua chủ tịch UBND tổ chức thực hiện.

Do phải qua nhiều khâu nên việc thực hiện sự chỉ đạo thường chậm. Có khi còn bị khúc xạ, dẫn tới không đúng ý chỉ đạo, thậm chí sai lệch. Hoặc có nơi nếu bí thư cấp ủy mạnh thì can thiệp, làm thay cả chính quyền và ngược lại.

Còn nay, nếu bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND vừa cùng cấp ủy ban hành chủ trương vừa thực hiện những việc cụ thể luôn, theo quyền hạn và chức trách của mình. Như thế việc triển khai công việc sẽ nhanh và kịp thời hơn, hiệu lực hơn.

Đồng thời, sẽ nâng cao hiệu lực điều hành và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Và khi đó người đứng đầu không còn lý do gì đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Trách nhiệm trước nhân dân của người lãnh đạo cũng lớn hơn.

Theo nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, vấn đề nhất thể hóa, thậm chí là nhất thể hóa ở cấp cao được đặt ra từ cuối Đại hội VI đầu Đại hội VII của Đảng. Nhưng vì sao tới nay vấn đề này mới được thực hiện thí điểm, mà cũng chỉ thí điểm từ cấp huyện trở xuống, thưa ông?

Nhận thức là một quá trình. Nay chúng ta bước vào kinh tế thị trường, hội nhập sâu với thế giới, đòi hỏi Đảng cũng phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo cho phù hợp.

Khi bàn thảo, có ý kiến đề nghị nên làm đến cấp tỉnh. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, lại rất mới với Việt Nam, nên chúng ta mới chỉ đặt vấn đề thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở một số nơi trong hệ thống chính quyền cơ sở, chưa đề cập việc này ở cấp cao hơn. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Trước khi có chủ trương này, được biết Ban Tổ chức T.Ư có khảo sát thực tế một số xã, huyện đã thực hiện mô hình Bí thư kiêm Bí thư kiêm Chủ tịch. Kết quả ra sao, thưa ông?

Theo khảo sát, thực tế có khoảng hơn 100 xã, huyện Bí thư kiêm Chủ tịch(chủ yếu là do thiếu cán bộ-PV). Qua khảo sát thấy những nơi này tình hình khá tốt. Kinh tế - xã hội ổn định và phát triển, cơ sở vật chất phục vụ đời sống dân sinh được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững, tổ chức Đảng nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh…

Ngoài ra, ở những nơi bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, việc nắm bắt tình hình, đề ra các chủ trương, nghị quyết của Đảng sát thực tiễn hơn. Có sự thống nhất cao giữa việc đề ra nghị quyết và thực hiện nghị quyết, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của tổ chức Đảng ở cơ sở.

Việc điều hành của chính quyền cũng có hiệu lực, hiệu quả hơn. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, khắc phục tình trạng trông chờ, ỉ lại, hạn chế tình trạng bao biện, làm thay, lấn sân hoặc buông lỏng của cấp ủy Đảng với chính quyền.

Đồng thời thực hiện tốt hơn nguyên tắc tập trung dân chủ, nhờ các ủy viên, đảng viên được cung cấp thông tin kịp thời, được trực tiếp tham gia chất vấn người đứng đầu tổ chức đảng và chính quyền trong việc triển khai các công việc của tổ chức Đảng và kế hoạch của chính quyền.

Đề cao quyền hạn, trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, chồng chéo trong quản lý. Phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, giảm được hội họp. Vì có nhiều cuộc họp có thể kết hợp họp đảng với chính quyền.

Ai được chọn?

Thưa ông, cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc thực hiện “nhất thể hóa” sẽ tập trung quyền lực vào một người, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền?

Băn khoăn đó là đúng. Theo tôi, việc khó nhất là công tác lựa chọn cán bộ. Vì thế, khi thực hiện chủ trương này, vấn đề mà cấp ủy và những người làm công tác tổ chức phải lưu ý là làm sao chọn người vừa có đức vừa có tài, thực sự công tâm, có uy tín. Còn nếu chọn cán bộ không tốt, gia trưởng, độc đoán thì việc “nhất thể hóa” sẽ không đạt được yêu cầu.

Bởi thế khi trao quyền thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Ở những nơi thực hiện thí điểm phải xây dựng được nguyên tắc, quy chế làm việc. Ví dụ, quy định về thẩm quyền của Bí thư kiêm Chủ tịch đến đâu, được quyết ở mức độ nào, đến mức độ nào, việc gì thì phải mang ra tập thể thường vụ quyết; và phải có quy chế rõ ràng để cấp trên, cơ quan kiểm tra có thể thực hiện kiểm tra, giám sát cán bộ…

Vậy những nơi thí điểm tới đây, việc chọn cán bộ được thực hiện ra sao?

Vấn đề này, chúng tôi đã có hướng dẫn cụ thể. Đối với nơi không tổ chức HĐND thì nhân sự cấp nào do cấp ủy ở cấp đó chuẩn bị và đề nghị cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định. Cụ thể, chức danh bí thư cấp ủy kiện toàn trước (bầu cử hoặc chỉ định), sau đó chức danh chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.

Đối với nơi còn tổ chức HĐND (xã, thị trấn), nhân sự cũng do cấp ủy đó giới thiệu. Tuy nhiên, trước khi giới thiệu phải lấy ý kiến tham khảo của đại diện ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội ở cơ sở và lấy ý kiến của HĐND. Sau đó, kiện toàn chức danh cấp ủy trước (bầu hoặc chỉ định), rồi đưa ra HĐND bầu. Nếu bầu đến lần thứ hai không trúng thì việc có bầu trực tiếp nữa hay không sẽ do HĐND quyết định.

Ở những nơi thực hiện thí điểm, các cán bộ đó được hưởng chế độ ra sao, thưa ông?

Dự kiến, các cán bộ này hưởng chế độ kiêm nhiệm theo quy định hiện hành.

Vậy khi nào việc thực hiện thí điểm kết thúc, thưa ông?

Đến cuối năm 2010. Sau đó sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm.

Cảm ơn ông

NVH- Theo Báo Tiền phong                                                

NVH
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày