Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.035.774
Truy cập hiện tại 925 khách
Công chức làm sai phải bỏ tiền bồi thường cho dân
Ngày cập nhật 12/03/2009

Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) tại Hội nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH ngày hôm qua 11.3, khi bàn về dự luật Bồi thường nhà nước

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận, sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉnh sửa dự luật Bồi thường nhà nước theo hướng xác định rõ hơn trách nhiệm của người cán bộ công chức. Khi cán bộ làm sai gây thiệt hại cho dân thì không chỉ có Nhà nước phải bồi thường, mà bản thân người cán bộ đó cũng phải chịu trách nhiệm. Điều 12 của dự luật đã được chỉnh sửa quy định: “Người thi hành công vụ đã gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”...

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung cho rằng, quy định về trách nhiệm của cán bộ công chức như thế vẫn còn nhẹ. Ngoài việc phải trả lại Nhà nước một khoản mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại, ông Dung đề nghị phải bổ sung thêm các điều khoản chế tài khác như kỷ luật hành chính. “Quy định về nghĩa vụ của người thi hành công vụ sai như dự luật chưa đủ mạnh”, ông Dung nói.

Thực hiện sai quy định, gây thiệt hại thì phải bồi thường là đương nhiên, nhưng những thiệt hại mà người dân phải chịu do cán bộ công chức không thực hiện nhiệm vụ thì có được bồi thường hay không? Vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có đại biểu cho rằng, nếu phạm vi bồi thường quá rộng, cái gì cũng bồi thường thì rủi ro cho ngân sách nhà nước, và tạo tâm lý e ngại, công chức sẽ "trói hết tay lại không làm gì cả". Ông Trần Văn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH đặt vấn đề: “Có nên mua bảo hiểm công vụ không và không biết đã có loại hình bảo hiểm này chưa?”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung có một góc nhìn riêng khi đặt vấn đề: “Trường hợp người bị thiệt hại không yêu cầu bồi thường thì sao? Người cán bộ công chức sẽ vẫn tồn tại. Đây là một sơ hở, rất dễ xảy ra tình trạng người ta móc ngoặc với nhau”.

Trong khi đó, Ủy ban Thường vụ QH quyết liệt cho rằng cán bộ, công chức thực hiện hành động hay không thực hiện hành động mà gây thiệt hại cho dân thì Nhà nước đều phải bồi thường thiệt hại, vì "Quy định như vậy mới thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, làm cho cán bộ, công chức tích cực trong thi hành công vụ". Để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị luật liệt kê các trường hợp được bồi thường do cán bộ không thi hành nhiệm vụ nhưng gây thiệt hại cho người dân. Cụ thể, trong quản lý hành chính là các hành vi: không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị; trong thi hành án dân sự là các hành vi: không ra quyết định thi hành án, không ra quyết định áp dụng các biện pháp đảm bảo thi hành án, không ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Riêng đối với những thiệt hại do cán bộ, công chức hành động gây ra, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng không cần phải giới hạn, liệt kê ra 11 trường hợp được Nhà nước bồi thường (trong quản lý hoạt động hành chính) như dự luật Chính phủ trình với QH...

Tán đồng với quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH, đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ: “Cứ dung dưỡng hay o bế do điều kiện kinh tế còn khó khăn, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế mà giới hạn phạm vi bồi thường thì không biết đến khi nào chúng ta mới có được đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng được nhu cầu”.

HMT- Theo Báo Thanh niên

Các tin khác
Xem tin theo ngày