Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.037.006
Truy cập hiện tại 1.184 khách
Cải cách chính sách tiền lương: Cần quyết sách mang tính pháp lý
Ngày cập nhật 16/11/2008

Báo cáo của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa IX tại Đại hội X cũng đã khẳng định, nhìn chung chính sách tiền lương qua các lần cải cách đã có những thay đổi quan trọng. Tuy nhiên, NLĐ, nhất là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn chưa được đãi ngộ xứng đáng như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Chính sách chưa phù hợp thực tế

Hiện nay, hệ thống thang, bảng lương đã được thu gọn từ hàng chục (năm 1993) xuống còn 6 hệ thống thang, bảng lương. Trong đó quy định doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm xây dựng thang, bảng lương theo tiêu chuẩn, cấp bậc, chức danh, chuyên môn nghiệp vụ làm cơ sở để ký kết hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, các quy định này chưa phù hợp với cơ chế thị trường vì quan hệ lương tối thiểu - trung bình - tối đa còn mang nặng tính bình quân. Đặc biệt, thang, bảng lương được quy định đối với các công ty Nhà nước chủ yếu được áp dụng để đóng BHXH, BHYT chứ chưa theo cơ chế thị trường. Hơn thế, nhiều DN ngoài Nhà nước, DN FDI tự xây dựng thang, bảng lương bằng cách kéo dài số bậc lương và thu hẹp khoảng cách giữa các bậc lương, thậm chí xây dựng mức lương thấp để ký hợp đồng lao động nhằm né tránh việc trích nộp BHYT, BHXH, gây thiệt hại cho cả Nhà nước và NLĐ. Thậm chí, có DN xây dựng thang bảng lương chia nhỏ thành 30 đến 40 bậc, mỗi bậc chỉ chênh lệch từ 10 đến 15 nghìn đồng...

Chính vì bất cập này, CĐ đã gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng bức xúc, vì việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác đều do người sử dụng lao động quyết định, cho nên cán bộ CĐ cơ sở chưa dám mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện vi phạm pháp luật lao động của chủ DN... Trên thực tế, việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể là “bảo bối” để bảo vệ NLĐ và để các DN thực hiện đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với NLĐ, trong đó có chế độ tiền lương, thu nhập... Nhưng việc này nhiều khi không thực hiện được vì pháp luật nước ta hiện nay không có quy định bắt buộc DN phải có thỏa ước lao động tập thể. Ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch CĐ Điện lực Việt Nam dẫn giải, môi trường lao động nước ta khác các nước đã phát triển là các DN công khai vi phạm quyền của NLĐ mà không hề bị ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Chính vì vậy các DN không tự giác xây dựng thỏa ước lao động tập thể...

Thống nhất mức lương tối thiểu

Mục tiêu của Đề án cải cách chính sách tiền lương là nhằm nâng lên các mức lương thấp và mức lương trung bình, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó, quy định rõ về mức lương, quan hệ tiền lương và hệ thống thang lương, bảng lương; cơ chế bảo đảm nguồn trả lương, cơ chế quản lý biên chế, tiền lương và thu nhập. Đến tháng 1-2008, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng đến 540.000 đồng/người/tháng, vượt xa đề án tiền lương giai đoạn 2003-2007. Tuy nhiên, do chỉ số giá tăng nhanh hơn, đặc biệt là tình hình lạm phát đầu năm 2008 nên đời sống của cán bộ công chức và NLĐ gặp rất nhiều khó khăn. Bất cập này cũng đã “góp phần” làm gia tăng các cuộc đình công trong CNLĐ thời gian qua. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2008, cả nước có 354 cuộc đình công, tăng tới 200 cuộc so với cùng kỳ năm trước, trong đó số cuộc đình công ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 78%.

Khắc phục tình trạng trên, tại Đại hội X Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã định hướng xây dựng một số chính sách tiền lương giai đoạn 2008-2012. Điểm mới và nổi bật của chủ trương này là thống nhất mức lương tối thiểu giữa các loại hình DN nhà nước, ngoài nhà nước và DN FDI theo cam kết quốc tế; không khống chế mức lương tối đa trong khu vực hành chính sự nghiệp; mở rộng quan hệ lương tối thiểu - trung bình- tối đa. Đặc biệt, thu gọn thang, bảng lương, ngạch lương, bậc lương và hoàn thiện các chế độ phụ cấp, khắc phục cơ bản những bất hợp lý hiện nay.

Theo đó, Tổng Liên đoàn sẽ chủ động tham gia với Chính phủ về lộ trình cải cách chính sách tiền lương; chủ động tham gia với các bộ ngành TƯ và Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Tiền lương tối thiểu; phối hợp với Bộ LĐ TB&XH xây dựng cơ chế tham vấn tiền lương ở KCN hoặc địa bàn tỉnh, TP làm cơ sở khung để các DN đàm phán về tiền lương.

Chính sách tiền lương là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách KT-XH, liên quan trực tiếp đến lợi ích và đời sống của hàng triệu NLĐ. Vì vậy, để bảo đảm cơ chế tiền lương thỏa đáng, phù hợp, ngoài sự cố gắng nỗ lực của NLĐ và tổ chức CĐ, rất cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể. Trong đó, Luật Tiền lương tối thiểu đang được CĐ và NLĐ đặc biệt quan tâm, mong chờ vào quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.

Minh Phương (Theo Báo Hà Nội mới )

Các tin khác
Xem tin theo ngày