Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.169.579
Truy cập hiện tại 846 khách
Chủ tịch xã chỉ giới thiệu, không có quyền quyết định nhân sự Phó Chủ tịch
Ngày cập nhật 22/10/2008

Liên quan đến đề án thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn khẳng định bên lề kỳ họp Quốc hội rằng, việc trao cho chủ tịch xã quyền giới thiệu cấp phó không có nghĩa là vị này là người quyết định nhân sự.

Trong tờ trình ra UBTVQH, Bộ Nội vụ đã đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho Chủ tịch xã trong việc giới thiệu nhân sự cấp phó và khen thưởng kỷ luật hạ bậc lương công chức nhưng UBTVQH đã phản đối và cho rằng nên giữ nguyên như cũ. Lần này đưa ra thảo luận tại Quốc hội, Bộ có còn giữ nguyên quan điểm?

Đề án thí điểm cho dân bầu chủ tịch xã mới đang là dự thảo nên khi trình ra sẽ có nhiều ý kiến khác nhau là bình thường. Nhưng mục tiêu là làm thế nào trong cơ chế hoạt động phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phát huy vai trò và ý kiến tập thể nhưng vẫn phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Vì thế, người đứng đầu phải được trao một quyền hạn nhất định và một vị trí với tiếng nói xứng đáng để đề xuất ý kiến, giới thiệu "anh" cấp phó ra cho tập thể tham khảo và quyết định. Đây là một quy trình cần thiết chứ không có nghĩa, vị chủ tịch xã đó là người quyết định luôn nhân sự.

Đề xuất mới này nếu được thực hiện có phải là bước đột phá cho công tác cán bộ không, thưa Bộ trưởng?

Đây cũng là điểm thể hiện chủ trương của Đảng là làm rõ vai trò người đứng đầu và làm rõ vai trò cán bộ trong thực thi trách nhiệm. Việc này cũng nằm trong nguyên tắc chung là mỗi cơ quan khi xảy ra vi phạm thì đều phải có trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng tôi cho là sẽ phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đến đâu và của tập thể đến đâu.

Dân có quyền trực tiếp bầu chủ tịch xã thì họ có được trao quyền bãi nhiệm nếu vị chủ tịch đó chưa làm tròn nhiệm vụ không, thưa Bộ trưởng?

Đề án có quy định chi tiết trường hợp nào miễn nhiệm thì trình HĐND, trường hợp nào thì dân trực tiếp bãi miễn. Trong đề án, nếu chủ tịch do dân bầu thì sẽ bị chính nhân dân bãi nhiệm nếu không hoàn thành nhiệm vụ và không còn được cử tri tín nhiệm. Còn trường hợp vi phạm pháp luật đã có quyết định của cấp trên thì việc bãi nhiệm sẽ thông qua HĐND.

Để giám sát quyền lực của Chủ tịch xã, theo Bộ trưởng, có nên quy định lấy phiếu tín nhiệm định kỳ với chức danh này không?

Làm như vậy rất khó, không làm được và gây mất ổn định ở xã. Chỉ nên áp dụng hai hình thức. Thứ nhất là do bản thân chủ tịch xã tự cảm thấy điều kiện hoàn cảnh không đủ thì xin miễn nhiệm. Thứ hai là do chủ tịch xã có thể gặp khuyết điểm và bị buộc phải bãi nhiệm thì sẽ làm theo quy trình, để vừa phát huy vai trò dân chủ của người dân đồng thời cũng đồng thời bảo vệ vị chủ tịch.

Có ý kiến cho rằng, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đang quá cồng kềnh, nay Luật Cán bộ công chức lại đề xuất tăng thêm biên chế cho 3 chức danh. Theo Bộ trưởng, việc tăng biên chế như vậy có giúp công việc "chạy" hơn hay chỉ làm bộ máy thêm phình to và ngân sách thêm gánh nặng?

Vấn đề này cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến và quyết định. Vì nếu có thêm 10 nghìn xã tăng thêm biên chế là thêm hàng vạn người và cũng làm quỹ lương tăng thêm hàng trăm tỷ đồng, nên sẽ phải tính toán kỹ. Nhưng cũng có quan điểm là chúng ta phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị để bố trí người chứ không câu nệ chuyện tiền. Phải xuất phát từ việc chỗ nào cần, không cần, để với bộ máy cán bộ hợp lý sẽ đảm bảo đội ngũ cán bộ phù hợp.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

HMT- Theo Hà Nội mới

Các tin khác
Xem tin theo ngày