Dự thảo luật chưa xác định đúng vị trí của cán bộ, công chức cấp xã
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) nhất trí, việc quy định đội ngũ này trong luật là cần thiết, tuy nhiên việc dành riêng Chương V để quy định về cán bộ, công chức cấp xã với những nội dung "còn có sự phân biệt, thiếu công bằng chưa xác định đúng vị trí của đội ngũ này, chưa phù hợp với thực tiễn cho nên chưa tạo ra sự liên thông trong đội ngũ công chức ở các cấp và chưa động viên được đội ngũ công chức làm việc ở cấp xã".
Bà Thúy đề nghị, cần quy định chung hệ thống cán bộ, công chức, tức là chuyển nội dung có liên quan của Chương V vào chương cán bộ và chương công chức, đồng thời quy định lộ trình thực hiện ai đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng, ai có khả năng thì đào tạo, bồi dưỡng để đến một mốc thời gian nào đó có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyển dụng, ai không có khả năng thì có chính sách để cho họ nghỉ chế độ.
"Trong dự thảo luật này, chúng tôi thấy có một điều rất mâu thuẫn và gần như là chúng ta độc lập hóa cấp chính quyền này, chúng ta không thừa nhận cấp xã là một cấp chính quyền và nếu như chúng ta không thừa nhận cấp xã là một cấp chính quyền trong hệ thống chính trị của chúng ta thì chúng ta không đảm bảo được tính liên thông trong quá trình đào tạo tuyển dụng, sử dụng, điều động, luân chuyển cán bộ thì tình trạng mà chính quyền cấp xã nó vẫn như hiện nay, trong khi công việc thì rất nhiều và mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đều thể hiện ở chính quyền cấp xã", đại biểu Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhất trí, không nên phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Bởi vì nếu phân biệt như vậy sẽ tạo ra rào cản giữa cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện, làm ảnh hưởng tới việc luân chuyển cán bộ và ảnh hưởng đến việc thu hút cán bộ làm việc ở cấp xã.
Đại biểu Tâm đề nghị, luật cũng quy định về một nguyên tắc, tức là khi chúng ta tiến hành luân chuyển cán bộ, công chức ở cấp xã thì chúng ta cũng phải có những chế độ, chính sách đối với những đối tượng này. Hiện nay trong thực tế chúng ta là cán bộ, công chức cấp xã có một số đối tượng khi chuyển hóa không thể nào phát triển hơn được, tuy nhiên các chế độ, chính sách nhất là giấy tờ bảo hiểm thì không được thực hiện, ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của cán bộ rất nhiều đó là vấn đề cán bộ, công chức cấp xã
Cán bộ cấp xã không phải chịu lỗi gì khác khi họ chỉ ở xã - Đó là quan điểm của đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị). Ông thẳng thắn nói: "Rất cần thiết phải quy định cán bộ, công chức cấp xã như mọi cán bộ, công chức khác, họ không phải chịu lỗi gì khác khi họ chỉ ở xã. Mặc dù hiện nay vẫn biết đội ngũ đó chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng trong tương lai bắt buộc chúng ta phải hoàn chỉnh hệ thống này, chắc chắn họ phải đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh như mọi cán bộ, công chức khác. Còn không thể ghi một câu "chỉ ưu tiên trong xét tuyển" để dành cho họ, tôi cho cái đó không nên. Đặc biệt đối với cán bộ chúng ta thấy có phân biệt rất rõ ở chỗ cán bộ, công chức khác thì đều có quy định chung chung hết, nhưng riêng cấp xã quy định hẳn mấy chức danh công chức, theo tôi cái đó không cần thiết, nên mấy chức danh công chức cấp xã hoặc chế độ như thế nào đó giao Chính phủ quy định".
Tính tự quản của chính quyền cấp xã: Chỉ nên tồn tại ở một chừng mực nhất định
Chung quan điểm về việc cần có quy định công bằng đối với chính quyền cấp xã, đại biểu Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) đặt vấn đề: "Lâu nay hầu như trong các báo cáo đánh giá chung trên các lĩnh vực, các cấp đều thừa nhận một nguyên nhân dẫn đến hạn chế là do bộ máy chính quyền cơ sở còn bất cập, hạn chế về trình độ và năng lực. Vì sao vậy, phải chăng do hệ thống chính sách pháp luật và cơ chế của chúng ta đã đưa bộ máy cấp xã vào tình trạng đó?".
Đại biểu Phước nói: "Chúng tôi có cảm nhận rằng Trung ương muốn xây dựng chính quyền cấp xã chủ yếu dựa trên nền tảng tự quản. Theo chúng tôi, phải đặt nó trong điều kiện chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, các quy ước, hương ước đều phải theo quy định chung của pháp luật, tính dân chủ ở cơ sở phải tuân theo nền dân chủ của xã hội Việt Nam. Mặt khác, chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật thì tính tự quản cũng phải theo cơ chế đó. Nó phải tuân thủ các quy luật vốn có của nó, tự nó phá vỡ tính biên giới vùng, làng... Do đó, tính tự quản chỉ tồn tại ở một chừng mực nhất định mà thôi".
Dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý vấn đề cán bộ công chức cấp xã chưa thỏa đáng
Đó là quan điểm của đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An). "Chúng ta muốn xây dựng một nền hành chính hiện đại và phấn đấu đưa cán bộ, công chức xã ngang tầm đi lên theo hướng chuyên nghiệp, nhưng rõ ràng bộ máy xã hiện nay rất cồng kềnh và một bộ phận có xu hướng hành chính hóa, đời sống anh em rất khó khăn mà đã như vậy lại vòng luẩn quẩn, khó khăn thì không thể ổn định được, không ổn định thì không thể nâng lên chuyên nghiệp, hiện đại được", đại biểu Xướng nói.
Theo đại biểu Xướng, chúng ta phải có một chính sách cho phù hợp, vẫn nên tiếp tục điều chỉnh cán bộ, công chức xã.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) góp ý: "Về vấn đề cán bộ, công chức xã, trong Điều 62 có trong tổ chức chính trị xã hội, thiếu một tổ chức là tổ chức công đoàn. Thực tế hiện nay, Công đoàn Việt Nam đã phát triển công đoàn đến cấp xã, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cho có hệ thống chính trị trong này".
Cũng theo đại biểu Vinh, Điều 62 quy định cụ thể số lượng của các chức danh cán bộ, công chức cấp xã là chưa hợp lý, vì thực tế có sự khác biệt rất lớn về địa giới hành chính giữa đồng bằng, miền núi và hải đảo có những vùng dân số ít, địa bàn hẹp hoặc dân số ít nhưng địa bàn rộng và dân số đông. Do đó, chỉ nên quy định về các chức danh cán bộ, công chức xã còn vấn đề số lượng người giữ các chức danh trên thì để Chính phủ quy định thực tế để tùy theo đặc điểm tình hình của từng địa phương.
"Để trở thành cán bộ, công chức cấp xã, các đối tượng phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn từng chức danh, phải vượt qua một kỳ thi tuyển hoặc bầu cử theo quy định của pháp luật tương tự như đối với cán bộ, công chức. Nhưng nếu quy định như dự thảo luật thì cán bộ, công chức cấp xã không thể liên thông với cấp huyện", đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Bình Định) nói.
Theo đại biểu Hương, nếu chỉ quy định như dự thảo luật thì cũng không khuyến khích được những người được đào tạo chính quy có trình độ đại học, cao đẳng về công tác tại cơ sở. Đây là vấn đề rất thiếu, hiện nay cơ sở số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Như vậy rất khó để chúng ta có thể đạt được mục tiêu nâng cao trình độ cán bộ cũng như chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở. Bà Hương đề nghị bổ sung quy định nếu cán bộ, công chức cấp xã có thời gian công tác ít nhất 5 năm tại xã, đủ tiêu chuẩn, điều kiện và cấp huyện có yêu cầu thì có thể được điều động bổ nhiệm trở thành cán bộ, công chức tại các cơ quan cấp huyện.
Không nên tách riêng một chương về cán bộ công chức cấp xã
Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) đề nghị, không tách riêng một chương mà quy định cán bộ, công chức cấp xã tương tự như cán bộ, công chức nói chung. Theo bà Nga, nếu tách ra như thế có sự phân biệt đối xử.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cũng đồng tình, việc dự thảo luật có quy định một chương riêng về cán bộ, công chức cấp xã, vô hình chung tạo ra sự phân biệt giữa cán bộ, công chức cấp huyện trở lên với cán bộ, công chức cấp xã. "Việc phân biệt này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác thu hút người có trình độ về công tác hoặc điều động ở xã do quyền lợi bị thiệt thòi", ông nhận xét.
Cùng chung đề nghị như trên, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hoá) nói: "Chúng ta phải xem cán bộ, công chức cấp xã cũng như cấp huyện, tỉnh và cấp Trung ương, không nên phân biệt và giao cho Chính phủ trong có hướng dẫn để từng bước chuyển đối tượng này trở thành chính quy để hoạt động ngày càng tốt hơn. Nếu như thế này thì không biết đến bao giờ mới có được đội ngũ cấp xã mà chúng tôi thấy rất quan trọng, rất sát dân và giải quyết được rất nhiều vấn đề cho đất nước nếu đội ngũ này vững mạnh".
Thống nhất không nên tách riêng một chương quy định về cán bộ, công chức cấp xã, đại biểu Trương Quang Hai (Bình Thuận) nói: "Theo tôi chính quyền của ta là chính quyền 4 cấp, do đó việc tổ chức bộ máy gắn với biên chế ở từng cấp cần được nghiên cứu, xem xét theo hướng bảo đảm bộ máy sẽ được tổ chức bài bản, cán bộ, công chức hoạt động có chuyên môn sâu và phải ngày càng chuyên nghiệp theo hướng phục vụ nhân dân. Cách suy nghĩ của ta hiện nay như có đại biểu đã nói có vẻ cấp xã như kiểu chính quyền bán chuyên trách. Có như vậy, bộ máy đó mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao và đáp ứng mong muốn của nhân dân. Đặc biệt, phải đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ, quyền lợi của cán bộ, công chức các cấp thì chúng ta mới có được một bộ máy lành mạnh, tất cả mới được tận tâm, tận tụy phục vụ nhân dân".
Cũng theo đại biểu Hai, đối chiếu với tình hình thực tế và quy định hiện nay kể cả trong dự thảo luật này, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiều bất cập cần được nghiên cứu kỹ và có chủ trương chính sách cụ thể, ổn định lâu dài tạo điều kiện để hệ thống chính trị cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Nếu hệ thống chính trị cơ sở hoạt động tốt sẽ giảm gánh nặng cho huyện, tỉnh và góp phần giữ ổn định chính trị, trật tự xã hội của địa phương. Đại biểu Hai đề nghị, trước mắt cũng như lâu dài cán bộ cấp xã phải được đào tạo bàn bản để nhận công việc được giao như cán bộ cấp tỉnh và cấp huyện, khi cần có thể liên thông lên tỉnh, lên huyện và ngược lại.
HMT-Theo Báo Hà Nội mới