Bà Hương phản ánh, chế độ lương hiện hành chưa đủ bù đắp giá trị sức lao động, chưa đảm bảo cuộc sống tối thiểu so với mặt bằng xã hội. Mức thang, bậc lương không có tác động tích cực đến sự nỗ lực phấn đấu để được nâng bậc, hoặc có tính răn đe trong việc áp dụng các quyết định kỷ luật.
Cho rằng chính sách lương chưa thực sự công bằng giữa viên chức (hưởng cả lương ngân sách nhà nước và từ nguồn thu khác) và công chức (chỉ hưởng lương ngân sách nhà nước), bà Hương khẳng định đây chính là lý do khiến các sở như y tế, giáo dục rất khó điều động cán bộ, sinh viên tốt nghiệp không muốn về cơ quan hành chính.
Từ phân tích trên, đại biểu này đề nghị dự luật cần quy định cán bộ, công chức phải được hưởng lương ở mức trung bình trở lên so với thu nhập của những người có cũng trình độ, năng lực ở các khu vực kinh tế khác trong cùng thời điểm.
Cũng quan tâm tới vấn đề lương, đại biểu Hoàng Thị Bình cho rằng dự luật quy định "đảm bảo tiền lương tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn được giao" là còn quá chung chung, vì khái niệm tương xứng rất rộng và khó thực hiện. "Tôi xin đề nghị phải sửa là nhà nước đảm bảo tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước", bà Bình nói.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, quy định đánh giá cán bộ, công chức trong dự luật chưa cải tiến so với hiện hành, tức là vẫn còn nặng tính hình thức, không thực chất. "Cần thống nhất các tiêu chí và có phương pháp định lượng hoá ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, khối lượng, chất lượng công tác của từng cán bộ, công chức", bà Hương đề xuất.
Dẫn ra thực tế cán bộ công chức rời bỏ nhiệm sở đi làm bên ngoài rất nhiều và những người có trình độ cao, khả năng tốt thường không thích làm nhà nước, đại biểu Nguyễn Thành Tâm chỉ rõ nguyên nhân là môi trường làm việc ở cơ quan nhà nước chưa tạo sự công bằng, minh bạch trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ.
Ông Tâm đề xuất nên cho phép người dân được tham gia vào đánh giá công chức. "Luật hiện nay đánh giá công chức chỉ quy định trong nội bộ, đóng cửa trong nhà. Chúng ta đánh giá với nhau rất là tốt, nhưng người dân có thỏa mãn với chất lượng phục vụ của công chức hay chưa thì chưa được quan tâm", ông Tâm nói.
Đại biểu Phạm Thị Phương Thảo lại chỉ một bất hợp lý hiện nay là rất khó sa thải công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Bà nói: "Quy định công chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì được bố trí công tác khác. Việc này rất khó bởi nếu không hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan này thì cũng khó chuyển sang nơi khác. Phải có cách nào để giải quyết việc này, giúp bộ máy bớt trì trệ". Đại biểu này cũng đề xuất nên khuyến khích thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, từ phó phòng cấp quận, huyện trở lên.
Theo đại biểu Lê Văn Cuông, một lỗ hổng rất lớn của dự luật là chưa có quy định để hạn chế tối đa nạn chạy chức, chạy quyền. Ông Cuông tha thiết đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào luật hai vấn đề. Thứ nhất là nguyên tắc bổ nhiệm cán bộ phải dân chủ, công khai, minh bạch, phải tạo tính cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng cử viên. Thứ hai phải có nhiều ứng cử viên của một vị trí lãnh đạo và họ phải trình bày chương trình hành động; phải có hội đồng thẩm định hồ sơ, phẩm chất, năng lực, uy tín và tổ chức đối thoại, đánh giá kết quả theo tiêu chí cụ thể đối với từng ứng cử viên...
Trước đó, giải trình về dự luật cán bộ, công chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết xu hướng phình biên chế cán bộ, công chức cấp xã ở cơ sở đang là vấn đề cần được quan tâm. Theo Bộ Tài chính, đến 31/12/2007, cả nước có 216.000 cán bộ công chức xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước, và hơn 500.000 người hoạt động bán chuyên trách được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Dự luật cán bộ, công chức sẽ được tiếp tục chỉnh sửa và thông qua tại kỳ họp này.
HMT-Theo Tinbao.com