Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.016.034
Truy cập hiện tại 7.895 khách
Phát huy giá trị văn hóa khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển
Ngày cập nhật 12/05/2021

Để phát huy sức mạnh của văn hoá phục vụ sự phát triển bền vững đất nước, nhất định phải quan tâm hơn nữa đến vị trí và vai trò của văn hoá. Những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực văn hoá là rất đáng kể, góp phần để nước ta có một vị thế vững chắc như hôm nay, tuy nhiên, so với mong muốn thì chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

 

Năm 2021 là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của đất nước khi Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định những định hướng lớn cho những năm sắp tới, trong đó vai trò của văn hoá được đặc biệt nhấn mạnh. Chủ đề của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng coi phát huy giá trị văn hoá như một trọng tâm gồm: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao(1) và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Văn hóa soi đường quốc dân đi” như một cách khẳng định vị trí và vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nguyên Tổng thư ký Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), ông Federico Mayor nhấn mạnh: Kinh nghiệm của hai thập niên qua cho thấy rằng trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau (...). Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động lực và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa (...). Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội...”(3).

Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều.

 

 

Đảng ta luôn quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hoá. Ngay từ khi chưa giành được độc lập cho dân tộc, trong Đề cương văn hoá Việt Nam, Đảng đã chủ trương phát triển văn hoá với 3 định hướng lớn: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng. Sau đó, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII, Đảng nhấn mạnh việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, và đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khoá XI, Đảng một lần nữa chủ trương xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tất cả đều minh chứng rằng, văn hoá có một vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong dòng chảy chung của sự phát triển đất nước.

Phát huy giá trị văn hoá Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ta. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, cũng như tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, khiến thế giới trở thành ngôi làng toàn cầu, và vì thế, quốc gia nào không giữ được bản sắc thì không những bị hoà tan trong thế giới rộng lớn, mà còn có nguy cơ mất nước vì “mất văn hoá là mất tất cả”. Trong khi đó, những quốc gia nào biết tận dụng lợi thế văn hoá của mình sẽ tạo nên dấu ấn riêng, giá trị so sánh trong phát triển bền vững đất nước. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm là “Phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển và sức mạnh của nhân dân. Thực tế qua thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19 và khắc phục hậu quả thiên tai, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hoá dân tộc”(4).  

Ở góc độ văn hoá, từ khi Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hoá được thực thi, các quốc gia trên thế giới đã chú ý nhiều hơn đến quyền chủ quyền về văn hoá của mình, từ đó xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách để bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Điều này cho thấy giá trị của chủ quyền văn hoá cũng quan trọng như giá trị của chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền lãnh hải, những thứ có ý nghĩa hết sức thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Các quốc gia cần thiết bảo vệ chủ quyền văn hoá như bảo vệ tinh thần của dân tộc mình. Văn hoá chính là cột mốc chủ quyền quan trọng nhất của mỗi dân tộc. Đối với đất nước ta, “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Vǎn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”(5). Trong các nghị quyết của Đảng về văn hoá, chúng ta luôn nhấn mạnh ý nghĩa của văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội là vì lý do như vậy.

Các quốc gia cần thiết bảo vệ chủ quyền văn hoá như bảo vệ tinh thần của dân tộc mình. Văn hoá chính là cột mốc chủ quyền quan trọng nhất của mỗi dân tộc.

 

 

Ở góc độ kinh tế, văn hoá chính là nguồn lực cho sự phát triển đất nước. Nhìn nhận ở một khía cạnh nhất định, văn hoá chính là sức mạnh mềm của dân tộc, khi sự hấp dẫn của văn hoá giúp quảng bá hình ảnh đất nước, tạo ra sự hấp dẫn cho không chỉ các sản phẩm và dịch vụ văn hoá, mà còn cho cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Chính vì lý do đó, nhiều nước trên thế giới coi văn hoá, công nghiệp văn hoá - sáng tạo là một bộ phận của nền kinh tế. Những bài học của Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc trong việc quảng bá các sản phẩm giải trí để mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước, đồng thời đưa các giá trị văn hoá dân tộc của họ lan toả khắp thế giới chính là những kinh nghiệm quý để chúng ta phát triển văn hoá như là một sức mạnh mềm cho phát triển bền vững đất nước. Đối với Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch dựa vào các giá trị văn hoá (năm 2019, du lịch Việt Nam đón trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018); liên quan đến văn hoá, du lịch Việt Nam đã được vinh danh ở hạng mục giải thưởng của tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và Hội An là điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á), các sản phẩm văn hoá nghệ thuật như các bộ phim, ca khúc, hội hoạ, xiếc... có xu hướng tìm về bản sắc dân tộc để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam đang trở thành xu hướng và nhận được sự quan tâm rộng rãi của công chúng trong nước và cả ngoài nước đã giúp chúng ta cụ thể hoá sức mạnh mềm văn hoá của dân tộc, kết nối với các lĩnh vực kinh tế - chính trị, tạo điều kiện khẳng định sức mạnh văn hoá Việt Nam.

Để phát huy sức mạnh của văn hoá phục vụ sự phát triển bền vững đất nước, nhất định phải quan tâm hơn nữa đến vị trí và vai trò của văn hoá. Những thành tựu mà chúng ta đạt được trong những năm vừa qua trong lĩnh vực văn hoá là rất đáng kể, góp phần để nước ta có một vị thế vững chắc như hôm nay, tuy nhiên, so với những mong muốn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những người yêu văn hoá đất nước, chúng ta còn có rất nhiều việc phải làm. Ngày 12/10/2019, trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong nhiệm kỳ 2021-2026, bao gồm các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam”, theo đó, một trong những đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2030 là: “Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội; xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh, hội nhập quốc tế; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật”(6). Để làm được điều đó, chắc chắn chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến “phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; Xây dựng môi trường văn hoá một cách toàn diện ở gia đình, nhà trường, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, doanh nghiệp để văn hoá thực sự là động lực, đột phá phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, tính cộng đồng và khát vọng vươn lên. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hoá ứng xử của người lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức và đảng viên. Khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân được phát huy các năng lực tự do sáng tạo trong đời sống kinh tế, xã hội. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hoá, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, đức tính cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hoá, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của các dân tộc và di sản văn hoá. Từng bước hạn chế, tiến tới xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu. Hình thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hoá, thông tin lành mạnh góp phần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xu hướng phát triển xã hội, đấu tranh, lên án các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục góp phần xây dựng xã hội an ninh, an toàn, dân chủ, tiến bộ. Nâng cao vai trò của văn hoá, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hoá; phát triển những sản phẩm, loại hình văn hoá độc đáo có sức lan toả để quảng bá, giới thiệu ra thế giới”(7).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công”(8). Chính vì vậy, chúng ta cần biến những nhận thức đầy đủ, sâu sắc về văn hoá của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XIII thành những hành động cụ thể trong cuộc sống; cần có nhiều hơn nữa những tấm gương tốt, sống đẹp, truyền cảm hứng, tạo điều kiện để xây dựng văn hoá, con người Việt Nam xứng đáng với thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ. Tất cả vì một khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, để đất nước ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời mong đợi của Bác Hồ đã từng căn dặn./.

Bùi Hoài Sơn

___________________________

(1) Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO): Nước công nghiệp (nước công nghiệp mới nổi) có tiêu chí: Giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo (CNCB,CT) bình quân đầu người từ 1.000 - 2.500 USD hoặc giá trị CNCB,CT chiếm trên 0,5% tổng giá trị CNCB,CT toàn cầu; nước công nghiệp phát triển (nước đã công nghiệp hoá) có giá trị gia tăng CNCB,CT bình quân đầu người trên 2.500 USD hoặc GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương trên 20.000 USD. Trong khu vực ASEAN, nước công nghiệp phát triển có Malaysia và Singapore, nước công nghiệp có Indonesia và Thái Lan. Giá trị gia tăng CNCB,CT bình quân đầu người của Việt Nam ước đến năm 2020 ở mức khoảng 900 USD, dự kiến đến năm 2030 có thể đạt trên 2.000 USD, đã trở thành nước công nghiệp (trong khoảng 1.000 - 2.500 USD).

Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới áp dụng cho năm tài chính 2020-2021, nhóm nước thu nhập trung bình cao có thu nhập bình quân đầu người từ 4.046 - 12.535 USD. Ngưỡng thu nhập trung bình cao trong 10 năm qua dao động trong khoảng từ 3.856 - 4.126 USD, năm 2010 là 3.856 USD, năm 2015 là 4.126 USD, năm 2020 là 3.996 USD, năm 2021 là 4.046 USD.

(2) (6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1 tr.206, 221-222, 262-264.

(3) Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Nxb. Văn hóa Thông tin, H, 1992, tr.23.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.2, tr.80.

(5) Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII.

(8) Báo Văn hóa online, ngày 8/11/2019.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày