Đơn vị hỗ trợ
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 7.030.706
Truy cập hiện tại 2.791 khách
Ngày Bác Hồ trở về nước (28-1-1941) - Thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại đối với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc - Sau 80 năm nhìn lại
Ngày cập nhật 31/01/2021

Sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941 không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, Người đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra quyết sách hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của cách mạng thế giới, có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.

 

1. Từ những năm đầu của thế kỷ XX, khi đất nước đang chìm đắm trong đêm tối của chế độ thuộc địa, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã khát vọng cháy bỏng: “Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”(1), để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Với nhiệt huyết cứu nước, trí tuệ thiên tài, nhãn quan chính trị sắc bén và được kế thừa các giá trị yêu nước truyền thống của dân tộc Việt Nam, sau gần 10 năm khi rời bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước (1920), Người đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định đi theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, đưa lại hạnh phúc cho nhân Dân. Đó là sự kiện tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (tháng 12-1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản do Lê-nin thành lập). Đây cũng là sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong tư tưởng và lập trường chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ lập trường yêu nước chuyển sang lập trường cộng sản. Sự kiện đó cũng mở ra cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam một giai đoạn phát triển mới - “giai đoạn gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin”(2). Từ đây, Người trăn trở tìm đường về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin về Việt Nam. Do vậy, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã viết Thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, là: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(3). Đó là mục đích và khát vọng của Người khi ra đi tìm con đường cứu nước. Nhưng trên thực tế, những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc đã bị chính quyền thực dân theo dõi, kiểm soát gắt gao, như trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam “Quốc dân Đảng”(4) (Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng - TG)”.

Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình  vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng)_Ảnh: TTXVN

Dù trước sự kiềm tỏa, khống chế gắt gao của kẻ thù, nhưng trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn theo dõi sát sao tình hình trong nước để tìm thời điểm thích hợp trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Do vậy, sau khi thoát khỏi nhà tù Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mátxcơva và được Quốc tế Cộng sản bố trí công việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, thuộc Trường Đại học Phương Đông, nhưng trước tình hình chuyển biến của cách mạng Việt Nam, Người đã đề nghị Quốc tế Cộng sản bố trí công tác mới. Được sự đồng ý của Quốc tế Cộng sản, ngày 29-9-1938, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời Mátxcơva với nhiệm vụ “đến Trung Quốc để công tác trong Đảng Cộng sản Đông Dương”(5). Đây chính là cơ hội để Người tìm cách trở về nước. Tại Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc vẫn tích cực hoạt động truyền đạt tinh thần các nghị quyết của Quốc tế Cộng sản, đặc biệt các chủ trương, chính sách trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Thông qua Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc với Chi bộ Vân Quý và Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng tại Côn Minh do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Trong buổi làm việc đầu tiên với Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, sau khi nghe báo cáo về phong trào cách mạng trong nước và tình hình Việt kiều tại Vân Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ những công việc cần kíp nhất ở thời điểm này là tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để về nước. Từ đó, Người đã xúc tiến tìm hiểu tình hình, nghiên cứu các phương án trở về Tổ quốc… Đến cuối tháng 10-1940, Người cùng một số cán bộ rời Côn Minh về Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) và sau đó tiếp tục rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây) để tìm đường về nước.

Thực hiện kế hoạch đã định, Người cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Đặng Văn Cáp và được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường đã di chuyển xuống Nậm Quang ở sát biên giới Việt - Trung. Đến ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba nước ngoài đi tìm con đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Tổ quốc. Đây là thời khắc vô cùng trọng đại đối với lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự kiện đó đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước, sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam và cả đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Trước hết là về thời điểm Bác lựa chọn để trở về Tổ quốc là lúc tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển mau chóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6-1940) theo Người nhận định: “Là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(6). Tình hình phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở trong nước đã phát triển mạnh mẽ và chuyển mạnh đấu tranh vũ trang. Tháng 9-1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, nhân dân Đông Dương chịu ách áp bức “một cổ hai tròng” đã nổi dậy khởi nghĩa, như: khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa… Đặc biệt sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đàn áp dã man phong trào cách mạng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã bị địch bắt, nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương  Đảng cũng bị bắt, hệ thống tổ chức đảng bị địch phá vỡ. Tình thế lúc đó buộc Đảng đã phải thành lập ra Ban Trung ương lâm thời tại Hội nghị Trung ương vào tháng 11-1940 ở Đình Bảng, Bắc Ninh.

Tình hình bức thiết ở trong nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền đặt ra yêu cầu khách quan cần kíp phải củng cố lại hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở để lãnh đạo trực tiếp các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước tình hình đó, đồng chí Hoàng Văn Thụ đại diện của Ban Thường vụ Trung ương Đảng được giao nhiệm vụ đi đón Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 12-1940, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp Người tại Tĩnh Tây (Trung Quốc), báo cáo với Người về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người còn tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Cao Bằng yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Về địa điểm đầu tiên Người trở về Tổ quốc, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 (nay là cột mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - vùng đất “phên giậu” Đông Bắc của Tổ quốc, là nơi hội tụ đủ cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước. Bởi vì: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”(7)Sự lựa chọn nơi đặt chân đầu tiên khi trở về Tổ quốc của Người đã thể hiện tầm nhìn mang tính chiến lược, về nhận thức, đoán định được hiện tại và triển vọng tương lai của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam.

Những ngày đầu về nước, Người ở tại nhà ông Lý Quốc Súng (Máy Lỳ), dân tộc Nùng, ở thôn Pác Bó - một cơ sở cách mạng. Từ ngày 8-2-1941, Người chuyển đến hang Cốc Bó ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để sống và làm việc.

Triển lãm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật gắn với hoạt động của Bác Hồ tại Cao Bằng, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam_Ảnh: Vovlive.vn

Chỉ 4 tháng sau khi về nước (từ ngày 10-5 đến ngày 19-5-1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị  Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa I) của Đảng tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Tham gia Hội nghị có Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu tổ chức đảng hoạt động ở nước ngoài.

 Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ đảng ở các địa phương - đây là nhân tố hàng đầu quyết định đường hướng của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, Hội nghị xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, hàng đầu của cách mạng Việt Nam lúc này.

Theo sáng kiến của Người, trên tinh thần dân tộc tự quyết, Hội nghị quyết định thành lập ở ba nước Đông Dương ba mặt trận riêng để tập hợp lực lượng giải quyết nhiệm vụ cách mạng trong phạm vi của dân tộc mình. Ở Việt Nam, thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh. Tập hợp các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước: 1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập; 2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do”(8).

Đóng góp quan trọng nhất của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì là đã bổ sung, phát triển đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam - đường lối giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong đó, đặc biệt là việc xác định: Đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết; xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng; xúc tiến xây dựng căn cứ địa cách mạng, lực lượng chính trị, tập hợp lực lượng cho mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang, cũng như các tổ chức chính trị khác như: Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa… Đây chính là quá trình hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, sự kế thừa, phát triển qua khảo nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang. Nghị quyết của Hội nghị đã thể hiện sự thay đổi căn bản nhận thức về nhiệm vụ hiện thời của cách mạng Đông Dương. Đây chính là nền tảng để Đảng đặt ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa.

Nghị quyết đúng đắn của Hội nghị đã được toàn Đảng và toàn dân thực hiện, dấy lên cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật, thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ. Cao trào cách mạng của cả nước đã dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Đảng trở thành đảng cầm quyền, ra hoạt động công khai lãnh đạo nhân dân Việt Nam trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Đối với quốc tế, quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở nước sau 3 thập kỷ bôn ba tìm đường cứu nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít, cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi đó đã làm thay đổi cả vận mệnh của dân tộc, thay đổi thân phận của người dân Việt Nam. Có thể tự hào nhắc lại lời của Bác: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc(9). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa Việt Nam bước sang một trang sử mới trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Đúng như,  Gớt Hôn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ, đã từng nhận định : “Đồng chí Hồ Chí Minh là con người cần thiết xuất hiện đúng lúc, đúng yêu cầu của lịch sử, với những tư tưởng và ý kiến đúng. Chính vì vậy mà đồng chí làm ra lịch sử… Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thế giới vào lúc lịch sử loài người đang ở bước ngoặt có tính chất cách mạng nhất”(10).

2. Sự kiện Bác Hồ trở về Tổ quốc (1-1941) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (5-1941) cho thấy tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, đã tạo ra bước ngoặt to lớn của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong những năm tháng đầy cam go, hiểm nguy, thử thách, với khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước với những hoạt động khẩn trương, tích cực và đầy sáng tạo cùng với Trung ương Đảng đưa ra những quyết sách nhằm thúc đẩy bánh xe lịch sử của cách mạng Việt Nam phù hợp với xu thế tiến bộ của lịch sử. Như một tờ báo nước ngoài đã nhận định về Người: “Con người đó đã đóng một vai trò lịch sử vô cùng to lớn trong vòng hơn 50 năm nay. Người đã làm lay chuyển hệ thống thực dân. Người đã góp phần biến đổi bản đồ thế giới. Người đã đẩy bánh xe lịch sử theo hướng tiến bộ”(11).

Không những thế, những sự kiện gắn liền với hoạt động của Người ngay sau khi trở về Tổ quốc đã để lại những bài học vô cùng quý giá. Trong đó, đặc biệt là bài học về công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới; bài học về xây dựng thế trận lòng dân, tuyệt đối trung thành, ủng hộ, bảo vệ Đảng và cách mạng thành công; bài học về tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Những bài học đó vẫn có giá trị và ý nghĩa đặc biệt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Mùa Xuân năm 2021, kỷ niệm sự kiện lịch sử 80 năm ngày Bác Hồ trở về nước, cũng là thời khắc diễn ra một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc và đất nước ta: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đại hội đề ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, năm 2030, năm 2045, cũng như mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(12)

Kỷ niệm 80 năm Ngày Bác Hồ trở về nước (28-1-1941 - 28-01-2021), trong không khí hào hùng, phấn khởi cả nước tưng bừng đón chào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, từ đó khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”(13), như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn./.

PGS, TS. TRẦN THỊ THU HƯƠNG* - THS. NGUYỄN VĂN BIỂU**

* Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ** Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

20:40, ngày 28-01-2021

 

-------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, t.1, tr. 416
(2) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do tiến lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 8
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 1, tr. 209
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 3, tr. 13
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 55
(6)  Vũ Anh: Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, 1986, tr. 14-15
(7) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010, tr. 37
(8) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2000, t. 7, tr. 470
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, 2011, tr.25.
(10) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, t. 1, tr. 78.
(11) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1970, t. 3, tr. 115.         
(12) Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t. 15, tr. 131

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày