Một chuyên gia nước ngoài về cải cách hành chính đang làm việc cho một dự án của Bộ Nội vụ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng công chức như sau: “Chúng tôi không quan tâm đến việc người được tuyển dụng có kỹ năng hay không mà quan tâm nhất là thái độ của họ. Kiến thức, kỹ năng có thể đào tạo, tích lũy được, nhưng thái độ thì rất khó thay đổi. Khi có được những công chức có thái độ đúng đắn, tức là nền công vụ sẽ thành công cơ bản”. Cũng theo vị chuyên gia này, Chính phủ Việt Nam đã có một tầm nhìn xa là xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy vậy, thách thức không nhỏ là phải tuyển dụng cho được những cán bộ có tầm nhìn và có khả năng hiện thực hóa tầm nhìn đó. Thách thức này khó giải quyết được chừng nào nền công vụ Việt Nam còn tuyển dụng cán bộ theo bằng cấp và kiến thức lý thuyết về quản lý Nhà nước.
Theo kết quả điều tra xã hội học của Viện Khoa học thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, có tới 65% ý kiến người dân được hỏi nhận xét rằng, cán bộ công chức còn yếu kém về chuyên môn, đặc biệt là yếu kém về thái độ giao tiếp ứng xử với người dân. Bản điều tra kết luận: “Đội ngũ công chức còn nhiều điểm yếu về phẩm chất, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân tiếp tục diễn ra nghiêm trọng”. Lý giải về sự yếu kém này, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu á nhận xét, nền công vụ ở Việt Nam là một hệ thống dựa trên cơ sở nghề nghiệp suốt đời. Nó khiến cho hệ thống quản lý nguồn nhân lực không linh hoạt, trì trệ, không thích nghi với hoàn cảnh thay đổi. Điều này đưa đến hậu quả là cán bộ công chức tự mãn vì biết chắc chắn rằng tương lai của mình không thể “lung lay”, suy chuyển bất kể thái độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ như thế nào. Họ không mảy may lo sợ sẽ bị “mất ghế”, đuổi việc.
Cố vấn về chống tham nhũng của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nhận xét rằng, trong nhiều trường hợp ở Việt Nam, công trạng, thành tích chưa phải là tiêu chí để tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng chức cho cán bộ công chức. Hiện tượng này làm giảm nghiêm trọng động lực tăng cường tính chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm của họ. Ông cố vấn còn đặt câu hỏi rằng, khi tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng tiến mà phụ thuộc vào “thiện chí, thiên vị” cá nhân, thì làm sao cán bộ công chức có thái độ và trách nhiệm đối với Nhà nước và người dân? Còn vị chuyên gia nước ngoài về cải cách hành chính đưa ra một dẫn chứng thật bất ngờ. Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ở Việt Nam cũng như ở Singapore, công chức lương rất thấp, công việc nặng nhọc hơn nhưng đều cống hiến hết mình trong công việc.
Qua thời gian, những công chức thế hệ trước và thế hệ hiện nay ở quốc gia này vẫn nuôi dưỡng, nối tiếp truyền thống làm việc tận tụy, công tâm và đã xây dựng nên một nền công vụ chất lượng cao được thế giới công nhận. Trên cái nền móng công vụ công tâm ấy, nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc và ổn định, thu nhập của người dân đạt trên mấy chục ngàn USD và đương nhiên thu nhập của đội ngũ công chức cũng tăng lên theo.
Rõ ràng, chất lượng công chức quyết định chất lượng công vụ. Bằng cấp, kỹ năng, trình độ có thể nâng cấp, đào tạo lại, nhưng “khó đào tạo” là thái độ, tinh thần trách nhiệm. Dù đã có tiến bộ, nhưng quả thật cải cách hành chính chưa “chạy” theo kịp tốc độ phát triển kinh tế.
MP (Theo anninhthudo.vn)